| Hotline: 0983.970.780

Sống chung cùng hạn mặn: [Bài 1] Mùa này cực lắm!

Thứ Ba 10/03/2020 , 09:10 (GMT+7)

Mùa khô năm nay, vùng Bảy Núi (An Giang) nhiều diện tích hoa màu đang lâm vào cảnh nguy kịch, nhiều giếng nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày đã trơ đáy.

Vùng Bảy Núi đang vào mùa khô hạn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Vùng Bảy Núi đang vào mùa khô hạn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hoa màu chết khô

Năm nào cũng vậy từ sau tết đến hết tháng 4, vùng Bảy Núi (An Giang) luôn phải đối mặt khô hạn, thiếu nước khốc liệt tập trung ở hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên. Những cách đồng lúa nằm cạnh các triền núi chết khô do không đủ nước tưới. Các líp hoa màu như đậu xanh, đậu phộng, dưa leo, mè…gần đến ngày trổ bông cũng tóp đọt.

Theo con đường ven núi, chúng tôi đến xã Lương Phi, huyện Tri Tôn nơi chăn nuôi bò khá nhiều. Hình ảnh những đàn bò phơi hình dưới cái nắng gay gắt gặm từng cọng cỏ khô dưới chân ruộng thật xót xa. Nhìn hút tầm mắt từ dưới đất lên sườn núi đều thấy cây cối khô héo với màu vàng bao phủ.

Ông Nguyễn Hữu Thanh, ở ấp Sà Lôn, xã Lương Phi chỉ tay ra 3 công đất trồng đậu xanh nằm cặp sườn núi nói: Đáng lẽ ra chỉ hơn một tháng nữa 3 công đậu xanh này được thu hoạch, nhưng do hệ thống trạm bơm không đưa nước tới nội đồng nên đành bó tay nhìn đám đậu xanh này khô héo từng ngày. Bây giờ chỉ còn đợi ông Trời thương cho vài đám mưa may ra mới cứu vãn được tình hình.

Cách đó không xa hai công rưỡi dưa leo của ông Chau Rumr cũng thiếu nước không phát triển được. Ông Chau Rumr cho biết, thu hoạch lúa đông xuân xong chuyển sang trồng màu. Thông thường năm nào cũng vậy, sau tết sẽ có vài đám mưa xuất hiện nhưng năm nay chưa có hạt mưa nào.

Cánh đồng lúa chết khô do thiếu nước ở xã Cô Tô, huyện Tri Tôn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Cánh đồng lúa chết khô do thiếu nước ở xã Cô Tô, huyện Tri Tôn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chúng tôi sang ấp Phước Lợi, xã Ô Lâm, anh Ngô Công Thắng, trồng 6 công dưa hấu vụ nghịch đang ra trái non gặp cảnh thiếu nước chết hơn phân nửa. Số còn lại lá bắt đầu vàng đọt và chỉ vài ngày nữa cũng tiêu luôn. Nhìn về hướng đông từ công trường khai thác đá núi Dài, chúng tôi thấy nhiều đám hoa màu cũng bị bỏ mặc trơ trọi dưới nắng nóng do không tìm đâu ra nước để tiếp tục chăm sóc.

Ông Nguyễn Tấn Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Ô Lâm cho biết, xã có đông đồng bào Khmer sinh sống nhất tỉnh, tỷ lệ bà con Khmer sinh sống chiếm 98%. Xã có gần 2.500 ha đất sản xuất nông nghiệp, chia thành 3 loại ruộng bưng, ruộng giữa bưng và ruộng cao. Ruộng bưng là ruộng nằm dưới đồng bằng có thể sản xuất lúa 3 vụ/năm, ruộng giữa bưng sản xuất năm 2 vụ, còn ruộng trên chỉ sản xuất 1 vụ/năm phụ thuộc vào nước mưa.

Tuy nhiên, năm nay do chủ động đặt trạm bơm ở các ấp để phục vụ cho ruộng bưng, ruộng giữa bưng khoảng trên 1.000ha đất trồng lúa và hoa màu được xã vận động nông dân chuyển sang cây trồng khác tránh thiệt hại do khô hạn. Riêng 720ha ruộng trên hoàn toàn thiếu nước, không thể sản xuất được.  

Mỗi ngày có hàng chục người đến các giếng kín nước. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Mỗi ngày có hàng chục người đến các giếng kín nước. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo ông Dương, năm nay nắng nóng nên các kênh chính lấy nước đã xuống sâu, máy bơm làm việc hết công suất 24/24h để lấy nước cũng chẳng được bao nhiêu, chỉ đáp ứng những hộ trồng màu nằm gần trạm bơm từ 3-5 km trở lại.

Giải thích nhiều diện tích hoa màu bị nắng nóng dẫn đến chết khô do thiếu nước, ông Trần Văn Cường, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tri Tôn, cho biết: Dự báo  năm nay nắng hạn đến sớm và sẽ kéo dài nên huyện đang khẩn trương lắp 4 trạm bơm phục vụ cho hàng ngàn ha đất nông nghiệp để nông dân xuống giống vụ xuân hè và hoa màu.

Đến nay 4 trạm bơm này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, vì nắng nóng kéo dài, lượng nước bơm bị thất thoát nhiều dẫn đến thiếu nước về các vùng gò cao, đặc biệt là xã Lương Phi, Ô Lâm, An Tức, Lê Trì.

Giếng nước sinh hoạt trơ đáy

Một số bà con ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên cho biết, năm nay nắng gay gắt quá nên nhiều giếng nước đã cạn trơ đáy.

