| Hotline: 0983.970.780

Sống chung cùng hạn, mặn: [Bài 3] Tâm điểm hạn, mặn U Minh Thượng

Thứ Năm 12/03/2020 , 09:25 (GMT+7)

ĐBSCL đang cao điểm mùa khô. Nắng nóng, khô hạn, xâm nhập mặn khiến không ít hộ dân quay quắt đối phó với mất mùa, thiếu nước sinh hoạt.

Ruộng lúa bị thiệt hại do thiếu nước tưới cuối vụ tại vùng U Minh Thượng. Ảnh: Trung Chánh.

Ruộng lúa bị thiệt hại do thiếu nước tưới cuối vụ tại vùng U Minh Thượng. Ảnh: Trung Chánh.

Đồng khô, lúa chết

Vùng U Minh Thượng gồm 4 huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận từng là tâm điểm hạn, mặn gay gắt trong mùa khô 2015-2016. Dạo ấy, có hàng chục ngàn ha lúa bị chết khô, hàng ngàn ha tôm nuôi nước lợ bị chết do nắng nóng, độ mặn quá cao. Thiệt hại do mùa màng thất bát lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Đói nghèo khiến nông dân phải tha phương cầu thực, bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn tìm đến các khu công nghiệp xin việc làm, kiếm nguồn thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình. Nhà nước phải hỗ trợ để người dân có đủ sức khôi phục sản xuất.

Mùa khô 2019-2020, chu kỳ hạn mặn gay gắt lại lặp lại. Nhưng nhờ các công trình đầu tư phát huy tác dụng, các giải pháp kỹ thuật, cơ cấu mùa vụ thay đổi nên nông dân đã giảm được thiệt hại. Tuy nhiên, vẫn có cả ngàn ha lúa bị thiếu nước tưới vào cuối vụ, làm giảm năng suất hoặc mất trắng.

Tại huyện U Minh Thượng, nông dân đang thu họach lúa đông xuân muộn nhưng không khí ngày mùa khá trầm lắng, kém vui. Do bị thiếu nước tưới vào cuối vụ, lúa bị khô héo, năng suất giảm chỉ còn 2-3 tấn/ha, lèo xèo như trấu. Nhiều hộ bị hạn nặng thì bỏ luôn không thu hoạch, mất trắng vốn đầu tư, công sức.

Trưa nắng, anh Nguyễn Văn Tèo (xã Hòa Chánh) căng võng sau hè ngồi nhìn ra mảnh ruộng, mặt buồn thiu. Gia đình anh Tèo có hơn 2 ha lúa bị thiệt hại do khô hạn, gây ra món nợ cả chục triệu đồng tiền mua thiếu vật tư.

Anh Tèo cho biết: “Dự báo là năm nay hạn mặn gay gắt, tui cũng như nhiều nông dân cố gắng xuống giống sớm hơn, sử dụng giống lúa ngắn ngày… Thế nhưng thiệt hại vẫn xảy ra”.

Cứ tưởng cuối vụ thu hoạch bán lúa sẽ có vài chục triệu tiền lãi, ai dè giờ mang cục nợ. Bây giờ chẳng biết xoay sở thế nào để trả nợ chứ nói gì đến tái đầu tư vụ sau. “Chắc rồi cũng đến cnước bỏ nhà đi làm công nhân thôi”, anh Tèo nhìn xa xăm thở dài.  

Ông Phạm Duy Tân, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện U Minh Thượng cho biết, tính đến thời điểm nay tổng diện tích lúa bị ảnh hưởng do thiếu nước tưới là 2.780 ha. Trong đó, hơn 1.500 ha bị thiệt hại, làm giảm năng suất, đạt chưa tới 3 tấn/ha. Cụ thể, thiệt hại từ 30-70% khoảng 1.200 ha, thiệt hại trên 70% là 360 ha, tập trung ở các xã Hòa Chánh, Vĩnh Hòa, Thạnh Yên…  

Theo ông Tân, đây là lúa vụ 3, gieo sạ ngoài kế hoạch của huyện. Khu vực này nông dân thường thu hoạch lúa đông xuấn rất sớm (khoảng tháng 12 dương lịch), sau đó tranh thủ gieo sạ vụ tiếp theo (gọi là đông xuân muộn).

“Đây là vụ lúa dễ gặp rủi ro, năm nào dứt mưa sớm là bị thiệt hại. Huyện đã có công văn chỉ đạo không gieo sạ lại. Ngành chức năng và chính quyền xã cũng đã khuyến cáo về tình hình hạn, mặn nhưng người dân vẫn bất chấp xuống giống”, ông Tân cho biết thêm.

Không chỉ huyện U Minh Thượng mà tại huyện Vĩnh Thuận một số diện tích lúa cũng bị thiệt hại về năng suất, do mặn xâm nhập nên thiếu nước tưới vào cuối vụ.

Cụ thể, toàn huyện lúa đông xuân bị thiệt hại do thiếu nước ngọt 1.453 ha, mất năng suất từ 30-70%, tập trung ở các xã Vĩnh Thuận, Tân Thuận, Vĩnh Phong và thị trấn Vĩnh Thuận.

Mặn chát vuông tôm

Mùa khô hạn là thời vụ nuôi tôm nước lợ ở vùng U Minh Thượng, với mô hình lúa - tôm. Khi vụ lúa thu hoạch xong (khoảng cuối tháng 12, đầu tháng 1 năm sau) các cửa cống ven biển được mở ra cho nước mặn từ biển Tây tràn vào. Người dân dùng máy bơm tràn mặt ruộng, xử lý cho đạt yêu cầu và bắt đầu thả con giống nuôi.  

Vuông tôm đang bị thiếu nước nhưng người dân không thể bơm vào vì bây giờ nước sông độ mặn cao đang quá cao. Ảnh: Trung Chánh.

Vuông tôm đang bị thiếu nước nhưng người dân không thể bơm vào vì bây giờ nước sông độ mặn cao đang quá cao. Ảnh: Trung Chánh.

Những năm thời tiết thuận lợi, trời nắng nóng không gay gắt, độ mặn trong ngưỡng 15-20 phần ngàn thì người dân nuôi tôm thành công. Còn những năm nắng nóng, hạn mặn gay gắt thì tôm chết đỏ đồng.

Toàn tỉnh Kiên Giang hiện có hơn 104 ngàn ha nuôi tôm nước lợ thì mô hình nuôi lúa - tôm chiếm hơn 80 ngàn ha, chủ yếu tập trung ở các huyện vùng U Minh Thượng. Hiện độ mặn ở các sông gần cửa biển đều trên ngưỡng 30 phần ngàn, gây khó khăn cho việc lấy nước nuôi tôm.

Ông Nguyễn Thiện Tân, ở xã Tân Thạnh, huyện An Minh, cho biết, nắng nóng nước trong vuông nuôi tôm bốc hơi rất nhanh, sắt lại nên độ mặn tăng cao. Bây giờ nước sông cũng mặn, bơm vào nữa thì mặn quá tôm sẽ chậm lớn. Nhưng không bơm vào cũng không được, để vuông nuôi bị cạn, nước sẽ nóng tôm dễ bị sốc, dịch bệnh rồi chết. Đúng là người nuôi tôm đang trong thế tiến thoái lưỡng nan.

Theo Chi cục Chăn nuôi - Thú y Kiên Giang, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 13 ổ dịch bệnh trên tôm nuôi, tại 11 ấp, thuộc 8 xã của 4 huyện An Biên, An Minh, Hòn Đất, Kiên Lương, với tổng diện tích thiệt hại gần 30 ha.  Trong đó, bệnh đốm trắng hơn 20 ha, hoại tử gan tụy cấp 6,7 ha, sốc môi trường 2,5 ha.

Ngành chức năng đã cấp hỗ trợ hơn 2,6 tấn hóa chất Chlorine cho các hộ để xử lý tiêu diệt mầm bệnh, hạn chế lây lan ra môi trường. Yêu cầu chủ hộ không được xả nước ao tôm bị bệnh ra ngoài khi chưa xử lý tiêu diệt mầm bệnh, đồng thời thông báo cho các hộ nuôi tôm xung quanh để có biện pháp hạn chế lây lan dịch bệnh. Đối với ao tôm đã bị bệnh đề nghị hộ nuôi phải cách ly tối thiểu 21 ngày sau khi xử lý mới thả lại.

Ông Nguyễn Thành Đức, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Kiên Giang nhận định: “Hiện nay, tình hình thời tiết bất lợi, ảnh hưởng không tốt đến sức đề kháng của tôm nuôi và là điều kiện thuận lợi lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển. Vì vậy, nguy cơ xảy ra thiệt hại do biến động của các yếu tố môi trường và dịch bệnh trên tôm nuôi trong thời gian tới là rất cao”.

Người “khát" nước ngọt

Một nỗi lo khác mỗi khi mùa khô đến đó là tình trạng thừa nước mặn, thiếu nước ngọt, nhất là nước sinh hoạt. Nhiều nơi không thể khoan giếng ngầm (vì nhiễm phèn mặn) trong khi nước máy chưa kéo tới, mặn tràn vào nên “khát giữa vùng sông nước”. Cách duy nhất để có nước sinh hoạt là mua nước ngọt từ các ghe đi đổi nước chạy dọc dưới sông.

Ghe đi đổi nước, giải cơn khát” cho người dân vùng U Minh Thượng trong những tháng mùa khô hạn. Ảnh: Trung Chánh.

Ghe đi đổi nước, giải cơn khát” cho người dân vùng U Minh Thượng trong những tháng mùa khô hạn. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Ngô Chấn Hỷ, Bí thư Đảng ủy xã Nam Thái A, huyện An Biên cho biết, toàn xã có 2.091 hộ thì mới chỉ có trên 50% trong số đó có nước máy sử dụng.  Còn lại vẫn phải sử dụng nước đổi từ ghe. Hiện giá nước đổi từ ghe khá đắt đỏ từ, 40-60 ngàn đồng/lu (1 m3), tùy quãng đường vận chuyển gần xa.

Mỗi lu nước đổi từ nghe có giá lên đến 50 ngàn đồng nên người dân phải sử dụng hết sức chắt chiu. Ảnh: Trung Chánh.

Mỗi lu nước đổi từ nghe có giá lên đến 50 ngàn đồng nên người dân phải sử dụng hết sức chắt chiu. Ảnh: Trung Chánh.

 Còn tại huyện An Minh, có gần 4 ngàn hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hạn này. Đa số những gia đình này là hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách, sống rải rác ở các kênh, rạch, không có điều kiện mua phương tiện trữ nước để sử dụng.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết, các hộ thiếu nước ngọt sinh hoạt trong mùa khô chủ yếu ở các xã ven biển, chưa có hệ thống nước máy để sử dụng. Cụ thể, xã Tân Thạnh có 1.058 hộ, xã Vân Khánh có 913 hộ, Động Hưng A 764 hộ, Đông Hưng B 621 hộ…

Có xã gần phân nửa số hộ bị thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô, phải đổi nước của các ghe vận chuyển từ nơi khác tới. Mà đây cũng chỉ là nước ngọt hút từ sông hoặc là nước giếng cây, hoàn toàn không qua xử lý mà giá khá cao, lên đến 40-50 ngàn đồng/m3.

Để trữ nước sinh hoạt, người dân vùng hạn, mặn U Minh Thượng phải mua nhiều lu chứa xếp quanh nhà. Ảnh: Trung Chánh.

Để trữ nước sinh hoạt, người dân vùng hạn, mặn U Minh Thượng phải mua nhiều lu chứa xếp quanh nhà. Ảnh: Trung Chánh.

Để giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt trong mùa khô đối với các huyện ven biển vùng U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang đã quyết định đầu tư hồ chứa nước sản xuất và sinh hoạt khu vực huyện An Minh với dung tích 700 ngàn m3.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh mô trường nông thôn Kiên Giang cho biết, công trình có vốn đầu tư 132 tỷ đồng, gồm xây dựng hồ chứa, nhà máy xử lý nước và đường ống đấu nối đến các hộ dân. Khi hoàn thành đi vào sử dụng, sẽ đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho khoảng 5 ngàn hộ dân.

Tuy nhiên, hiện công trình mới đang trong giai đoạn thi công, sớm nhất cũng phải đến mùa mưa tới mới có thể tích nước. Vì vậy, trong mùa nắng nóng, hạn mặn năm nay, nhiều hộ dân ven biển vẫn phải chịu cảnh “khát" nước sinh hoạt.

Tại khu vực Thứ Bảy đến Thứ Chín Rưỡi, thuộc xã Đông Thái (huyện An Biên) và Đông Hòa (huyện An Minh), từ sau tết đến nay người dân phải sử dụng nước máy nhiễm mặn từ 2-3 phần ngàn.

Theo những hộ dân ở đây, có ngày độ mặn đo được lên tới 4 phần ngàn, sử dụng rất lợ. Không sử dụng thì cũng không có nguồn nào khác, vì tứ bề sông nước đều nhiễm mặn.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.