| Hotline: 0983.970.780

Sự công khai, minh bạch chính là thanh bảo kiếm sắc bén để 'trảm' tham nhũng

Thứ Năm 20/12/2018 , 10:12 (GMT+7)

Đây là khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị lần thứ 14 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa VIII, IX, X, Tư lệnh Quân khu 4, khẳng định nêu trên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ tạo nên sức mạnh của toàn dân tộc trong công cuộc phòng, chống tham nhũng.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước
 

Phóng viên: Theo ông để thực hiện có hiệu quả chủ trương trên, chúng ta nên bắt đầu từ đâu?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Nhiều vụ án trọng điểm đã, đang và sẽ được khởi tố, nhiều cán bộ đầu ngành, cán bộ cao cấp, các nhóm lợi ích đi ngược với lợi ích của dân tộc đã và sẽ phải trả giá bởi sự nghiêm minh của pháp luật. Rất đau xót khi đất nước không chỉ tổn thất về kinh tế, tổn thất về con người mà còn tổn thất về lòng tin của nhân dân. Hàng trăm nghìn tỷ đồng bị mất mát kéo lùi sự phát triển kinh tế, xã hội. Hàng loạt cán bộ mà trước khi vướng vào lao lý chắc là những cán bộ nguồn được Đảng, Nhà nước lựa chọn kỹ lưỡng, được tôi rèn trong thực tiễn, nhưng những viên đạn “bọc đường” lại không được các tổ chức Đảng giám sát chặt chẽ nên đã làm cho họ gục ngã, chúng ta mất đi một loạt cán bộ cốt cán mà nếu biết giữ mình họ sẽ có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp dựng xây đất nước. Đặc biệt, trong những tổn thất nêu trên, giảm lòng tin của nhân dân chính là mất mát lớn nhất từ các vụ án tham nhũng vừa qua, và như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói: “Mất lòng dân là mất tất cả”.

Chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, các bộ luật đã tương đối đầy đủ và ngày càng hoàn thiện. Vì vậy, luật pháp phải được thượng tôn, các cơ quan hành pháp cần thực hiện đúng luật, đúng trình tự, công khai và minh bạch; người đứng đầu cơ quan, ban ngành, địa phương trong mọi hành động của mình phải biết đặt lợi ích nhân dân lên trên hết.

Phóng viên: Thưa ông, là một vị tướng từng kinh qua hai cuộc kháng chiến, bài học nào trong chiến tranh mà chúng ta có thể vận dụng trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng hôm nay?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Thế kỷ 20, dân tộc ta đã thắng được hai đế quốc to là Pháp và Mỹ. Thắng lợi đó là nhờ chúng ta có quyết tâm chính trị, trong đó vai trò quan trọng của lãnh tụ Hồ Chí Minh với quyết tâm “Không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Nhờ đó, chúng ta đã huy động được sức mạnh toàn dân để đấu tranh và chiến thắng. Bài học này đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vận dụng sáng tạo khi nhìn thấy những nguy cơ của Đảng, sự tồn vong của chế độ.

Giờ đây, chúng ta cũng đang hội tụ đủ các yếu tố đó khi quyết tâm phòng chống tham nhũng của toàn Đảng, toàn dân mạnh mẽ hơn bao giờ hết và trong đó vai trò Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là người tiên phong  đã dương cao ngọn cờ phòng chống tham nhũng cùng với bộ máy tham mưu được sàng lọc đầy ý chí, quyết tâm để tập hợp sức mạnh toàn dân, đấu tranh quyết liệt để quét sạch chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng, vì sự phát triển của đất nước, dân tộc.

Phóng viên: Phân bổ nguồn lực Quốc gia là cái mốc đầu tiên cần phải minh bạch, nếu khâu này không minh bạch sẽ dẫn đến tham nhũng mang tính hệ thống. Vậy, theo ông giải quyết vấn đề này như thế nào?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Đất nước chúng ta đang phát triển và hội nhập nên cần nhiều nguồn lực. Nhưng nguồn lực đó phải được phân bổ hợp lý và minh bạch, để mang lại hiệu quả cao, đảm bảo tính nhân văn của chế độ xã hội chủ nghĩa. Do vậy, ngoài đầu tư cho hạ tầng chính vì mục tiêu phát triển kinh tế thì phải quan tâm phân bổ nguồn lực cho cộng đồng, đặc biệt là vấn đề giáo dục, y tế vùng sâu, vùng xa, nơi mà đồng bào có rất nhiều công lao trong sự nghiệp kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.

Trong thời gian qua, ngoài những việc làm được, trong phân bổ ngân sách chúng ta còn dàn trải, trong đó một số lĩnh vực đáng lẽ không cần ưu tiên thì lại được phân bổ ngân sách lớn.

Những ngày vừa qua tôi có đọc báo và được biết cộng đồng rất bức xúc về một số công trình, dự án mà Doanh nghiệp Xuân Trường đã được chỉ định thầu xây dựng như: Dự án nạo vét Sào Khê (Ninh Bình), Dự án Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), Dự án Tam Chúc (Hà Nam)…

Liên quan đến Dự án Hồ Núi Cốc, một chuyên gia đã phản ánh trên phương tiện thông tin đại chúng: Tổng vốn đầu tư dự án Hồ Núi Cốc của Doanh nghiệp Xuân Trường khoảng 16.000 tỷ đồng, nhưng vốn ngân sách dành cho dự án này lên đến 14.000 tỷ đồng. Tôi có tham khảo một vài doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, được biết: Nếu thực sự dự án thực hiện theo cơ chế trên, trong 14.000 tỷ đồng của vốn ngân sách thì doanh nghiệp đã lãi khoảng 3.000 tỷ đồng. Như vậy, không cần bỏ ra một đồng nào nhưng khi thực hiện xong Dự án, doanh nghiệp đã bỏ túi hàng ngàn tỷ đồng.

Về Dự án Sao Khê thì tôi thấy thật khủng khiếp! Tôi được biết, trong triển khai dự án có thể có phát sinh, nhưng phát sinh từ 72 tỷ đồng lên 2.600 tỷ đồng tức là gấp khoảng 36 lần thì chỉ có Dự án Sào Khê ở Việt Nam. Vấn đề này đã được đại biểu Quốc hội chất vấn nhưng tôi không hiểu sao đến nay vẫn đang “chìm xuồng”? Những nội dung này cần được các cơ quan Đảng, Nhà nước cân nhắc thận trọng, lấy ý kiến của các nhà khoa học, các nhà chuyên môn để không phạm phải sai lầm.

Trong thời gian qua, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của toàn dân. Tôi tin rằng, từng bước một, những sai phạm ở tất cả lĩnh vực sẽ được làm rõ và xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Trung tướng!

(hoanhap.vn)

Xem thêm
Đề nghị kỷ luật loạt cán bộ dính vụ Thuận An, Phúc Sơn, Đại Ninh...

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật các ông Mai Tiến Dũng, Dương Văn Thái, Phạm Thái Hà... do liên quan vụ Thuận An, Phúc Sơn, Đại Ninh...

Nông nghiệp Hà Nội được nhiều người biết đến nhờ thông tin tuyên truyền

Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, ngành nông nghiệp của Thủ đô năm 2023 đã đạt tốc độ tăng trưởng 2,74%.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.