| Hotline: 0983.970.780

Sở TN&MT Tây Ninh nói gì về các nhà máy mì gây ô nhiễm?

Thứ Tư 26/08/2020 , 12:28 (GMT+7)

Liên quan đến một số đơn vị nêu trong bài “Tây Ninh: Người dân ‘ngán ngẩm’ khi sống gần nhà máy mì”, Sở TN&MT Tây Ninh đã có ý kiến về vấn đề này…

Thiếu hệ thống thoát nước đồng bộ!?

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Tây Ninh, liên quan vấn đề xả thải của nhà máy mì Tư Bông, trước đây, UBND tỉnh Tây Ninh đã từng ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động nhà máy này 3 tháng (năm 2013) do chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải, lén lút xả nước thải chưa được xử lý ra ngoài, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Sau đó, cơ sở này đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo quy định và được phép hoạt động trở lại. Việc nhà máy này xả nước thải ra môi trường là có xảy ra nhưng nước này đã qua xử lý, do địa phương chưa xây dựng được hệ thống thoát nước đồng bộ dẫn đến nước thải khi đổ ra môi trường lắng động lại, từ đó gây ô nhiễm môi trường.

Người dân phản ánh nước trong khu vực nhà máy mì Tư Bông bị nhiễm phèn. Ảnh: Trần Trung.
Người dân phản ánh nước trong khu vực nhà máy mì Tư Bông bị nhiễm phèn. Ảnh: Trần Trung.

Người dân phản ánh nước trong khu vực nhà máy mì Tư Bông bị nhiễm phèn. Ảnh: Trần Trung.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Minh Sơn - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Tây Ninh cho biết, khi đoàn công tác của Sở xuống kiểm tra thì nước thải từ nhà máy mì đạt tiêu chuẩn nhưng nước dưới miệng cống lại không đạt. Nguyên nhân chính là do khu vực này không có hệ thống thoát nước thải công cộng, nước thải của nhà máy và người dân phụ thuộc và hệ thống mương nước thuộc quản lý của công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa.

Trong khi đó, tuyến mương tuy đã có cống thoát nước nhưng cống này cao hơn so với bề mặt mương, chính vì vậy nước từ nhà máy mì thải ra cộng với rác thải sinh hoạt của người dân cạnh tuyến mương bị tồn động gây ra ô nhiễm. “Để giải quyết dứt điểm vấn đề này, Sở đã làm việc với công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa về việc mở nâng cấp cống hiện hữu và mở thêm một đường tiêu thoát nước. Nếu xử lý được nước tồn đọng thì chắc chắn khu vực này sẽ không còn bị ô nhiễm”, ông Sơn thông tin.

Sở TN&MT Tây Ninh cho biết, khi đoàn xuống kiểm tra thì nước thải nhà máy đạt chuẩn, tuy nhiên nước dưới miệng cống lại không đạt. Ảnh: Trần Trung.
Sở TN&MT Tây Ninh cho biết, khi đoàn xuống kiểm tra thì nước thải nhà máy đạt chuẩn, tuy nhiên nước dưới miệng cống lại không đạt. Ảnh: Trần Trung.

Sở TN&MT Tây Ninh cho biết, khi đoàn xuống kiểm tra thì nước thải nhà máy đạt chuẩn, tuy nhiên nước dưới miệng cống lại không đạt. Ảnh: Trần Trung.

Đối với vấn đề nước sinh hoạt của người dân bị nhiễm phèn, ông Sơn cho biết thêm, nhà máy mì này đã hoạt động được mấy chục năm. Trong thời gian qua nhà máy cũng đã hỗ trợ người dân trong khu vực khoang giếng để có nước sử dụng. Về lâu dài Sở cũng đang nghiên cứu các giải pháp nhằm xử lý triệt để vấn đề trên nhằm giúp người dân an tâm sinh sống. “Trước kia nhà máy mì nằm biệt lập với khu dân cư, sau đó người dân đến làm công nhân và làm ăn sinh sống, từ đó tạo thành khu dân cư. Muốn di dời nhà máy mì ra khỏi khu dân cư không phải chuyện một ngày, một bữa, Sở cũng đang nghiên cứu lộ trình thực hiện”, ông Sơn thông tin thêm.

