Thấy được hiệu quả từ những thiết bị ông Mười sáng chế, nhiều người dân tại làng bột Sa Đéc đã học hỏi làm theo để giảm sức lao động và chi phí sản xuất bột một cách hiệu quả.
Ông Mười thử nghiệm làm mái che phơi bột |
Với chút ít tay nghề về cơ khí sẵn có, ông đã tìm tòi sáng tạo ra nhiều dụng cụ thay thế sức lao động. Ông chia sẻ trong một lần làm nhà, phát hiện tấm nhựa composite trên trần nhà có độ bền nhiệt cao nên ông quyết định thử nghiệm làm mái che phơi bột với diện tích 60m2, chi phí khoảng 10 triệu đồng. Tiện ích của mái che là ánh nắng mặt trời chiếu xuyên qua tấm composite, nhiệt độ này sẽ làm khô bột, khỏi phải tốn công đem ra đem vào như lúc trước.
Ông Nguyễn Văn Mười chia sẻ: “Miếng mủ sáng bằng composite rất nóng, tôi làm giàn thì rất hiệu quả, nếu bà con làm thì bột chất lượng, tép bột cũng bình thường. Nắng cũng không có gì chậm hơn so với phơi ngoài trời. Một giàn composite phơi được 60 - 70 liếp thì khoảng 10 triệu trở lại”.
Cách đây 7 - 8 năm, ông còn sáng chế ra mái che bột di động chữ A có bánh xe giá rẻ làm bằng tôn, dễ sử dụng, khi trời mưa bất chợt, chỉ cần dùng tay kéo theo đường rảnh thì diện tích mái hiên đã có thể phủ khắp một khoảng không gian phơi bột.
Mặc dù chỉ là những sáng kiến nhỏ nhưng những cải tiến của người “kỹ sư không bằng cấp” Nguyễn Văn Mười đã góp phần lớn trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm về nhân lực và thời gian, cải thiện thu nhập của người dân tại làng bột nổi tiếng vốn có truyền thống trăm năm tuổi.