Ông Trần Kim Trung Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy- Quảng Bình) cho chúng tôi hay, toàn xã có trên 300 hộ dân đang nuôi cá lóc (còn gọi cá tràu, cá đô, cá quả) và số hộ nuôi đang tăng dần lên. Mỗi năm, từ việc nuôi loại cá này đã cho bà con thu về trên 50 tỷ đồng.
Thoát nghèo nhờ cá lóc
Vũng biển bãi ngang (được hiểu là những vùng biển không có cửa sông, cửa lạch từ đất liền đổ ra biển) và có những đặc thù giống nhau. Đó là ngư dân có thu nhập thấp, bấp bênh vì chỉ khai thác ven bờ với các loại tàu, thuyền công suất nhỏ (dưới 30CV). Chính vì vậy, đời sống của họ gặp nhiều khó khăn.
Vùng bãi ngang của huyện Lệ Thủy vốn có 3 xã (Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung và Ngư Thủy Nam). Mới đây, 2 xã Ngư Thủy Trung và Ngư Thủy Nam sáp nhập thành xã Ngư Thủy.
Việc nuôi cá nước ngọt vùng biển này diễn ra cũng khá lâu nhưng chưa thành phong trào rộng. Mỗi xã chỉ có mươi hộ nuôi mà thôi. Sau khi xảy ra sự cố môi trường biển (năm 2016) thì nuôi cá trở thành đòn bẩy cho ngư dân phát triển kinh tế ngoài việc khai thác biển.
Chúng tôi về các thôn Bắc Hòa, Tân Hải (xã Ngư Thủy Bắc) nơi được xem là “đất” của việc nuôi cá lóc. Ông Trần Quang Quyền, Chủ tịch Hội Nông dân xã bảo, lúc đầu thì nuôi như thí điểm, cho đến bây giờ là “bí quyết” để lên khá và giàu. “Thực tại thì khó có thể tìm ra được nhà nào còn đất mà lại không đào ao nuôi cá”- ông Quyền nói. Dọc con đường trục chính của thôn đi ra biển được đổ bê tông rộng là những ngôi nhà tầng, nhà đỏ mái bằng và nhiều nhà đang tập kết vật liệu để dựng nhà kiên cố. Ông Quyền giới thiệu: “Trong đó có phần lớn thu nhập từ nuôi cá mà nên đó”.
Anh Trần Kim Phi (thôn Bắc Hòa) là một trong những người đầu tiên đào ao nuôi cá ở vùng cát này. Anh cho hay, với ao có diện tích mặt nước khoảng 300m2 (có độ sâu từ 0,7-1m) thì thả khoảng 3 vạn cá giống. Thời gian nuôi từ 5-6 tháng (tùy vào chăm sóc của người nuôi) là có thể xuất bán. Sản lượng trung bình của mỗi hồ đạt từ 6-7 tấn cá thương phẩm. Giá bán cá dao động từ 40-50 ngàn đồng/kg tùy vào từng thời điểm nhất định. Tổng thu mỗi hồ đạt khoảng 270-300 triệu đồng. “Cũng tùy vào giá bán, chi phí đầu tư thì mỗi hồ cho lãi từ 15-20 triệu đồng. Mỗi năm có 2 vụ cá cũng cho lãi từ 30-40 triệu đồng”- anh Phi nói.
Tại xã Ngư Thủy Bắc, có hơn chục hộ gia đình đầu tư phát triển nuôi từ 5-6 hồ. Trung bình mỗi năm thu nhập lãi ròng 150-200 triệu đồng. Nhà ít thì cũng đầu tư được 1-2 hồ, thu nhập từ nuôi cá nước ngọt được năm, bảy chục triệu đồng. Những năm gần đây, sản lượng cá lóc của bà con đạt trên 1.000 tấn, thu về trên 50 tỷ đồng. Qua đó, hàng trăm hộ dân đã vươn lên thoát khỏi đói nghèo.
“Toàn xã có gần 1.250 hộ dân. Cách đây khoảng 3 năm thì tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 50%. Đến nay đã giảm về còn khoảng trên 11%. Nhiều hộ gia đình vươn lên khá giả, giàu có nhờ nuôi cá lóc”- ông Trung, Chủ tịch UBND xã cho hay.
Nuôi cá bằng công nghệ cao
Trưa nắng gắt, anh Trần Kim Phi đưa chúng tôi ra khu trang trại mà anh đang thực hiện mô hình nuôi cá lóc công nghệ cao. Nói là trang trại nhưng cũng chỉ được khoảng 2 sào đất. Anh vừa để dành làm kho xuất nhập thức ăn nuôi cá, nuôi ếch vừa là nơi thu mua cá lóc thương phẩm cho bà con.