Bà Đặng Thị Hưởng ở xã An Hảo, huyện Tịnh Biên than thở: Mấy tháng trước tui vẫn đến cái giếng gần nhà múc nước về ăn uống, tắm giặt bây giờ phải đi đến giếng xa hơn mới có nước. Lớn tuổi rồi không gánh được nên phải nhờ mấy cháu ở xóm lấy xe đạp chở với giá 30.000 đồng/can 30 lít. Sống mấy tháng mùa này cực lắm.

Nhiều giếng nước phục vụ cho sinh hoạt đã trơ đáy. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nhiều giếng nước phục vụ cho sinh hoạt đã trơ đáy. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ở nhiều giếng nước mới tờ mờ sáng người dân đã tập trung đến kín miệng giếng để lấy nước về xài. Nhiều người phải tranh thủ đi từ 4 giờ sáng trực bên giếng nước mới mong có nước về nhà kịp phục vụ cho bữa ăn sáng và cho súc vật uống.  

Những người đến trễ hơn phải chờ theo thứ tự mới đến lượt. Thường vào mùa khô người dân sống ở vùng Bảy Núi từ trẻ em đến người già cũng đem can nhựa và đạp xe đến các giếng nước để tải nước về nhà, có người xa gần 5 cây số, hộ nào gần cũng 1-2 cây số.

Hiện nay, vùng Bảy Núi được Nhà nước trang bị nước máy đến nhà, nếu nhà nào ở sâu trong phum sóc thì được đầu từ các giếng khoan. Thế nhưng, theo thói quen bà con dân tộc Khmer vẫn thích tìm đến các giếng múc nước mang về trong sinh hoạt gia đình. Theo bà con, giờ tình trạng thiếu nước sinh hoạt như ngày xưa không còn nữa, nhưng lấy nước ở các giếng về ăn uống ngon hơn so với nước máy.

Người dân đến các giếng lấy nước. Ảnh. Lê Hoàng Vũ.

Người dân đến các giếng lấy nước. Ảnh. Lê Hoàng Vũ.

Tìm về cánh đồng thuộc ấp Phước Lộc (xã Ô Lâm) chúng tôi thấy rất nhiều người dân đứng ngồi chờ đến lượt lấy nước tại giếng Tà Choi. Ông Chau Sông, Phó Bí thư Chi bộ ấp Phước Lộc kể: Giếng này đã xuất hiện hơn 10 năm trước. Lúc trước, những ngày cao điểm mùa khô người dân muốn có nguồn nước sử dụng phải gánh từ trên núi xuống vô cùng khó khăn. Bà con dò tìm mạch nước nhưng đào hàng chục giếng vẫn không có kết quả.

Thấy cuộc sống khó khăn, ông Tà Choi người có tiếng trong phum sóc đứng ra đi tìm nguồn nước cho dân làng. Nhiều ngày tìm kiếm, cuối cùng ông Choi đã tìm được mạch nước ngọt giữa đồng ruộng của một người dân tại địa phương.

Ông Choi đào xuống 1m bất ngờ có những tia nước bắn lên uống thấy ngọt. Sáng hôm sau, ông Choi thông báo với bà con trong sóc đến lấy nước về sử dụng.

Theo quan sát, giếng Tà Choi sâu khoảng 1,5m, miệng ruộng 3m, với 2 bậc thang đất vừa đủ một người ngồi múc nước. Để lấy đầy một can nước 30 lít người dân phải đợi 20 phút.

Lấy từng can nước từ các giếng sắp trơ đáy. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Lấy từng can nước từ các giếng sắp trơ đáy. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chị Néang Đúc ở ngụ ấp Phước Lộc, xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn cho biết, ngày nào chị cũng ra các giếng tự đào của người dân nằm giữa đồng ruộng, có độ sâu khoảng 1,5m, chắt từng can nước mang về sử dụng. Ngoài việc lấy nước về phục vụ cho gia đình, Chị Néang Đúc còn tranh thủ canh ở các giếng nước để lấy từng can nước bán lại cũng kiếm từ 70.000 - 80.000 đồng/ngày.

Ông Lương Huy Khanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi An Giang cho biết: Vào thời điểm hiện nay nắng hạn, mực nước nội đồng trong tỉnh đang xuống thấp gây khó khăn cho công tác bơm tưới phục vụ sản xuất và sinh hoạt, làm gia tăng chi phí.

Mực nước các kênh nội đồng đang xuống thấp, việc bơm tưới vào đồng ruộng gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Mực nước các kênh nội đồng đang xuống thấp, việc bơm tưới vào đồng ruộng gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đối với nuôi trồng thủy sản: Mực nước thấp, lưu tốc dòng chảy nhỏ làm hàm lượng ôxy trong nước thấp, nhiệt độ tăng gây ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản, thủy sản có thể chết ở những lồng bè nuôi mật độ dày.

Độ mặn trên các sông/kênh tại hai huyện Thoại Sơn, Tịnh Biên và Tri Tôn (khu vực giáp ranh với tỉnh Kiên Giang) dao động ở mức từ 0,1-0,2‰, hiện nay mặn chưa ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh trên địa bàn tỉnh.

Đối với trồng trọt, do tình hình mực nước trên các kênh rạch xuống thấp kèm theo nắng nóng, gây khó khăn công tác bơm tưới, làm tăng chi phí bơm tưới, có khả năng ảnh hưởng đến 9.361ha cây trồng, trong đó vùng núi Tri Tôn và Tịnh Biên khoảng 5.099ha.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất