Trở tay không kịp, nhiều vườn chết ráo
Từ những ngày đầu tháng 3, ở ĐBSCL đã có vài cơn mưa trái mùa xoa dịu đi cái nắng chói chang, oi bức của những ngày cuối xuân. Năm nay, dù tình hình hạn hán, xâm nhập mặn được dự báo không khốc liệt như mùa khô 2019 - 2020 nhưng khả năng mặn xuất hiện vẫn cao hơn trung bình nhiều năm và hơn một ít so với mùa khô 2020 - 2021.
Rút kinh nghiệm các đợt hạn - mặn trước, hai năm gần đây, chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành ở ĐBSCL luôn trong tư thế “phòng bị” nước mặn xâm nhập bất ngờ. Nhiều phương án sẵn sàng ứng phó với hạn - mặn được lên sẵn thành kịch bản.
Chúng tôi rảo bước đến xứ sở trái cây ở xã cù lao Tân Phong thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Nơi đây, người dân trồng nhiều loại cây ăn trái như sầu riêng, chôm chôm, mít, nhãn… Đa số cây trồng bị ảnh hưởng của đợt hạn - mặn trước nên nhiều cây èo uột, xơ xác chưa phục hồi nổi. Trò chuyện với người dân địa phương, chúng tôi nhận thấy dù đã chuẩn bị nhiều phương án ứng phó nếu mặn đến bất ngờ nhưng người dân nơi đây vẫn còn rất sợ nếu nước mặn quay lại.
Ông Phúc, một nông dân ở ấp Tân Thiện có 2 công vườn sầu riêng bị thiệt hại cho hay: “Năm đó, nhờ tôi trữ được một ít nước ngọt trong mương cộng thêm thuê xe chở được 6 khối nữa nên vườn cây thiệt hại không nhiều. Mấy vườn khác bị nặng hơn, có vườn bị chết trắng. Bây giờ người dân rất sợ mặn. Như tôi, mấy ngày nay, rút kinh nghiệm vét mương, theo dõi tình hình nước mặn sát sao, hễ gần tới là đóng bọng trữ ngọt liền”.
Bà Hồ Thị Xuân Đào, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phong cho chúng tôi biết, mùa hạn - mặn khốc liệt trước, nơi đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nước mặn gần 2‰ bao vây ròng rã cù lao suốt 3 tháng liền. Bởi tổng diện tích cây ăn trái của xã gần 1.300ha nhưng các loại cây ăn trái nhạy cảm với nước mặn (ngưỡng chịu mặn dưới 0,5‰) chiếm khá lớn, như sầu riêng (trên 678ha), chôm chôm gần 206ha.
Cũng theo bà Đào, như cùng kỳ thời điểm này ở hai mùa khô trước, nhân dân cù lao đã trải qua gần một tháng rưỡi bị nước mặn bao vây. Do đó, người dân, chính quyền cũng tìm đủ các giải pháp để có nước ngọt cứu cây.
“Chúng tôi biết có người bỏ ra hàng trăm triệu để thuê ghe chở nước ngọt, mua máy lọc nước mặn. Bên cạnh đó, tỉnh cũng thuê sà lan chở nước cấp phát cho dân cứu cây. Tuy nhiên, những giải pháp đó cũng hiệu quả thấp. Nhiều vườn sầu riêng, chôm chôm thiệt hại nặng”, bà Đào nhớ lại.
“Năm đó, nước mặn đến quá bất ngờ, thêm trời nắng nóng nên hạn - mặn càng khốc liệt. Khi đó, chính quyền và người dân còn lúng túng trong khâu ứng phó. Nhiều bà con chủ quan nghĩ nước mặn vô rồi rút ra, sẽ có đợt nước ngọt mới về nên không dự trữ nước ngọt trong mương. Tuy nhiên, mặn bao vây suốt ba tháng liền, ở trong rạch suốt, không có cơ hội trữ ngọt nữa”, bà Đào nói về nguyên nhân các vườn cây bị mặn ảnh hưởng.
