| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất hữu cơ để nâng cao chuỗi giá trị nông sản

Thứ Tư 28/06/2023 , 07:10 (GMT+7)

Cần Thơ Để tăng lợi nhuận và giá trị chuỗi nông sản, bà con nông dần cần quan tâm sản xuất đảm bảo an toàn vệ thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường.

Buổi tọa đàm với chủ đề 'Tăng giá trị chuỗi nông sản và những vấn đề cần quan tâm' được Sở NN-PTNT TP Cần Thơ phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật tổ chức. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Buổi tọa đàm với chủ đề “Tăng giá trị chuỗi nông sản và những vấn đề cần quan tâm” được Sở NN-PTNT TP Cần Thơ phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật tổ chức. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Vừa qua, tại vùng trồng thanh nhãn ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, Sở NN-PTNT TP Cần Thơ phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật tổ chức tọa đàm với chủ đề “Tăng giá trị chuỗi nông sản và những vấn đề cần quan tâm”.

Tại buổi tọa đàm, nông dân và các đại biểu đã được ngành nông nghiệp TP Cần Thơ cùng Cục Bảo vệ thực vật và các diễn giả cập nhật, cung cấp nhiều thông tin hữu ích về tình hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố và cả nước nói chung, nhất là đối với mặt hàng trái cây. Đồng thời, thông tin về các tiêu chuẩn, chất lượng mà trái cây cần đạt được để có thể xuất khẩu đi các nước, cũng như phân tích, chỉ rõ các nguyên nhân dẫn đến việc trái cây và nhiều loại nông sản ở nước ta còn gặp tình trạng “rộ mùa, rớt giá” và chưa mang lại giá trị gia tăng cao.

Qua đó, các diễn giả đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm tăng giá trị chuỗi nông sản bằng cách sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Cụ thể như: Nông dân, HTX, doanh nghiệp và các bên có liên quan cần tăng cường liên kết để khắc phục tình trạng sản xuất manh mún nhỏ lẻ. Quan tâm sản xuất đạt các tiêu chuẩn, chất lượng đáp ứng theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và từng thị trường xuất khẩu. Chú ý sản xuất theo hướng hữu cơ, tăng cường chế biến sâu, mở rộng thị trường xuất khẩu, cũng như khai thác tốt các phụ phẩm để gia tăng thêm giá trị.

Các diễn giả cũng trực tiếp trao đổi, giải đáp các câu hỏi và thắc mắc của nông dân để giúp nông dân thực hiện tốt việc sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới.

Nông dân TP Cần Thơ sản xuất nhãn theo hướng hữu cơ thuận lợi đầu ra. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nông dân TP Cần Thơ sản xuất nhãn theo hướng hữu cơ thuận lợi đầu ra. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, cho biết: Cần Thơ có diện tích đất nông nghiệp gần 115 ngàn ha. Trong đó, có khoảng 78 ngàn ha canh tác lúa, 2 ngàn ha đất trồng cây hằng năm khác và 31 ngàn ha đất trồng cây lâu năm, trong đó có hơn 25 ngàn ha cây ăn trái. Hằng năm, thành phố sản xuất 3 vụ lúa với sản lượng đạt từ 1,3-1,4 triệu tấn, sản lượng trái cây đạt hơn 194.500 tấn, sản lượng rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày đạt hơn 200.000 tấn.

Ðể nâng cao giá trị sản phẩm và ổn định đầu ra cho các loại nông sản trên địa bàn, thời gian qua, TP Cần Thơ đã tích cực khuyến khích, hỗ trợ nông dân liên kết với nhau và với các doanh nghiệp để hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; Thúc đẩy hình thành các vùng sản xuất nông sản tập trung được chuẩn hóa sản xuất hữu cơ đạt theo các tiêu chuẩn an toàn, chất lượng và đảm bảo an toàn đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu.

Bà con nông dân, HTX cần đẩy mạnh sản xuất nông sản theo hướng hữu cơ.  Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bà con nông dân, HTX cần đẩy mạnh sản xuất nông sản theo hướng hữu cơ.  Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, để tăng được lợi nhuận và giá trị chuỗi nông sản, cần quan tâm sản xuất tốt đạt chất lượng, đảm bảo an toàn vệ thực phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn gắn với bảo vệ môi trường và có chi phí giảm; Quan tâm vấn đề thị trường, thực hiện sản xuất gắn với tiêu thụ, định hướng sản xuất từng loại nông sản gắn với các thị trường và nơi tiêu thụ cụ thể ở trong nước và xuất khẩu; Chú ý củng cố, phát triển các hợp tác xã để có quy mô sản xuất lớn và đáp ứng được các yêu cầu và đơn đặt hàng của các doanh nghiệp.

Cũng theo ông Hè, Sở NN-PTNT thành phố cần quan tâm tăng cường cung cấp thông tin và tạo điều kiện để nông dân, doanh nghiệp thuận lợi trong tiếp cận các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của thành phố và Trung ương trong liên kết sản xuất, tiêu thụ, đầu tư chế biến sâu.

Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, hiện nước ta có khoảng 7.500 cơ sở chế biến nông lâm thủy sản, trong có khoảng 150 nhà máy chế biến có công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, năng lực các nhà máy chế biến mới đáp ứng chế biến khoảng 8-10% lượng rau quả, còn lại khoảng 90% phải tiêu thụ tươi.

Do vậy, Bộ NN-PTNT cùng các cấp, các ngành chức năng đã và đang tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi các nhà đầu tư và tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư, phát triển các nhà máy chế biến nông sản chuyên sâu.

Để làm được các vấn đề nêu trên, bà con nông dân, HTX phải đẩy mạnh sản xuất nông sản theo hướng hữu cơ và liên kết với nhiều đơn vị, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.