Thời tiết khắc nghiệt!
Thời điểm này, nhiều địa phương của tỉnh Cà Mau đang phải gánh chịu đợt thiên tai, hạn hán vô cùng khốc liệt. Cây cối thì khô héo, hoa màu thì cằn cỗi, héo úa do thiếu nước tưới. Ruộng đồng nứt nẻ, khiến nhiều trà lúa của bà con nông dân sắp đến ngày thu hoạch chịu cảnh lép hạt chỉ vì không chủ động được nguồn nước.
Theo ngành chức năng tỉnh Cà Mau, mùa khô năm 2019 – 2020, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có trên 18.120 ha lúa bị thiệt hại.
Anh Nguyễn Văn Hận, nông dân xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời) than thở: “Mùa khô năm nay khắc nghiệt quá, nếu như mọi năm thì không ảnh hưởng lớn như vậy. Thời tiết cực đoan thiệt, đúng là thiên tai, hạn hán không biết đường nào mà lần”.
Ông Hận cho biết, gia đình có 1ha lúa đông xuân sắp đến ngày thu hoạch thì bị thiệt hại nặng, lúa vừa mới cong trái me, ngậm sữa thì hết nước. Nguồn nước bị thiếu hụt, khiến trà lúa của gia đình không phát triển được nên bị ảnh hưởng nặng nề về năng suất.
Trước tết, thấy lúa trỗ bông nào bông nấy dài dài, mướt rượt, tôi tính vụ này được mùa rồi. Nào ngờ chịu đợt hạn như vậy, khiến công sức đổ ra bỗng dưng bay theo nắng hạn. Bây giờ, tiền công dặm lúa, phun xịt thuốc và phân bón chưa trả được.
Khô hạn kéo dài cũng đã làm cháy ruộng lúa của 3 hộ dân ở ấp 1 tháng 5, xã Khánh Bình (huyện Trần Văn Thời). Ruộng lúa bị cháy được xác định là của ông Đỗ Thanh Dân, ông Bùi Trường Giang và ông Phạm Văn Biên. Tổng diện tích ruộng lúa bị cháy gần 21.000m2 với thiệt hại khoảng 70 triệu đồng.
Ruộng lúa của 3 hộ dân trên đang chuẩn bị thu hoạch. Thời điểm cháy ngay lúc nắng gắt, gió lớn cộng thêm ruộng lúa bị khô hạn nên không thể cứu được.
Tại xã Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời), địa phương chuyên canh rau màu có tiếng tại Cà Mau, nay cũng ảm đạm, thê lương. Nắng hạn đã làm khô cạn các kênh mương nước ngọt khiến cây cối, rau màu héo úa. Không chủ động nguồn nước tưới tiêu trong mùa khô, nên diện tích rau màu của bà con chịu ảnh hưởng nặng nề. Hoa màu sắp đến ngày thu hoạch chết dần, chết mòn.
Ông Võ Văn Bền, nông dân trồng đậu xanh ở ấp Cơ 5, xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) cho biết, gia đình xuống giống 1 ha đậu xanh, lúc đầu trồng thì đậu phát triển rất tốt, khoảng 3 tuần sau tưới phân thì gặp hạn, khô nóng đậu không ra rễ nổi.
Thông thường thì đậu từ 3 tuần trở lên sẽ bắt đầu phát triển, nhưng do ảnh hưởng của khô hạn nên bộ rễ cây đậu không thể phát triển. Ông Bền cố gắng chăm sóc, hy vọng bán đậu đủ chi phí đầu tư ban đầu là mừng lắm rồi.
Khan hiếm nước ngọt
Ghi nhận của PV Báo NNVN, tại vùng đất phèn mặn của huyện U Minh (Cà Mau) cho thấy, nguồn nước ngọt ở một số xã vùng sâu như Khánh Lâm, Khánh Tiến, Khánh Hòa rất khan hiếm. Nước sạch thì thường xuyên bị cắt, do không đủ nước cung cho sinh hoạt, phục vụ tưới tiêu.
Bà Huỳnh Thúy Hằng, ngụ ấp 14 (xã Khánh Lâm, huyện U Minh), cho biết: Hiện nay, do mùa hạn nên nước ngọt rất khan hiếm, phải dùng tiết kiệm. Nếu như ngày trước nahf bà sử dụng mỗi tháng 10 khối, thì nay tiết kiệm lại phân nửa để còn san sẻ cho những hộ khác.
Vào mùa hạn, rau màu ở địa phương khá khan hiếm, giá cả lại đắt đỏ vì khó trồng. Thiếu nước tưới, dẫn đến rau màu không phát triển được. Đó là nguyên nhân khiến rau màu tăng giá mạnh.
Nói về việc thừa nước mặn, thiếu nước ngọt trong mùa khô này, ông Ngô Văn Thắng, ngụ ấp 1, xã Nguyễn Phích (huyện U Minh), cho biết: Nắng hạn thế này, nước ngọt khan hiếm là có thật, cũng chẳng biết bao giờ có mưa. Biết nắng hạn ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, nên người dân đã quen và chấp nhận sống chung với hạn, mặn.
Theo ông Thắng, nhiều gia đình ở cách xa khu vực trung tâm, sống nơi hẻo lánh nên việc thiếu nước ngọt sinh hoạt là không thể tránh khỏi. Các khu vực đó, dân cư ít nên hệ thống nước của địa phương chưa đấu nối tới.
Cần sống thuận thiên
Ông Dư Bé Ba, Chủ tịch UBND huyện U Minh, chia sẻ: Thiên tai, hạn hán đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người dân địa phương. Mặc dù huyện đã công bố lịch thời vụ cho bà con rồi, nhưng thiệt hại vẫn không thể tránh khỏi. Lãnh đạo huyện cũng rất đau đầu về vấn đề này.
Theo ông Ba, trước mắt, để chủ động nguồn nước ngọt phục vụ cho người dân, ngành chức năng huyện U Minh đã họp bàn, thống nhất giao ngành nước điều tiết, cung cấp nước sạch cho người dân trên địa bàn toàn huyên tránh tình trạng nơi thừa, nơi thiếu.
Mùa này, nước ngọt thì quý thật, nhưng không đến nỗi cạn kiệt. Nó chỉ ảnh hưởng đến việc sản xuất, tưới tiêu là chính, còn nước sạch sinh hoạt tại hộ gia đình thì vẫn chủ động được.
Ông Dư Bé Ba cho rằng, việc thiếu nước vào mùa khô và thừa nước vào mùa mưa đã thấy rõ. Tuy nhiên, việc làm sao giữ được nguồn nước thừa đó để bổ sung cho mùa hạn mới là vấn đề nan giải. Cần phải có sự chung tay từ nhiều phía.
Giải pháp trước mắt của ngành chức năng tỉnh Cà Mau, là vận động, tuyên truyền người dân sử dụng hợp lý nguồn nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, chủ động tích trữ nước mưa bằng các vật dụng chứa nước của gia đình.
Cần thiết, thì bà con đào ao, mương để tích trữ nước mưa. Có như vậy, thì khoảng cách của vấn đề thừa, thiếu nước ngọt giữa hai mùa sẽ sớm xích lại gần hơn.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: Vấn đề cung cấp nước ngọt phục vụ sản xuất cho vùng bán đảo Cà Mau đã được nghiên cứu và thực hiện bằng Dự án Ngọt hoá bán đảo Cà Mau từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau, đến nay dự án chưa hoàn thành, mục tiêu của dự án cũng chưa đạt được.
Trong khi hệ thống hạ tầng thuỷ lợi Cà Mau chậm đượcđầu tư theo qui hoạch. Xâm nhập mặn tiếp tục lấn sâu, người dân tự phát sản xuất trong điều kiện chịu sự tác động của biến đổi khí hậu, giờ phân ranh mặn ngọt theo trục kênh xáng Quản lộ - Phụng Hiệp không còn khả thi và cần nghiên cứu thay bằng trục sông Trắc Bằng.
Trước đó, UBND tỉnh Cà Mau đã cầu cứu nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực biến đổi khí hậu về địa phương họp bàn, tìm giải pháp ứng phó, khắc phục.
Tại đây, nhiều chuyên gia cho rằng, để chủ động nước tưới thì người dân, cùng chính quyền địa phương phải cùng hỗ trợ, tương tác nhau. Tức ngành chức năng thì khuyến cáo, tuyên truyền, người dân thì nâng cao nhận thức trong việc sử dụng nước sinh hoạt. Đồng thời, vận động người dân tích trữ nước bằng các vật dụng trong gia đình.
Tuy nhiên, đó là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài, thì tỉnh Cà Mau cần xây dựng các ô thủy lợi khép kín vùng, phân từng ô nhỏ để điều tiết nước phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt cho vùng bán đảo Cà Mau. Để làm được điều này Cà Mau cần nguồn kinh phí lớn và sự hỗ trợ từ Trung ương.