Sát bên hiên nhà kho là hai hồ nuôi tròn được xây kiên cố bằng xi măng. Hồ có đường kính khoảng 6m và nước có độ sâu từ 1-1,2m. Theo anh Phi, mỗi hồ thả chừng 1 vạn cá giống. Hiện cá đã được 1 tháng tuổi. Anh Phi cho thức ăn xuống hồ và lấy ca nhựa gõ cành cạch lên thành hồ. Đám cá lóc nghe tín hiệu nhao đến tranh nhau đớp thức ăn làm nước bắn tung tóe. Nhìn vào hồ chỉ thấy rặt cá chứ không còn thấy nước.
Đây là mô hình nuôi được áp dụng đầu tiên ở đây. Nước trong hồ được thay mỗi ngày. Lượng thức ăn cũng được kiểm soát tốt hơn nên cá nuôi phá triển rất tốt. Theo đà này, cá chỉ cần nuôi khoảng 4-5 tháng là xuất được. Theo kinh nghiệm thì đến lúc thu hoạch, mỗi hồ cũng có được 2,5-3 tấn cá, cho lãi ròng trên 10 triệu đồng. Anh Phi cho rằng, lợi thế của công nghệ mới là tiết kiệm được chi phí, diện tích. Nếu đào ao đất có diện ích khoảng 300m2 thì với diện tích này có thể đặt được 6 hồ xi măng. Hàng năm, người nuôi không đầu tư nạo vét hồ, bơm nước. Điều quan trọng nhất là nuôi cá trong hồ xi măng dễ kiểm soát được dịch bệnh và phòng ngừa có hiệu quả hơn.
“Sắp tới, tui thiết kế hồ nuôi vững chắc hơn và có thể dịch chuyển hồ đặt ở nhiều vị trí khác nhau chứ không cố định như bây giờ. Mỗi hồ xi măng cũng chỉ có đầu tư khoảng 20 triệu đồng”- anh Phi cho hay.
Không chỉ đi tiên phong trong việc nuôi cá và áp dụng công nghệ cao, anh Phi còn làm thêm nhiệm vụ quan trọng là cung ứng giống, thức ăn và thu mua hết sản lượng cá lóc cho bà con trong địa phương. Mỗi ngày, tại trang trại, trung bình anh nhập sản lượng khoảng 3-4 tấn cá và sau đó chuyển đi cho các bạn hàng trong các tỉnh miền Trung và miền Bắc. Trung bình mỗi năm, anh Phi thu mua khoảng 1.000 tấn cá.
Bà Thị Xuân vừa nhập khoảng 5 tạ cá hồ hởi nói: “Nhờ có anh Phi mà mọi người đỡ vất vả trong việc nuôi con giống, thức ăn và còn được anh hướng dẫn kỹ thuật. Nếu không có anh thu mua hết cá thì bà con tiêu thụ cũng gặp khó khăn lắm. Giá cả thì luôn theo giá thị trường. Khi mua bao giờ anh cũng thông báo giá trước cho bà con tham khảo nên không có chuyện ép giá hay yêu sách gì cả”.
Nhiều hộ dân ở địa phương cũng rát muốn tham gia nuôi cá lóc để phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên lại không có đủ diện tích đất để thực hiện. Ông Trần Kim Trung, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Bắc cho hay, địa phương cũng đã có chủ trương xây dựng quy hoạch khi phát triển nuôi trồng thủy sản để tạo điều kiện cho bà con. Tuy nhiên việc này lại quá sức đối với địa phương, chỉ có trên tỉnh mới làm được.
“Từ lợi thế này, nếu có được quy hoạch, người dân địa phương chúng tôi sẽ tạo nên vùng chuyên nuôi cá lóc và định hướng nuôi theo công nghệ cao, sản phẩm sạch, chất lượng tốt. Qua đó cũng để tạo nên thương hiệu sản phẩm và cũng là bước bứt phá trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình”- ông Trung nhấn mạnh.
Hiện, một số gia đình ở đây đang đầu tư xây dựng lò sấy để chế biến cá lóc ép khô, tạo nên sản phẩm mới phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Tuy nhiên, giá sản phẩm bán ra khá cao (trên 200 ngàn đồng/kg) nên chưa được tiêu thụ mạnh. Ông Trần Kim Trung cho hay: "Chúng tôi cũng đang kêu gọi người dân có điều kiện đầu tư đưa công nghệ chế biến về để đa dạng hóa sản phẩm cá lóc. Qua đó nhằm tăng thu nhập và phát triển, mở rộng diện tích hồ nuôi cá lóc trong các thôn của xã”.