Ngày 23/4, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Úc (Australian Aid) tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo “Tài liệu hướng dẫn triển khai một số nội dung về phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025”.
TS. Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, cho biết, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới (NTM) các cấp (xã, huyện, tỉnh) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu) giai đoạn 2021 - 2025.
Trong Bộ tiêu chí xây dựng NTM các cấp đều đưa vào nội dung về phát triển du lịch nông thôn, đặc biệt là đối với các huyện, xã xây dựng NTM nâng cao, gắn phát triển du lịch nông thôn với nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá đặc trưng của từng vùng miền và xây dựng cảnh quan, bảo vệ môi trường nông thôn.
“Phát triển du lịch nông thôn không chỉ nâng cao đời sống mà còn phát triển năng lực, tư duy nhận thức của người dân, cũng chính là hướng tới phát triển đa giá trị, hướng tới bền vững và chất lượng, là mục tiêu của xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025”, ông Sơn nhấn mạnh.
Hiện nay, cả nước có trên 1.300 khu, điểm du lịch, trong đó có khoảng 70% là các điểm du lịch thuộc khu vực nông thôn với các hình thức khá đa dạng như du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái, du lịch làng nghề…
Ông Ngô Trường Sơn nhận định, để nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, phát triển du lịch là một hướng đi mới, góp phần phát huy lợi thế, giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn và nông dân; đồng thời theo đúng định hướng chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa ngành, đa giá trị.
Trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP), Bộ NN-PTNT đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả Chương trình, trong đó có nhóm sản phẩm Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Đến nay, cả nước đã có 36 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng được công nhận là sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.
Bộ tiêu chí Dịch vụ du lịch cộng đồng và Điểm du lịch gắn với Chương trình OCOP đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019, vừa là căn cứ để đánh giá các điểm du lịch cộng đồng, vừa giúp các địa phương xác định các hạn chế, yếu kém, từ đó đề xuất cơ chế, chính sách và kế hoạch hỗ trợ.
“Có thể thấy, vùng miền núi phía Bắc có số lượng sản phẩm du lịch cộng đồng trong Chương trình OCOP nhiều nhất trong cả nước, một mặt xuất phát từ lợi thế nổi bật của vùng về văn hoá, cảnh quan… song cũng đặt ra thách thức về việc không để trùng lặp các sản phẩm, liên kết vùng, tạo điểm nhấn cho mỗi địa phương…”, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương cho hay.
Với sự hỗ trợ của Dự án “Thúc đẩy Bình đẳng giới thông qua Nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và Phát triển du lịch tại hai tỉnh Lào Cai và Sơn La” (Dự án GREAT), thời gian qua, Văn phòng Điều phối NTM Trung ương đã phối hợp với Tổng cục Du lịch xây dựng Dự thảo Chương trình phát triển du lịch trong xây dựng NTM.
Theo đó, Chương trình sẽ tập trung vào rà soát, bổ sung các chính sách, khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển du lịch nông thôn; rà soát, bổ sung các chính sách trong công tác quản lý để phát triển du lịch nông thôn; triển khai các nội dung để hỗ trợ du lịch nông thôn; phối hợp với các tỉnh, thành phố để lựa chọn, triển khai mô hình điểm.
Cũng với sự hỗ trợ của Dự án GREAT, Văn phòng Điều phối NTM Trung ương đã phối hợp với các chuyên gia xây dựng dự thảo Tài liệu hướng dẫn triển khai một số nội dung về phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.