| Hotline: 0983.970.780

Sâu bệnh tấn công Bình Định, Phú Yên

Thứ Sáu 26/02/2010 , 10:19 (GMT+7)

Thời tiết âm u, có sương mù và lạnh vào sáng sớm và chiều tối những ngày trong và sau Tết Nguyên đán đã khiến sâu bệnh phát sinh và lây lan mạnh trên lúa ĐX tại một số tỉnh vùng Nam Trung bộ.

Thời tiết âm u, có sương mù và lạnh vào sáng sớm và chiều tối những ngày trong và sau Tết Nguyên đán đã khiến sâu bệnh phát sinh và lây lan mạnh trên lúa ĐX tại một số tỉnh vùng Nam Trung bộ.

Phú Yên: Đạo ôn bùng phát! 

Bệnh đạo ôn xuất hiện từ trước Tết và lây lan mạnh trên lúa đông xuân ở Phú Yên, nhất là khi thời tiết âm u, sương mù vào sáng sớm và nhiệt độ xuống thấp. Ghi nhận của Chi cục BVTV Phú Yên cho thấy diện tích lúa bị đạo ôn tập trung chủ yếu trên các giống nhiễm như IR 17494, ML 202, LM4-2 và VND 95-20. Theo đánh giá ban đầu, toàn tỉnh Phú Yên đã có hàng trăm ha lúa bị bệnh đạo ôn đến ngưỡng phải phòng trừ và diện tích lúa bị bệnh cấp 1, cấp 2 không ngừng tăng lên, nhất là các cánh đồng thuộc các xã An Định, Anh Nghiệp, An Thạch, huyện Tuy An, Hòa Vinh, Hòa Hiệp Bắc (huyện Đông Hòa), Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa), huyện Đồng Xuân.

Đáng ngại nhất là ở nhiều nơi, nông dân vẫn chưa quan tâm đến việc thăm đồng, phòng trừ bệnh và kịp thời. Tại cánh đồng giáp ranh giữa xã Hòa Vinh, huyện Đông Hòa và phường Phú Đông, TP Tuy Hòa; xã Hòa Vinh với các xã Hòa Hiệp Bắc,Hòa Hiệp Nam, Bắc An Nghiệp (huyện Tuy An)... nhiều chân ruộng lá lúa có vết bệnh hình thoi bắt đầu lan rộng và gây cháy lá diện rộng, cây lúa không phát triển được. Trong khi đây là thời điểm cây lúa làm đòng trỗ bông, nguy cơ mất mùa là rất lớn. Ông Phạm Bộ ở phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa buồn bã cho biết: Trước Tết ruộng lúa nhà tôi vẫn xanh tốt. Ăn Tết xong ra thăm đồng đã thấy ruộng lúa đám thì khô đầu lá, đỏ quét, nơi nào xanh thì chuyển sang màu bầm bầm (biểu hiện của bệnh đạo ôn). Cả vùng ai cũng có hiện tượng này chứ không riêng gì ruộng lúa nhà tôi.

Suốt hơn một tuần qua, Chi cục BVTV Phú Yên đã tổ chức lực lượng cán bộ kỹ thuật xuống đồng kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại từng vùng để khuyến cáo nông dân các biện pháp phòng trừ bệnh. Ông Nguyễn Hữu Doãn, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Phú Yên cho biết: Khi xuất hiện bệnh đạo ôn, cách tốt nhất là chúng ta dùng thuốc nhưng dùng phải đúng thuốc, đúng nồng độ, liều lượng và phải đủ nước.

Phải phun cho đúng kỹ thuật. Đặc biệt để tránh đạo ôn cổ bông, khi cây lúa bước vào trỗ, dù bệnh đã trừ hết hay không bà con cũng phải phun thuốc chống đạo ôn lại một lần. Nếu bệnh nặng thì 5 - 7 ngày sau trỗ tiếp tục phun lần nữa mới mong ngăn ngừa đạo ôn phát sinh gây hại.

Một yếu tố khác khiến bệnh đạo ôn lây lan nhanh do người dân chưa biết cách phòng trừ. Theo ngành chức năng thì nguyên tắc phòng trừ bệnh đạo ôn là khi phát hiện trên ruộng có vết bệnh phải lập tức ngừng bón phân, nhất là phân đạm và các loại phân kích thích sinh trưởng. Giữ nước luôn đủ trên chân ruộng và nếu bệnh nặng phải phun thuốc đặc hiệu theo nguyên tắc 4 đúng. Tuy nhiên trên thực tế, ở nhiều chân ruộng đạo ôn xuất hiện đồng thời với triệu chứng vàng lá sinh lý.

Sốt ruột, nhiều nông dân đã ngay lập tức bón phân đạm càng khiến bệnh đạo ôn bùng phát. Ông Nguyễn Tỵ, đang làm 3 sào ruộng tại cánh đồng phường Phú Lâm giáp ranh với cánh đồng thuộc xã Hòa Hiệp Bắc cho biết: Tôi đi thăm đồng, thấy lúa đỏ lá thì bón phân chứ đâu biết có bệnh đạo ôn. Nay càng bón phân cây lúa càng không phát triển. 

Trước tình hình dịch bệnh lây lan trên lúa ĐX, UBND huyện Đông Hòa đã chỉ đạo trạm BVTV, Phòng NN & PTNT và các hợp tác xã nông nghiệp tăng cường xuống đồng, hướng dẫn bà con các biện pháp phòng trừ bệnh đạo ôn, bảo vệ lúa ĐX. Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa cho biết: Do dịch bệnh bùng phát vào dịp Tết nên bà con nông dân do lo Tết cũng có một phần chủ quan. UBND huyện Đông Hòa, trạm BVTV huyện đã chỉ đạo ngay sau Tết là phải tập trung chăm sóc lúa ĐX, chủ yếu là tập trung diệt chuột và trừ đạo ôn. Đến nay một số vùng lúa nhiễm bệnh đạo ôn đã được ngăn chặn. 

Bình Định: Rầy tấn công diện rộng

Theo Chi cục BVTV tỉnh Bình Định, rầy nâu và rầy lưng trắng đã có nhiều đợt tấn công nhiều diện tích lúa đông xuân trên địa bàn tỉnh. Tính đến thời điểm này, rầy đã gây hại đến 1.400 ha lúa, trong đó có 180 ha bị thiệt hại nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Thành Minh - Trưởng phòng Kinh tế huyện An Nhơn cho biết: “Thông lệ thì vào vụ ĐX rầy vẫn thường tấn công các trà lúa. Thế nhưng năm nay do ảnh hưởng Elnino, thời tiết nắng nóng bất thường, cả tháng Chạp không có lạnh tạo điều kiện cho rầy phát triển sớm và tấn công mạnh hơn, nhất là trên những giống lúa nhiễm rầy như U ải 32 và DV 108. Trong khi đó, cũng do theo thói quen nên chân ruộng 3 vụ/năm, nông dân lo sợ bão lụt làm hư giống đã sạ rất dày đến 9 kg giống/sào thay vì 6 kg/sào như hướng dẫn của ngành nông nghiệp trong khi vụ ĐX năm nay không xảy ra mưa gió gì nên lúa lên dày đặc làm việc bơm thuốc diệt rầy trở nên khó khăn dẫn đến lây lan nhanh trên diện rộng với mật độ rầy rất cao”.

Hiện trên địa bàn huyện An Nhơn đã có 130 ha lúa ĐX trên chân 3 vụ/năm đã bị rầy tấn công tập trung tại các xã: Nhơn Hạnh: 53 ha; Nhơn Mỹ: 50 ha; Nhơn Phong: 5 ha và thị trấn Bình Định: 17 ha. Đặc biệt nghiêm trọng là tại các xã Nhơn Hạnh, Nhơn Mỹ và thị trấn Bình Định có hàng chục ha lúa bị nhiễm rầy nặng với mật độ từ từ 5.000 con-10.000 con/m2 gây cháy cục bộ nhiều diện tích.