Đối với Công ty TNHH – SX – TM –DVTH – XNK Hữu Đức Tây Ninh tại ấp Suối Độp xã Thái Bình, huyện Châu Thành xả thải ra môi trường, theo Sở TN - MT Tây Ninh, sau khi phát hiện doanh nghiệp này xả nước thải vượt quy chuẩn quy định ra môi trường, vừa qua Sở đã có Quyết định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty với tổng số tiền 168 triệu đồng. Hiện đơn vị này đang khắc phục hậu quả theo quy định.

Tăng cường xử lý cơ sở vi phạm

Tây Ninh là tỉnh đứng đầu cả nước về số lượng nhà máy chế biến mì, nhiều năm qua, tỉnh này phải đau đầu giải quyết nạn ô nhiễm môi trường do các nhà máy này gây ra.       

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Tây Ninh hiện có 74 nhà máy mì, trong đó có 50 công ty, doanh nghiệp và 24 cơ sở nhỏ với tổng công suất khoảng 7.296 tấn/ngày. Theo Sở TN –MT tỉnh Tây Ninh, bên cạnh các cơ sở chấp hành nghiêm việc xử lý nước thải, vẫn còn không ít nhà máy, cơ sở xen lẫn trong khu dân cư, đô thị, gần sông suối vẫn còn tình trạng lén lút xả thải ra môi trường gây ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước và môi trường.

Công ty Hữu Đức - Tây Ninh tại ấp Suối Độp, xã Thái Bình, huyện Châu Thành. Ảnh: Trần Trung.

Công ty Hữu Đức - Tây Ninh tại ấp Suối Độp, xã Thái Bình, huyện Châu Thành. Ảnh: Trần Trung.

Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thời gian qua Sở đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất. Theo đó, từ năm 2013 đến nay, hàng chục cơ sở bị xử lý theo quy định, số tiền nộp phạt lên đến hàng tỷ đồng. Ngoài ra, Sở TN&MT Tây Ninh vừa đưa vào sử dụng 2 trạm quan trắc nước mặt tự động tại thành phố Tây Ninh và huyện Châu Thành để phát hiện ô nhiễm kịp thời, chính xác.

Sở TN&MT Tây Ninh cũng đã ban hành văn bản yêu cầu toàn bộ các cơ sở chế biến khoai mì trong tỉnh rà soát lại hệ thống xử lý nước thải. Theo đó, chủ các cơ sở phải rà soát lại quy trình vận hành và các thông số kỹ thuật của hệ thống xử lý nước thải từ nhà máy chế biến tinh bột mì, bảo đảm xử lý có hiệu quả toàn bộ lượng nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất. Nước thải khi đưa ra môi trường phải bảo đảm đạt cột A, QCVN 63:2017/BTNMT.

Các cơ sở có quy mô xả nước thải từ 1.000m3/ngày/đêm trở lên (không bao gồm nước làm mát), phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục. Hệ thống quan trắc hoạt động ổn định, được kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định và bảo đảm yêu cầu kỹ thuật kết nối để truyền dữ liệu trực tiếp đến Sở TN&MT.

Nhà máy mì Hữu Đức - Tây Ninh vừa bị xử phạt 168 triệu đồng, đơn vị đã khắc phục sự cố, nước dần trong trở lại. Ảnh: Trần Trung.

Nhà máy mì Hữu Đức - Tây Ninh vừa bị xử phạt 168 triệu đồng, đơn vị đã khắc phục sự cố, nước dần trong trở lại. Ảnh: Trần Trung.

Ông Sơn cho biết thêm, để chấn chỉnh vấn đề ô nhiễm từ các cơ sở, doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến mì, trong thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, các cấp và Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất và chuyên đề các nguồn thải hiện có; tiếp tục điều tra bổ sung nguồn thải phát sinh và phân loại theo mức độ gây ô nhiễm để thực hiện chế độ kiểm tra, giám sát phù hợp.

Mặt khác, Sở tiếp tục nâng cao năng lực quan trắc môi trường, triển khai thực hiện kế hoạch lắp đặt đủ 8 trạm quan trắc nước mặt tự động liên tục tại các vị trí thường xảy ra ô nhiễm do tiếp nhận các nguồn nước thải xả vào lưu vực sông và 2 trạm không khí tại các đô thị đông dân cư để theo dõi, quản lý và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

Ngành TN&MT Tây Ninh cũng sẽ tham mưu UBND tỉnh tăng cường và đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường, trong đó tập trung đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường; thúc đẩy đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả năng lượng, tài nguyên; nghiên cứu và tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến về bảo vệ môi trường… “Có như vậy tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh mới được giảm thiểu tối đa”, ông Sơn nhấn mạnh.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất