| Hotline: 0983.970.780

Sớm quy hoạch để "cứu" sông Đồng Nai

Thứ Hai 27/06/2011 , 10:26 (GMT+7)

Cuối tuần qua, tại TP.HCM, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) đã tổ chức lấy ý kiến các nhà khoa học, để sớm ban hành quy hoạch bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai...

Nhiều người nuôi cá lồng trên sông Đồng Nai đang bị ảnh hưởng do nguồn nước bị ô nhiễm

Cuối tuần qua, tại TP.HCM, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) đã tổ chức lấy ý kiến các nhà khoa học, để sớm ban hành quy hoạch bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 nhằm cứu con sông này.

Lưu vực sông Ðồng Nai là lưu vực sông lớn, liên quan tới 12 tỉnh, thành gồm Ðăk Lắk, Ðắk Nông, Lâm Ðồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Ðồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh và TP.HCM. Mới đây, kết quả quan trắc của Sở TN-MT Đồng Nai cho thấy nước sông đoạn qua TP. Biên Hòa đang bị ô nhiễm nặng và không đạt yêu cầu cho mục đích cấp nước sinh hoạt, đe dọa đến cuộc sống của hàng triệu người dân đang sử dụng nguồn nước từ sông này.

Nguyên nhân là do các nguồn thải từ khu dân cư, các khu công nghiệp Biên Hòa 1, Biên Hòa 2 và Loteco; các cơ sở sản xuất kinh doanh nằm trên địa bàn TP. Biên Hòa…Theo ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ TN-MT, đi kèm với tốc độ tăng trưởng kinh tế, tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường lưu vực sông Ðồng Nai ngày càng gia tăng, có khu vực ô nhiễm lên đến mức báo động.

PGS Nguyễn Kỳ Phùng, Viện Khí tượng thủy văn và Môi trường phía Nam dự báo: Đến năm 2020, tải lượng ô nhiễm lưu vực sông Ðồng Nai sẽ tăng cao so với hiện nay. Cụ thể, nước thải đô thị tăng 1,8 lần, nước thải công nghiệp tăng 1,04 lần, nước thải nông nghiệp tăng 1,23 lần, chất thải rắn đô thị tăng 2,7 lần, chất thải rắn công nghiệp tăng 1,35 lần, trong đó 3 địa phương gồm Ðồng Nai, Bình Dương và TP.HCM có lượng nước thải, khí thải và chất thải rắn thải ra lưu vực sông nhiều nhất.

GS.TS Đặng Trung Thuận, Trung tâm Công nghệ môi trường (ENTEC) khẳng định: Việc quy hoạch và bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai là một trong 16 nhiệm vụ thực hiện mục tiêu cải thiện chất lượng môi trường và chất lượng nước. Theo đó, 80% các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, 40% các khu đô thị mới phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung, thu gom 90% chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, 70% chất thải nguy hại và 100% chất thải bệnh viện.

Tại hội nghị, nhiều nhà khoa học nhấn mạnh, để thực hiện hiệu quả các mục tiêu bảo vệ môi trường tại lưu vực sông Đồng Nai cần phát triển diện tích rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển và cây xanh đô thị. Bên cạnh đó, cần xây dựng các công trình thoát nước mưa, cải tạo kênh rạch, thu gom, xử lý tập trung nước thải sinh hoạt đô thị, di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư và xử lý triệt để chất thải chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Xuất khẩu nông sản 4 tháng đạt hơn 19 tỷ USD

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, do có sự chuẩn bị, dự báo chính xác nên 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt hơn 19 tỷ USD (tăng hơn 23%).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Điện Biên đưa cửa khẩu thành mũi nhọn phát triển kinh tế

Mường Nhé bây giờ vẫn là một trong những huyện nghèo, chậm phát triển bậc nhất trong cả nước, nhưng người Mường Nhé không thể chấp nhận điều ấy trong 10, 20 năm nữa.