| Hotline: 0983.970.780

Stress vì con nhỏ

Thứ Năm 10/10/2013 , 10:30 (GMT+7)

Nếu sinh thêm con thì cháu sẽ là người điên trước. Sao cháu sợ phụ nữ sợ trẻ con và sợ hôn nhân đến vậy? Cháu có sai không cô?

Ảnh minh họa
Cô Dạ Hương kính mến!

Vợ chồng cháu cưới nhau 3 năm, vừa có đứa con gái 6 tháng tuổi. Cháu đi làm còn vợ cháu ở nhà nội trợ và chăm con để khỏi phải mướn người. Cô ấy có bằng trung cấp nhưng trước mắt cứ ở nhà với con đi đã.

Chúng cháu đều gốc nông thôn, ba má hai bên ở xa và cả hai biết tự lập từ khi đi học nghề. Đó là điều rất quan trọng khi chúng cháu đến với nhau. Hiện chưa có nhà riêng nhưng công việc của cháu khá tốt, đủ nuôi vợ con và trả tiền thuê chỗ ở.

Nhưng khi có con nhỏ cháu mới thấy cuộc sống không như cháu hình dung. Quá nhiều việc, quá nhiều chuyện phát sinh để cãi nhau cô ơi. Ấy là chưa nói chi tiêu phát sinh, tốn kém. Mọi thứ rối mù. Vợ cháu ở nhà, không phải ra đường không phải đi làm mà chiều và tối cháu cũng không biết nghỉ ngơi đúng nghĩa là gì. Nhất là ban đêm, con đang ngủ, cô ấy cũng dựng con dậy để uống sữa cho đúng cữ. Má cháu lên thăm góp ý, không ăn thua, má vợ cháu lên dạy bảo điều chỉnh, cô ấy cũng không nghe, chỉ tin vào đọc sách.

Cũng vì nghe sách mà sau khi sinh (vợ cháu đẻ mổ), mà không cho con bú bình sớm, nói sữa mẹ mới là tốt nhất. Sữa mẹ tốt nhất là chân lý, nhưng khi sinh phải can thiệp và uống kháng sinh nhiều, mẹ mất sữa thì tốt nhất ở đâu. Trong tháng con đã thiếu sữa, khóc, ra tháng mới tập cho bú bình, nó không quen, cũng khóc. Giờ con đã quen bình thì mẹ cứ canh giờ mà ép, không ai ngủ được với nó cả. Giấc ngủ cũng là liều thuốc bổ, đúng không cô? Nó tăng cần đều, khỏe mạnh chứ cần gì béo ú mà vỗ béo, đúng không cô?

Hình như cháu đã gặp một người cứng đầu, miễn bàn. Nếu sinh thêm con thì cháu sẽ là người điên trước. Sao cháu sợ phụ nữ sợ trẻ con và sợ hôn nhân đến vậy? Cháu có sai không cô? Cháu làm sao giúp vợ và thấy hai chữ hạnh phúc trong cảnh này? Đi cày kiếm tiền, về con la con khóc mà vợ lại không biết chăm, mọi sinh lực đổ vào chuyện đứa con mà nhà cửa không yên ấm gì cả.

Mong cô cho cháu những lời khuyên.

Cô giấu email cho cháu

Cháu thân mến!

Đúng, hôn nhân với ai cũng không giống với những gì người đó hình dung. Có người còn ví chuyện ấy giống như từ trên đọt cây thiên đường rơi xuống đất. Có người từ kinh nghiệm thê thảm của mình còn ví nó là địa ngục chứ không phải là sống nữa.

Cô vừa xem một cuộc trò chuyện trên một kênh truyền hình Mỹ, người được phỏng vấn nói về hậu hôn nhân và khi có con rất sâu sắc. Người đó nói sau ngày cưới thì cuộc sống dễ chịu nhất đã mãi mãi ở phía sau mỗi người, và một đứa con ra đời, thật rắc rối, rắc rối một cách phi thường nhưng không gì đáng yêu hơn một đứa trẻ.

Vậy đó. Cháu thấy xáo trộn và mức độ nào như là bị sốc. Chuyện đó không phải riêng cháu đâu. Phụ nữ thì sao? Hãy luôn nhớ là đàn ông kiếm tiền cũng cực nhưng đàn bà mang con trong bụng, rồi đẻ nó ra, rồi hôm sớm chăm bẵm con, muôn đời nặng nhọc cháu ơi. Ấy là chuyện cái tình và cái lý chung, không cá biệt. Họ cũng sốc, nhưng tình mẫu tử sẽ định hướng tất cả.

Vợ cháu có lẽ thuộc loại cá biệt. Không nghe kinh nghiệm dân gian và của cả hai bà mẹ mà cứ làm theo sách. Sách cũng là kinh nghiệm, có điều sách máy móc hơn, quá chú ý đến khoa học mà thiếu hoàn cảnh cụ thể. Hầu như ai đẻ mổ cũng mất sữa, con phải viện vào núm sữa nilon và con cháu nó tập quen được cũng còn may, có đứa phải đút từng muổng cho tới khi nó lớn đó chứ. Việc dựng đầu con dậy để bú đúng cữ là máy móc thật, cháu đã nói đúng, trẻ con đói sẽ khóc, giờ giấc vừa phải thôi để người lớn còn nghỉ ngơi mà đi “cày”.

Vấn đề là tính khí vợ quá cứng mà mình vò đầu bứt tai mãi thì gãy đổ ư? Rồi con nó sẽ lớn, vợ cháu cũng quen với việc chăm con, cũng tự có kinh nghiệm của mình. Đối thoại, nhắc nhau nhưng cũng nên chịu đựng với hy vọng con sẽ dễ nuôi hơn khi nó lớn hơn chút nữa. Rồi con biết đi biết nói, mọi chuyện nhẹ nhàng nhà cửa tươi vui thực sự. Mong cháu bình tĩnh, cố gắng để vượt qua những ngày khó khăn nhất này.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm