| Hotline: 0983.970.780

Sông Sa Lung ô nhiễm, hàng trăm ha tôm bị thiệt hại

Thứ Tư 27/09/2023 , 06:00 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Năm 2023, toàn huyện Vĩnh Linh thả nuôi gần 270ha tôm thì đến tháng 8 có 263ha tôm bị chết. Các hộ nuôi tôm ở đây đều lấy nước ở sông Sa Lung...

Người nuôi tôm rơi vào tình cảnh bi đát: Vì đâu nên nỗi

Hàng trăm ha tôm của người dân huyện Vĩnh Linh chết từ đầu năm 2023 đến nay khiến người nuôi khánh kiệt. Ảnh: Võ Dũng.

Hàng trăm ha tôm của người dân huyện Vĩnh Linh chết từ đầu năm 2023 đến nay khiến người nuôi khánh kiệt. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Trần Văn Lưu, người nuôi tôm tại xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị cho hay,  trong 5 tháng qua, nhiều thời điểm nước sông Sa Lung bị ô nhiễm, đen ngòm, nổi váng và bốc mùi hôi thối. Chỉ cách xã Vĩnh Sơn chừng 15km về phía thượng nguồn sông Sa Lung, nhiều nhà máy chế biến mủ cao su, bao bì… đang hoạt động.

Bài liên quan

Trải qua 24 năm nuôi tôm, chưa bao giờ ông Lưu thấy tình thế bất thường như các vụ tôm năm nay. Nguồn nước dù được lắng lọc, xử lý kỹ lưỡng, đúng quy trình nhưng tôm không chịu xuống đáy mà bơi lởn vởn quanh bờ.

Đến thời điểm thu hoạch, năng suất tôm trong hồ nuôi của ông Lưu giảm 50 - 60%. Rút cạn nước hồ, ông Lưu phát hiện, nước dưới hồ bị kết tủa và cho rằng, đó là nguyên nhân khiến tôm không chịu xuống đáy.

“Năm 2023, phải đến 99% người nuôi tôm ở xã Vĩnh Sơn thất bại. Tôm bị nổ vỏ nhưng xét nghiệm lại không phải chết vì bệnh đốm trắng. Vừa rồi, tôi thả thêm 1 vụ từ nguồn nước dự trữ trong ao nuôi lấy từ sông Sa Lung thời điểm nước không có biểu hiện lạ thì tôm phát triển tốt. Gần như cứ sau mỗi đợt mưa lớn, đập thủy lợi Sa Lung xả nước thì nước sông ở hạ nguồn lại đen ngòm, bốc mùi thối”, ông Lưu nói.

Nghi ngờ nguồn nước bị 'đầu độc', người dân Vĩnh Sơn đã ngược dòng truy tìm nguyên nhân. Ảnh: Người dân cung cấp.

Nghi ngờ nguồn nước bị "đầu độc", người dân Vĩnh Sơn đã ngược dòng truy tìm nguyên nhân. Ảnh: Người dân cung cấp.

Ông Ngô Quang Vinh, Tổ trưởng tổ nuôi tôm 1, thôn Phan Hiền cho biết, kể từ năm 2004, khi ông bắt đầu nuôi tôm đến cuối năm 2022, chưa năm nào bị lỗ. Năm khó khăn nhất cũng lãi 50 - 120 triệu đồng. Thế nhưng, năm 2023, cả 3 lần thả tôm đều thất bại.

Theo ông Vinh, tháng 3/2023, khi thời vụ thả tôm bắt đầu thì cũng là lúc hạ nguồn sông Sa Lung có nhiều biểu hiện lạ. Nước sông nổi váng và bong bóng như bọt xà phòng, đen ngòm, bốc mùi. Thế nhưng, do thời vụ hối thúc, ông cũng làm liều bơm nước vào hồ, lắng lọc, xử lý rồi thả tôm. Tôm nuôi chậm lớn, được 62 ngày tuổi bỗng nổi lên chết đồng loạt. Các lứa tôm tiếp theo, tưởng chừng có thể vớt vát đồng vốn nhưng ông và rất nhiều hộ nuôi ở địa phương này lại trắng tay.

Tại xã Vĩnh Sơn, HTX Vĩnh Thành là đơn vị được đầu tư hạ tầng nuôi tôm tốt nhất. Dù đã cố lắng lọc, xử lý nguồn nước trước khi đưa vào nuôi nhưng người nuôi tôm cũng không tránh khỏi thất bại.

Ông Phan Trọng Sáng cho biết, thường những năm trước có vụ được vụ mất nhưng nhìn tổng thể nuôi tôm vẫn có lãi. Riêng gia đình ông, vụ 1 năm 2023 thả 1,6ha tôm thẻ chân trắng nhưng chỉ được 20 ngày thì tôm chết sạch, lỗ 180 triệu đồng. Đến vụ thứ 2, ông thả 1,3ha nhưng cũng chỉ được 20 ngày thì tôm nổi lên chết hàng loạt. Đuối sức vì không đủ tiền đầu tư, nợ ngân hàng chồng chất, ông Sáng đành “phơi” hồ, không dám thả nuôi vụ 3.

“Con cua 3 lượng (300gr - PV) cũng chết chứ chưa nói đến tôm giống. Nguồn nước sông Sa Lung đã bị ô nhiễm nặng quá! Vì nuôi tôm mà nay tôi còn nợ 400 triệu vay ngân hàng chưa thể trả được”, ông Sáng chua xót.

Người dân chụp lại màu nước trên sông Sa Lung ngày 5/4. Ảnh: Người dân cung cấp.

Người dân chụp lại màu nước trên sông Sa Lung ngày 5/4. Ảnh: Người dân cung cấp.

Theo thống kê của UBND huyện Vĩnh Linh, năm 2023, toàn huyện thả nuôi gần 270ha tôm thì đến cuối tháng 8 có tới 263ha tôm tại các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Lâm, Hiền Thành, Vĩnh Giang, Vĩnh Hòa bị chết. Các hộ nuôi tôm ở đây đều lấy nguồn nước ở hạ nguồn sông Sa Lung.

Sau khi người dân phản ánh, Trung tâm Quan trắc thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị đã lấy mẫu nước tại một số điểm trên sông Sa Lung. Kết quả cho thấy, nhiều chỉ số vượt quá ngưỡng cho phép.

Trong lúc chờ đợi kết luận và các giải pháp từ cơ quan chức năng, UBND huyện Vĩnh Linh đã khuyến cáo và các hộ đã xử lý đúng quy trình nhưng tôm nuôi vẫn chết hàng loạt.

Doanh nghiệp tái phạm, chính quyền cần xử lý thẳng tay

Ngày 27/4/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị có công văn trả lời kết quả kiểm tra chất lượng nguồn nước mặt sông Sa Lung. Theo đó, 1 mẫu nước lấy trên sông nhánh Sa Lung (khe Bảo Đài) có thông số TSS vượt giới hạn B1 của QCVN 08 là 2,02 lần; 1 mẫu nước lấy trên kênh cấp nước cho khu vực nuôi tôm Phan Hiền có các thông số TSS, COD và Coliform vượt giới hạn B1 QCVN 08 lần lượt là 24 lần, 7,43 lần và 1.260 lần; 1 mẫu nước do UBND xã Vĩnh Sơn lấy ngày 4/4/2023 có thông số COD vượt giới hạn B1 QCVN 08 là 8,4 lần và thông số H2S vượt giới hạn 27 lần.

Người dân xã Vĩnh Sơn mong muốn chính quyền và cơ quan chức năng sớm tìm ra thủ phạm đầu độc sông Sa Lung để nghề nuôi tôm phát triển. Ảnh: Võ Dũng.

Người dân xã Vĩnh Sơn mong muốn chính quyền và cơ quan chức năng sớm tìm ra thủ phạm đầu độc sông Sa Lung để nghề nuôi tôm phát triển. Ảnh: Võ Dũng.

Trước đó, kể từ đầu tháng 4 đến tháng 9/2023, nhiều lần người dân xã Vĩnh Sơn đã gửi đơn, kiến nghị chính quyền địa phương và cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước. Họ cho rằng, đây chính là căn nguyên dẫn đến việc tôm nuôi bị chết đồng loạt.

Khi ngành chức năng chưa tìm ra thủ phạm, ngày 5/9, nhiều người dân xã Vĩnh Sơn đã ngược dòng sông, lên tận đập Sa Lung để kiểm tra tình hình nguồn nước. Tại đây, người dân chứng kiến nguồn nước xả ra đen ngòm. Nghi ngờ có cơ sở chế biến xả thải nguồn nước chưa qua xử lý phía trên đập Sa Lung, người nuôi tôm xã Vĩnh Sơn đã thông báo cho lãnh đạo huyện và Phòng Tài nguyên môi trường, Công an huyện Vĩnh Linh đến làm sáng tỏ sự việc.

Ngày 13/9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã có văn bản chỉ đạo Công an tỉnh thành lập tổ công tác và tổ chức thực hiện chuyên đề để trinh sát thường xuyên, đấu tranh, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là hành vi xả nước thải trái pháp luật; yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị tăng cường kiểm tra, xác định nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước, giải quyết dứt điểm ô nhiễm môi trường trên sông Sa Lung.

Người dân cho rằng, chất lượng nguồn nước không đảm bảo từ các hoạt động xả thải của các doanh nghiệp tại thượng nguồn sông Sa Lung là tác nhân khiến tôm chết hàng loạt. Ảnh: Võ Dũng.

Người dân cho rằng, chất lượng nguồn nước không đảm bảo từ các hoạt động xả thải của các doanh nghiệp tại thượng nguồn sông Sa Lung là tác nhân khiến tôm chết hàng loạt. Ảnh: Võ Dũng.

Theo kết quả quan trắc Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo UBND Quảng Trị vào ngày 19/9/2023 cho thấy, kết quả quan trắc tháng 5/2023, tại 3/4 điểm quan trắc có giá trị đo của thông số (NO2-N) vượt giới hạn B2 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT 12 lần.

Kết quả quan trắc chất lượng nước sông Sa Lung (đoạn trên đập) thực hiện ngày 5/9/2023 (ngay chân đập, tại thời điểm xả đập) cho thấy, có 2 thông số (Coliform và E.coli) vượt giới hạn B1 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Trong đó, thông số E.coli cao bất thường (vượt giới hạn B1 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT 47,6 lần).

Việc E.coli cao trong môi trường là hiếm khi xảy ra, trừ khi có việc xả thải chất thải từ phân người, phân động vật với khối lượng lớn vào môi trường. E.coli cao trong nước mặt là khá nguy hiểm đối với an toàn vệ sinh của cộng đồng.

“Chất lượng nước sông Sa Lung diễn biến xấu vào một số thời điểm cho thấy, đã có dấu hiệu xả thải trái pháp luật nước thải sinh hoạt và công nghiệp vào nguồn nước sông”, văn bản số 3551/STNMT-CCBVMT, ngày 19/9/2023 của Sở Tài nguyên và Môi trường gửi UBND tỉnh Quảng Trị.

Từ nguồn tin của Phóng viên NNVN, UBND huyện Vĩnh Linh đã bắt quả tang Nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty TNHH MTV Đức Hiền Quảng Trị tại xã Vĩnh Long đang xả trực tiếp nước chưa qua xử lý ra sông Sa Lung. Ảnh: Võ Dũng.

Từ nguồn tin của Phóng viên NNVN, UBND huyện Vĩnh Linh đã bắt quả tang Nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty TNHH MTV Đức Hiền Quảng Trị tại xã Vĩnh Long đang xả trực tiếp nước chưa qua xử lý ra sông Sa Lung. Ảnh: Võ Dũng.

Trong khi lực lượng chức năng đang mò mẫm kiếm tìm thủ phạm thì ngày 19/9, từ nguồn tin của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, UBND huyện Vĩnh Linh đã bắt quả tang Nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty TNHH MTV Đức Hiền Quảng Trị tại xã Vĩnh Long đang xả trực tiếp nước chưa qua xử lý ra sông Sa Lung. Trung tâm Quan trắc thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị đã lấy 4 mẫu nước tại khu vực xả thải để quan trắc, hiện chưa có kết quả.

Người nuôi tôm xã Vĩnh Sơn cho rằng, sự việc này chính là nguyên nhân khiến nước sông Sa Lung ô nhiễm, gây chết tôm nuôi ở nhiều nơi và cần được sớm đấu tranh, làm rõ.

Hành vi xả thải đã rõ

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh cho hay, hành vi xả thải của doanh nghiệp đã rõ. Vấn đề còn lại là xác định lưu lượng xả và mức độ nguy hại của chất thải để có hình thức xử lý phù hợp. Quan điểm của lãnh đạo huyện Vĩnh Linh là xác định đúng thủ phạm và kiên quyết xử lý nghiêm vì đây không phải là lần đầu Công ty TNHH MTV Đức Hiền Quảng Trị vi phạm.

Xem thêm
Quy Nhơn: Điều tra vụ học sinh lớp 7 bị đánh dã man giữa đường

Tỉnh Bình Định xác nhận Công an xã Nhơn Hội đã chuyển hồ sơ vụ cháu Đ.N.A.K (học sinh lớp 7) bị đánh dã man giữa đường cho Công an TP Quy Nhơn điều tra.

Dự án Đại Ninh: Quyền lực, hối lộ và sai phạm trong quản lý đất đai

Phiên tòa vụ án Đại Ninh tập trung làm rõ trách nhiệm 10 bị cáo, từ những sai phạm trong xử lý dự án đến lời thú nhận đau đớn của các cựu quan chức.