Làm việc với Chi cục BVTV tỉnh Bình Định chúng tôi được biết huyện Phù Cát là nơi bị rầy tấn công nặng nhất. Ông Thân Trọng Thủy - Trưởng trạm BVTV Phù Cát cho biết: “Hầu hết những diện tích lúa trên chân 3 vụ ở các xã trong huyện đều bị rầy gây hại. Những địa phương bị thiệt hại nặng là xã Cát Tường: 100 ha; Cát Thành: 110 ha; Cát Minh: 50 ha; Cát Tài: 50 ha; Cát Khánh: 30 ha; Cát Tân: 35 ha; Cát Hanh 30 ha; Cát Trinh: 15 ha và Cát Nhơn 5 ha. Mật độ rầy trên những diện tích bị gây hại là rất cao, từ 3.000 con đến 20.000 con/m2”.

“Rút kinh nghiệm từ năm trước, ngày 19/02/2010 Chủ tịch UBND tỉnh Bình Đinh đã có công điện khẩn chỉ đạo cho các địa phương phải tập trung “đánh” rầy dù đang trong những ngày Tết Nguyên đán, địa phương nào không ngăn chặn được lũ rầy hại lúa, lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nên trong Tết Canh Dần này hầu như cán bộ ngành nông nghiệp ở các địa phương đều ăn Tết ngoài ruộng”. Ông Nguyễn Thành Minh - Trưởng phòng Kinh tế huyện An Nhơn, bộc bạch.

Mặc dù ngành chức năng tỉnh Bình Định đã có lệnh “cấm” giống lúa U ải 32 và khuyến cáo không nên sử dụng giống DV 108, 2 loại giống nhiễm rầy nặng nhưng vì tập quán, nhiều hộ nông dân đã không tuân thủ và kết quả là những diện tích sạ 2 giống lúa trên đã trở thành món mồi ngon cho lũ rầy trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Thành Minh cho biết thêm, 1 ngày trước Tết Canh Dần, phòng Kinh tế huyện An Nhơn đã thành lập 3 tổ công tác, mỗi tổ 2 cán bộ thuộc Trạm khuyến nông và Trạm BVTV, phụ trách 2 xã. Từ ngày 30 tháng Chạp đến mùng 4 Tết Canh Dần thường xuyên đi kiểm tra đồng ruộng, phát hiện diện tích nào cần phải cấp tốc diệt rầy là vận động bà con ra đồng phun thuốc theo hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ ngành NN. Đối với những hộ neo đơn có ruộng bị nhiễm rầy, UBND huyện chỉ đạo cho các UBND xã phải hỗ trợ nhân lực để bơm thuốc kịp thời nên đã hạn chế tối đa rầy lây lan gây hại trên diện rộng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bay - Trưởng phòng NN - PTNT huyện Tuy Phước thì nỗi lo lớn nhất của ngành nông nghiệp Bình Định hiện nay là phải đối phó thế nào cho hiệu quả trước đợt rầy mới mà theo dự báo là sẽ tấn công trên những trà lúa 2 vụ/năm vào đầu tháng 3 tới. Ông Nguyễn Bay nói: “Trà lúa 2 vụ/năm đang đứng cái làm đòng, đến khoảng ngày 15/3 sẽ mút đòng trỗ. Lúc ấy mà bị rầy tấn công thì thất thoát năng suất sẽ là điều không thể tránh khỏi”.

Xem thêm
Vây bắt đàn chó liên quan bé gái 10 tuổi tử vong nghi do bệnh dại

Bé gái 10 tuổi ở Xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) tử vong với những triệu chứng nghi do bệnh dại sau khi bị chó cắn, cơ quan chức năng đang vây bắt đàn chó để xét nghiệm.

Gia Lai có thêm 5 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói

Gia Lai vừa có thêm 2 mã số vùng trồng và 3 mã số cơ sở đóng gói, nâng tổng số lên 227 mã số vùng trồng và 38 mã số cơ sở đóng gói.

'Bắt bệnh, bốc thuốc' cho vườn cam thoái hóa

HÀ TĨNH Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, những vườn cam có 30 - 50% số cây 'ốm yếu', suy kiệt, có nguy cơ phải phá bỏ đã được giữ lại.