| Hotline: 0983.970.780

Sợ bị coi thường vì đi "chăm chó lấy tiền"

Thứ Hai 01/12/2014 , 10:23 (GMT+7)

Chồng em rất áy náy nhưng vẫn nói tùy. Con gái thì ra sức can ngăn, nó sĩ diện. Em thấy lung lay. Em có nên đi làm thử không chị? Nếu em làm vậy thì em có bị coi thường không chị?

Chị Dạ Hương kính mến!

Em năm nay 49 tuổi, chồng em 53. Chúng em có hai con, đứa con trai đầu của em 25 tuổi nhưng cháu không như ý bố mẹ, việc đó em sẽ có lá thư riêng sau. Con gái của em chỉ có bằng trung cấp dược, cháu cũng đã tìm được một việc tàm tạm, được cái cháu rất có nết, không như thằng anh.

Chồng em là quân nhân, công việc của anh không thường xuyên xa nhà, đó là hạnh phúc mà em nhận được. Cấp bậc anh không cao như những người bạn anh từng công tác ở chiến trường nước bạn hay ở biên cương, hải đảo. Không gì bằng mặc áo bộ đội mà vẫn ở gần vợ con, phải không chị?

Em vốn xuất thân nông dân, chúng em là người cùng xã. Anh đi bộ đội, mãi sau chúng em mới tìm hiểu nhau và cưới. Sau khi cưới anh ấy mới đem em vào Nam để xin làm công nhân. Em cũng làm cho vài nơi nhưng công nhân thập niên trước còn ít người, công việc đảm bảo. Mấy năm nay người Bắc vào, người Trung vào, người các tỉnh trong này cũng dồn về các khu công nghiệp đông, những người có tuổi như em không trụ nổi.

Đầu năm nay em nghỉ hẳn, chờ ít lâu nữa thì mới có lương hưu từ bảo hiểm. Chị biết không, ở nhà rỗi việc, đâm buồn chán vô cùng. Con gái em bày cho em vi tính, vào xem báo mạng, thích rồi đâm nghiện chị ạ. Giá con trai em bình thường thì giờ đây chắc em đã có cháu nội để bồng bế rồi.

Một cô bạn công nhân cũng cùng nghỉ việc sớm như em vừa xin đi làm giúp việc cho một gia đình. Ban đầu nghe thấy em rất băn khoăn, lẽ nào cô ấy phải xoay sở như thế. Nhưng cô ấy rất phấn khởi, có lương khá, có niềm vui và cũng giết được thời gian.

Cô ấy tìm được cho em một gia đình ở cách chỗ em chừng 10 phút xe đạp. Cô ấy động viên mãi chị ạ. Gia đình này là bạn của nhà cô ấy làm. Cô ấy đã vào đó nhiều lần nên biết kỹ, nhà chỉ có một bà cụ tám mươi còn khỏe mạnh, vợ chồng họ đi làm, con cái ở riêng hết, chỉ có ba con chó là chăm sóc phải công phu. Em đùa, chăm người chứ ai đi chăm chó lấy tiền, nhưng cô bạn lại nói, chó không khó tính, không biết chửi ô-sin.

Chồng em rất áy náy nhưng vẫn nói tùy. Con gái thì ra sức can ngăn, nó sĩ diện. Em thấy lung lay. Em có nên đi làm thử không chị? Nếu em làm vậy thì em có bị coi thường không chị?

------------------

Em thân mến!

Thời buổi nhà giàu thành phố đông lên mà dân lỡ làng “trẻ chưa qua già chưa tới” như em cũng đông không ít. Tình trạng đó thì sẽ được thu xếp như thế nào? Thu xếp theo quy luật thị trường, người này cần người kia.

Chị biết một cô vợ cũ của một người bạn trong văn giới của mình. Chị nhớ cô ta có mái tóc rất kỳ công, rất quyến rũ, mái tóc biết nói. Họ bỏ nhau, đứa con duy nhất của họ đã thành đạt. Nhưng em biết mẹ của cô gái ấy làm việc gì để không lụy vào con không, cô ấy đi làm giúp việc gia đình.

Vậy đó, lúc đầu chị ray rứt, sau chị thấy à há, như vậy là người mẹ có tư cách, có tự trọng, có kiêu hãnh, có danh dự. Chắc chắn đứa con gái của cô ấy cũng rất băn khoăn. Nhưng rồi sẽ nghĩ lại và sẽ quen, quen hết, miễn việc làm ấy không hại ai, thậm chí còn đem lại nhiều lợi ích cho bản thân và gia đình của người đó.

Nghề giúp việc ở ta còn manh mún, tự phát lắm. Nhất định rồi sẽ như các nước tiên tiến, muốn làm giúp việc phải có kỹ năng, có đi tập huấn, có khám sức khỏe, có hợp đồng lao động, thậm chí có cả ngoại ngữ nữa. Đó là một nghề hẳn hoi, như nghề điều dưỡng, nghề làm tóc, nghề làm nail vậy thôi.

Không gì buồn chán và dễ sinh tiêu cực bằng ở không, rỗi việc. Có người nhàn quá nên sinh ra đánh bài, đề đóm. Tuy vậy, từ vị thế công nhân, hết giờ là xong, có bầy đàn, có công đoàn. Giúp việc ở ta dễ bị tổn thương vì nhà chủ nhiều kiểu dạng, mấy thế hệ trong nhà chủ là mấy kiểu đòi đối xử thế nọ thế kia. Cầm chắc mình sẽ gò bó, lệ thuộc và bị sai bảo, không ít khi bị dằn vặt, chê bai.

Vì vậy mà em nên có điều kiện cho mình. Ví như làm giờ hay làm ngày, không ở đêm (để về với chồng con). Ví như không để bị nói nặng, bị nghi ngờ, bị xúc phạm. Với họ mình phải rạch ròi, có hợp đồng càng văn minh. Lương cứng ra sao, lương thưởng thế nào, giới hạn của công việc, vân vân và vân vân.

Nước mắt người làm công bao giờ chả mặn. Nhưng nếu mình tận tâm và tự trọng thì người ta sẽ nhận thấy và thương. Có người gắn bó với một gia đình hàng chục năm ấy chứ, như con nuôi, hay chị em nuôi, như người nhà.

Cân nhắc nhưng nên đi làm để có nhiều thứ cho chính mình, em nhé. Chuyện này không có được mất, chỉ có được mà thôi, theo chị là như vậy. Chồng không ngăn là chồng có bật đèn xanh, chỉ còn con gái chống cự thì thuyết phục nó thôi. Ai nuôi mẹ mà bảo mẹ ở nhà, vả lại, mình đã già đâu mà để con nó chu cấp, đúng không?

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm