Chúng tôi cùng đoàn công tác gồm đại diện Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT); Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở NN-PTNT Khánh Hòa và Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa thăm mô hình sản xuất muối sạch trên bạt HDPE ở phường Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa).
Đây là một trong những mô hình thuộc dự án khuyến nông trung ương về “Xây dựng mô hình sản xuất muối sạch theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm”. Dự án được triển khai tại 3 tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên và Ninh Thuận với quy mô 7ha, thời gian thực hiện năm 2023 - 2024. Trong đó, tại Khánh Hòa quy mô dự án có diện tích 2,5ha/2 năm do Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa chủ trì.
Trong năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa triển khai mô hình với diện tích 1,5ha tại gia đình chị Nguyễn Thị Bích Hợp. Do công tác đấu thầu nên chủ mô hình hiện chưa nhận được hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước. Thế nhưng, chủ mô hình cũng đã chủ động đầu tư bạt nhựa HDPE lót cho ao kết tinh với diện tích khoảng 1.200m2.
Dẫn chúng tôi tham quan ruộng muối, bà Nguyễn Thị Hương Thảo, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Khuyến nông (Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa) cho biết, qua theo dõi mô hình cho thấy sản lượng muối thu hoạch trung bình đạt khoảng 4 - 5 tấn/đợt. Mỗi tháng trung bình chủ mô hình thu hoạch 4 đợt, trong khi thu muối trên ao đất chỉ 3 đợt, sản lượng chỉ đạt từ 2 - 2,5 tấn/đợt. Không chỉ thế, sử dụng bạt nhựa HDPE lót ruộng muối cho chất lượng muối tốt hơn, hạt muối trắng tinh và ít tạp chất. Đặc biệt, giá muối bán cao gấp 1,5 -2 lần so với muối ao đất.
“Qua mô hình cho thấy việc sản xuất muối trên ruộng lót bạt nhựa HDPE không chỉ cho sản lượng, chất lượng muối cao hơn mà số lần thu hoạch muối trong năm còn nhiều hơn so với phương pháp sản xuất muối trên nền đất”, bà Thảo chia sẻ và cho biết thêm, tuy bạt nhựa HDPE có chi phí cao song độ bền có thể lên đến trên 10 năm, tính ra khấu hao bạt không cao.
Ông Lê Như Huy, chủ mô hình cho biết, từ đầu tháng 3 đến tháng 6/2023, ông thu hoạch khoảng 70 tấn muối. Qua sử dụng bạt HDPE trên ruộng muối cho thấy độ hấp thu nhiệt rất tốt so với bạt bình thường. "Nếu có ánh nắng, bạt bình thường phải đến 9 giờ mới nóng (chưa vô nước), còn bạt HDPE chỉ 7 giờ 30 phút là đã nóng ran, chứng tỏ bạt HDPE giúp bốc hơi nhanh hơn và hạt muối mau kết tinh hơn", anh Huy cho biết
Cũng theo ông Huy, trước đây, vùng muối ở Ninh Diêm chủ yếu sản xuất nền đất và anh là một trong những người đầu tiên làm muối lót bạt từ năm 2018. Năng suất của muối sản xuất trên nền bạt cao gấp 2 - 3 lần so với sản xuất trên nền đất. Đặc biệt, việc thu hoạch muối rất nhanh, thuận lợi nếu không gặp trời mưa. Cụ thể, muối sản xuất trên nền bạt chỉ mất vài ngày cải tạo là có thể cào được muối, trong khi sản xuất muối đất phải mất ít nhất hơn 2 tuần.
Ông Nguyễn Văn Tín, Phó Chủ tịch UBND phường Ninh Diêm cho biết, toàn phường có khoảng 120ha sản xuất muối. Những năm gần đây, HTX và người dân trên địa bàn đã đầu tư sản xuất muối trải bạt. Nhờ đó, đến nay toàn phường có khoảng 90% diện tích sản xuất trên nền lót bạt. Tuy nhiên hiện chưa có hộ dân nào sản xuất muối trên bạt nhựa HDPE. Do đó, việc Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình này sẽ giúp bà con tiếp cận phương thức sản xuất mới, giúp nâng cao hiệu quả, năng suất và chất lượng muối.
Với hiệu quả từ mô hình này, Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa tin rằng, thời gian tới mô hình sẽ được nhân rộng trên 20% quy mô dự án.
Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất muối sạch theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm” nhằm mục tiêu xây dựng mô hình cho năng suất muối đạt 100 tấn/ha/vụ, trong khi sản xuất muối trên nền đất chỉ khoảng 62 tấn/ha/vụ. Dự án cũng sẽ xây dựng 1 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo 60% lượng muối trở lên từ mô hình được tiêu thụ. Đồng thời tổ chức hoạt động đào tạo, tập huấn, tham quan, thông tin tuyên truyền nhằm phổ biến, nhân rộng mô hình...