| Hotline: 0983.970.780

Siết quản lý tàu cá công suất nhỏ hoạt động ven bờ

Thứ Hai 17/10/2022 , 12:23 (GMT+7)

Chi cục Thủy sản Bình Định đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều đợt tuần tra, kiểm soát vùng biển ven bờ, xử lý hơn 50 trường hợp vi phạm.

Ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển ven bờ

Theo Chi cục thủy sản Bình Định, từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát đường thủy, Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương các xã ven biển tổ chức 44 đợt tuần tra, kiểm soát trên đầm Thị Nại, đầm Đề Gi, khu vực ven biển các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, thị xã Hoài Nhơn và thành phố Quy Nhơn,

Theo đó, tổ công tác liên ngành đã kiểm tra 552 lượt tàu cá đang hoạt động khai thác thủy sản; qua kiểm tra đã phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính 52 trường hợp. Hiện ngành chức năng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 49 trường hợp với số tiền phạt 474,3 triệu đồng. Ngoài ra, còn có 3 trường hợp tàu cá sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản đang được ngành chức năng xử lý.

Hiện Bình Định có 1.200 tàu chiều dài thân tàu từ 6m đến dưới 15m hoạt động vùng ven bờ và vùng lộng. Ảnh: Đ.T.

Hiện Bình Định có 1.200 tàu chiều dài thân tàu từ 6m đến dưới 15m hoạt động vùng ven bờ và vùng lộng. Ảnh: Đ.T.

Đặc biệt, có 6 trường hợp ngành chức năng áp dụng hình thức xử phạt bổ sung; trong đó, có 5 trường hợp bị tước quyền sử dụng chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá có thời hạn và 1 trường hợp bị tịch thu giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đã bị tẩy xóa, sửa chữa. Hiện ngành chức năng đang tạm giữ 3 tàu cá vỏ gỗ, tịch thu tang vật gồm 3 bộ lưới cước, 3 bình ăc quy 12V, 3 bộ kích điện tự chế, 3 diamo, 3 dây điện dài 10m và 4 gọng gỗ của các phương tiện hành nghề xung điện xiếc máy.

Vi phạm của những tàu cá nói trên chủ yếu là sử dụng công cụ kích điện; không có chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá theo quy định; không trang bị đầy đủ trang thiết bị an toàn tàu cá; thuyền viên không có tên trong sổ danh bạ thuyền viên tàu cá; không duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét; thuyền viên, người làm việc trên tàu không mang theo giấy tờ tùy thân; không đăng ký lại tàu cá và viết số đăng ký tàu cá không đúng quy định.

“Trong 49 trường hợp vi phạm kể trên, Phòng Kiểm ngư-Thanh tra thủy sản thuộc Chi cục Thủy sản Bình Định xử lý 39 trường hợp, trong đó có 36 trường hợp ra quyết định xử phạt với số tiền 268,8 triệu đồng và 3 trường hợp đang xử lý. Tổ IUU tại Cảng cá Quy Nhơn xử lý 5 trường hợp; Tổ IUU tại Cảng cá Đề xử lý 3 trường hợp và Tổ IUU tại Cảng cá Tam Quan xử lý 5 trường hợp”, ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, cho biết.

Ý thức của ngư dân dần chuyển biến

Thực thi Luật Thủy sản 2017 và các vấn đề liên quan tới ngăn chặn vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, ngành nông nghiệp Bình Định đẩy mạnh công tác quản lý hoạt động khai thác của các tàu cá nhỏ; tuyên truyền, hỗ trợ các chủ tàu thực hiện đúng quy định, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Bình Định, hiện trên địa bàn tỉnh này đang có hơn 1.200 tàu cá nhỏ, thân tàu có chiều dài từ 6m đến dưới 15m hoạt động vùng ven bờ và vùng lộng. Thực hiện theo chỉ đạo của ngành nông nghiệp, trong năm 2022, Chi cục Thủy sản Bình Định xây dựng kế hoạch phối hợp với các địa phương ven biển tiến hành rà soát, hướng dẫn cấp giấy phép khai thác thủy sản.

Bình Định còn nhiều tàu hoạt động ven bờ làm nghề cấm hủy hoại nguồn lợi thủy sản. Ảnh: Đ.T.

Bình Định còn nhiều tàu hoạt động ven bờ làm nghề cấm hủy hoại nguồn lợi thủy sản. Ảnh: Đ.T.

Qua rà soát, ngành chức năng đã làm việc với 453 chủ tàu, qua đó đã cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 283 chủ tàu. Đồng thời, Chi cục Thủy sản Bình Định đã thống kê được 170 tàu cá không còn hoạt động ở Bình Định, thực hiện xóa tên nhóm tàu này trong sổ đăng ký tàu cá quốc gia và đưa ra khỏi hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia. Dự kiến đến 30/102022, Chi cục Thủy sản Bình Định hoàn tất đợt rà soát thứ 2 đối với 963 chủ tàu cá để tiếp tục hướng dẫn các thủ tục liên quan.

Theo ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản Bình Định, việc rà soát, thống kê và thực hiện cấp giấy phép cho tàu cá nhỏ theo phân cấp quản lý nhằm đưa hoạt động khai thác thủy sản vào nền nếp, khai thác đúng vùng, phù hợp với điều kiện và đặc thù trong công tác quản lý, khôi phục nguồn lợi thủy sản.

“Ở Bình Định, ngay khi thực thi Luật Thủy sản 2017 và các vấn đề liên quan đến việc ngăn chặn tàu cá đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài, công tác cấp giấy phép khai thác thủy sản cho nhóm tàu cá nhỏ ở địa phương được đẩy mạnh. Đến nay, Chi cục Thủy sản Bình Định đã thành lập các đội công tác đi xuống từng địa phương, phối hợp với chính quyền cơ sở để tuyên truyền và hỗ trợ ngư dân thực hiện việc cấp giấy phép khai thác thủy sản; thực hiện khai thác đúng tuyến, đúng vùng biển theo quy định”, ông Nguyễn Công Bình cho hay.

“Hiện nay, số lượng tàu cá chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước đạt tỷ lệ cao, trên 90% số lượng tàu thuyền kiểm tra. Cụ thể, chỉ có 52 tàu vi phạm trong 552 tàu được kiểm tra, điều đó cho thấy nhận thức của ngư dân trong việc tuân thủ Luật Thủy sản đã được nâng cao rõ rệt”, ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, đánh giá.

Xem thêm
Vùng thủy sản trù phú ở 'tọa độ lửa'

QUẢNG BÌNH Khi cầu Gianh nối liền hai bờ sông thay cho những chuyến phà, bà con xã Bắc Trạch tiến ra vùng 'tọa độ lửa' năm nào, biến những hố bom thành vùng nuôi thủy sản.

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối nhiều ngày, ngư dân khốn đốn

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối khiến ngư dân như ngồi trên đống lửa. Nhiều chủ tàu cập cảng tại Quảng Trị rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.