| Hotline: 0983.970.780

Sẵn sàng xuất khẩu thịt gà sang thị trường các nước Hồi giáo

Thứ Năm 22/02/2024 , 16:09 (GMT+7)

Với năng lực hiện tại, De Heus hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu từ những thị trường Halal nhập khẩu thịt gà nguyên con và tiến tới đạt được chứng nhận Halal toàn cầu.

Tại buổi làm việc giữa đoàn công tác của Bộ NN-PTNT với Tập đoàn De Heus (Hà Lan) ngày 21/2 về việc xây dựng giải pháp xuất khẩu thịt gà, các sản phẩm chế biến từ thịt gà, trứng gia cầm sang các nước Hồi giáo (thị trường Halal), ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi chia sẻ: Hiện nay, trên thế giới có hơn 2 tỷ người theo đạo Hồi. Các thực phẩm họ sử dụng hàng ngày phải được chứng nhận theo tiêu chuẩn Halal (Halal theo tiếng Ảrập có nghĩa là "hợp pháp". Các doanh nghiệp khi đáp ứng đẩy đủ các yêu cầu, phù hợp với các chuẩn mực, giá trị và thiêng luật của đạo Hồi theo kinh Qua'ran và luật Shariah trong sản xuất sẽ được cấp phép để có thể kinh doanh hoặc xuất khẩu các sản phẩm dành cho người Hồi giáo).

Halal là thị trường đầy tiềm năng để Việt Nam có thể xuất khẩu mặt hàng thịt gà, các sản phẩm chế biến từ thịt gà, trứng gia cầm. Ảnh: Trung Quân.

Halal là thị trường đầy tiềm năng để Việt Nam có thể xuất khẩu mặt hàng thịt gà, các sản phẩm chế biến từ thịt gà, trứng gia cầm. Ảnh: Trung Quân.

Theo thống kê, trung bình mỗi năm có khoảng 20.000 tỷ USD được người Hồi giáo sử dụng để mua các loại thực phẩm này. Riêng khu vực Đông Nam Á, có khoảng 860 triệu người theo đạo Hồi, mỗi năm có khoảng 460 tỷ USD được sử dụng để mua các loại thực phẩm có chứng nhận Halal.

Như vậy có thể thấy, đây là một thị trường đầy tiềm năng để Việt Nam có thể xuất khẩu mặt hàng thịt gà, các sản phẩm chế biến từ thịt gà, trứng gia cầm. Tuy nhiên, hiện tại chưa có sản phẩm chính thức nào của Việt Nam liên quan tới thịt được chứng nhận Halal và chưa có tiêu chuẩn về quản lý nhà nước đối với Halal.

Ông Chinh cũng lưu ý, thị trường Halal có những đặc thù rất riêng biệt mà các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trong đó có De Heus phải lưu ý như: Tại các nước Đông Nam Á, tổ chức chứng nhận sản phẩm Halal, nhất là thịt gà do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện (Việt Nam do các tổ chức tư nhân chứng nhận). Các đơn vị phải tuân thủ nghiệm ngặt những yêu cầu theo tiêu chuẩn Halal trong toàn bộ quy trình chăn nuôi, giết mổ như con giống phải được xác nhận, có bố mẹ nuôi theo quy trình Halal; gà nuôi từ 1 ngày tuổi đến khi giết mổ toàn bộ phải sử dụng thức ăn đạt tiêu chuẩn Halal; quy trình giết mổ theo quy định của Halal, trong đó đặc điểm lớn nhất là ngoài yêu cầu về an toàn thực phẩm, phúc lợi động vật… thì phải có quy trình cầu nguyện trước khi giết mổ. Công việc này phải do người theo đạo Hồi giám sát và thực hiện; khâu phân phối, đóng gói cũng phải tuân theo hướng dẫn, tiêu chuẩn Halal…

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Bộ NN-PTNT sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thành công sản phẩm vào thị trường Halal. Ảnh: Trung Quân.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Bộ NN-PTNT sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thành công sản phẩm vào thị trường Halal. Ảnh: Trung Quân.

Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc De Heus châu Á cho rằng, đối với thị trường Halal nên tiếp cận theo 2 phân khúc là ngắn hạn và dài hạn. Trong ngắn hạn, một số quốc gia Hồi giáo có nhu cầu nhập khẩu gà nguyên con, đây là cơ hội tốt để sản phẩm thịt gà của Việt Nam có thể đi vào thị trường, từ đó từng bước khẳng định thương hiệu. Với năng lực hiện tại, De Heus hoàn toàn có thể đáp ứng được những yêu cầu từ những thị trường này đưa ra. Về trung và dài hạn, từng bước hoàn thiện tất cả các quy trình để đạt được chứng nhận Halal.

Để chuẩn bị cho mục tiêu này, năm 2023, Cục Thú y, Sở NN-PTNT các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng, Tây Ninh, Long An và Công ty TNHH De Heus đã cùng ký thỏa thuận phối hợp tổ chức xây dựng chuỗi sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh, giai đoạn 2023 - 2028. Theo đó, De Heus đang nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm hoàn thiện quy trình an toàn dịch bệnh trong chuỗi liên kết chăn nuôi theo quy định của WOAH/OIE.

Lộ trình đến tháng 12/2025 sẽ hoàn thiện và được nước nhập khẩu chấp nhận chuỗi sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh. Toàn bộ cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến thịt gà bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và được chứng nhận HACCP, GlobalGAP, ISO 22000, Halal.

Theo ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc De Heus châu Á, De Heus đang hoàn thiện tất cả các quy trình để đưa sản phẩm thịt gà xuất khẩu vào thị trường Halal. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc De Heus châu Á, De Heus đang hoàn thiện tất cả các quy trình để đưa sản phẩm thịt gà xuất khẩu vào thị trường Halal. Ảnh: Trung Quân.

Tín hiệu vui là một số thị trường Halal đã chủ động tìm nguồn cung cấp thịt gà từ Việt Nam. Thời gian qua, nhiều đơn vị đã đến khảo sát, đánh giá quy trình chăn nuôi, giết mổ của De Heus. Kết quả, các đơn vị rất hài lòng, đánh giá cao và sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ De Heus hoàn thiện các quy trình để sớm nhập khẩu sản phẩm vào thị trường.  

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến lưu ý, tiềm năng, yêu cầu để sản phẩm thịt gà của Việt Nam đi vào thị trường Halal đã được nhận định rõ. Do đó, De Heus phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị chuyên môn của Bộ NN-PTNT (Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Vụ Hợp tác quốc tế…) để tiếp cận và từng bước hoàn thiện quy trình, tháo gỡ những hàng rào kỹ thuật để sớm đưa sản phẩm thịt gà Việt Nam đi vào được thị trường khó tính này.

Muốn làm được điều này, phía doanh nghiệp phải có tiến độ cụ thể cho từng việc, từng nội dung để các cơ quan chuyên môn của Bộ NN-PTNT kịp thời hỗ trợ. Bên cạnh đó, toàn bộ quy trình từ con giống, chuồng trại chăn nuôi, thức ăn, công tác vệ sinh phòng bệnh, nhà máy giết mổ, quy trình đóng gói… phải được kiện toàn theo đúng tiêu chuẩn Halal.

Để sản phẩm thịt gà đi vào thị trường Halal, toàn bộ quy trình từ con giống, chuồng trại chăn nuôi, thức ăn, công tác vệ sinh phòng bệnh, nhà máy giết mổ, quy trình đóng gói… phải được kiện toàn theo yêu cầu. Ảnh: Trung Quân.

Để sản phẩm thịt gà đi vào thị trường Halal, toàn bộ quy trình từ con giống, chuồng trại chăn nuôi, thức ăn, công tác vệ sinh phòng bệnh, nhà máy giết mổ, quy trình đóng gói… phải được kiện toàn theo yêu cầu. Ảnh: Trung Quân.

Bộ NN- PTNT đang triển khai thực hiện nhiệm vụ trong Quyết định số 10/QĐ-TTg ngày 14/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030". Theo đó, Bộ đã có ý kiến đóng góp việc thành lập Trung tâm Halal quốc gia đặt tại Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) để hỗ trợ về pháp lý, thủ tục, công nhận hài hòa các tiêu chuẩn quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, thủy sản Việt Nam đi các thị trường Halal toàn cầu.

Đồng thời, Bộ cũng đã và đang phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia (đất nước Hồi giáo lớn nhất Đông Nam Á) làm việc với các cơ quan, tổ chức của nước này để trao đổi thông tin và phát triển thị trường thực phẩm Halal.

Xem thêm
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.