Anh Nguyễn Thành Út (36 tuổi), ở ấp Tân Thiện là một trong những hộ dân có 5 công sầu riêng 2,5 tuổi bị chết trắng ở mùa hạn - mặn năm đó. Với diện tích 5 công, hộ anh được UBND xã Tân Phong cấp gần 40 khối nước ngọt. Do nhà ở trong hẻm nhỏ, vợ chồng anh dùng xe gắn máy chở từng can 20 lít bất kể giờ giấc cho dù là giữa trưa dưới cái nắng như thiêu như đốt. Vợ chồng anh chỉ mong cứu sống được cây nào hay cây nấy bởi thời điểm đó vườn đã suy kiệt quá mức do nhiều ngày không được giọt nước nào. Dù cố gắng là vậy nhưng kết quả nguyên vườn chỉ sót lại đúng 2 cây.
Nhắc tới sự việc này, không chỉ anh Út mà người thân trong gia đình ai cũng hết sức xót xa. Vườn sầu riêng 2,5 tuổi là khát khao vươn lên làm giàu của anh từ mảnh vườn cha ông để lại. Anh Út, như cái tên của anh, là người con út trong gia đình có đông anh chị em. Được thừa hưởng 5 công vườn trồng vú sữa nhưng hiệu quả thấp, anh Út mạnh dạn vay tiền của người thân cộng với số vốn ít ỏi vợ chồng anh dành dụm được để cải tạo thành vườn chuyên canh cây sầu riêng đặc sản. Số tiền đầu tư, chăm bẵm 5 công sầu riêng trong hai năm rưỡi tốn hết gần 70 triệu đồng. “Nếu như không có hạn - mặn thì mùa khô này tôi đã bắt đầu xử lý để cây có trái vụ đầu tiên. Ấy vậy mà…”, anh Út ngậm ngùi thở dài.
Cùng cảnh ngộ với anh Nguyễn Thành Út, ông Nguyễn Văn Cời cùng ngụ ấp Tân Thiện cũng có 5 công vườn trồng chôm chôm và sầu riêng bị thiệt hại nặng không kém. Sau đợt hạn - mặn đó, vườn của ông Cời chỉ còn sót lại có mười mấy cây sầu riêng. Toàn bộ 3 công chôm chôm chết ráo trọi, nay chỉ còn những gốc củi mục. Những gốc sầu riêng còn sót lại cũng phát triển không được tốt, nhiều bệnh, èo uột trông đến thê thảm.
Trồng cây gì có hiệu quả?
Sau hạn - mặn, gia đình anh Út, ông Cời đã cải tạo lại vườn cây. Cả hai đều trồng cây mít siêu sớm để nhanh thu hoạch bù đắp lại những khoảng thiếu hụt vừa qua. Đến nay, vườn của anh Út đã thu được 2 lứa mít, bán được gần 50 triệu đồng, còn ông Cời vẫn chưa bán được lứa nào. Tuy nhiên, xét về hiệu quả kinh tế, cây sầu riêng hiệu quả hơn cây mít nhiều lần. “Thu nhập từ bán 5 công mít chỉ bằng 1 công sầu riêng”, anh Nguyễn Thành Út nói.
Tới nay đã hai mùa khô nhưng anh Út, ông Cời cũng như người dân ở đây vẫn còn ám ảnh cái cảnh bị nước mặn “vây đánh” ngày nào. Cây mít hiệu quả không cao cộng với cây dễ bệnh, nhanh chết, không bền vững nên anh Út có ý định trồng lại cây sầu riêng. Tuy nhiên, anh vẫn còn do dự mãi không quyết được bởi sợ nước mặn lại đến rồi mất trắng như ngày nào.
Còn ông Cời nói, không trồng mít ông cũng không biết trồng cây gì, nhưng cây mít tuổi thọ không cao, giá cả lại bấp bênh. Theo ông Cời, đến nay, vườn sầu riêng nhiễm mặn chưa phục hồi hoàn toàn nên ông cũng không dám trồng lại. Nhiều vị trí cây chết, ông còn bỏ trống bởi chưa biết trồng cây gì có hiệu quả.
Theo bà Hồ Thị Xuân Đào, đối với vấn đề cải tạo lại vườn sầu riêng, chôm chôm bị thiệt hại, bà con nông dân xã Tân Phong chủ yếu trồng lại phần lớn là cây mít. Năm qua, tình hình đê bao cống bọng được khép kín, công tác phòng chống hạn - mặn được triển khai tốt hơn. Cùng với đó, tình hình nước mặn năm ngoái và năm nay thấp nên một số bà con đã nhen nhóm trồng lại cây sầu riêng bởi cây này hiệu quả kinh tế cao, bền vững hơn cây mít. Tuy nhiên, nhiều bà con vẫn còn ngần ngại do sợ nước mặn lại đến.