“Sử dụng phân bón đúng” là dự án nằm trong khuôn khổ Chương trình Thách thức phân bón toàn cầu (Global Fertilizer Challenge) của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, được chủ trì và tài trợ bởi Cục Nông nghiệp đối ngoại, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA).
Tại Việt Nam, dự án “Sử dụng phân bón đúng" được thực hiện trong 4 năm, do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) là chủ dự án và Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) là cơ quan thực hiện.
Trong khuôn khổ dự án, người dân sẽ được hướng dẫn kỹ thuật tận dụng rơm rạ, phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ. Từ đó, giúp các hộ tiết kiệm chi phí, công lao động, gia tăng lợi nhuận, bảo vệ môi trường.
Từ tháng 8/2024, dự án được triển khai tại HTX Kinh doanh & Dịch vụ Nam Cường (HTX Nam Cường), xã Yên Cường, huyện Ý Yên (Nam Định). Sau hơn 2 tháng triển khai, dự án đạt được kết quả bước đầu.
Ông Nguyễn Văn Dự, Chủ tịch HĐQT HTX Kinh doanh & Dịch vụ Nam Cường, xã Yên Cường, huyện Ý Yên (Nam Định) cho biết, các hộ khi áp dụng công nghệ chuyển giao của IRRI (ủ rơm rạ bằng máy trộn tự hành), cho năng suất 138 - 300m3 rơm rạ mỗi lần trộn, thời gian ủ khoảng 45 ngày, bằng một nửa so với phương thức ủ truyền thống như ủ phân thủ công hoặc dùng xe xúc.
Bên cạnh đó, khi tham gia dự án, các hộ dân được hỗ trợ máy trộn phân bón, hướng dẫn kỹ thuật... Từ đó, giúp tiết kiệm được công lao động (thông thường cần 10 công nhân để trộn phân, hiện tại chỉ cần 1 công nhân vận hành máy).
Bà Nguyễn Thị Ngần, thành viên HTX Nam Cường cho biết, việc trộn, ủ phân hữu cơ theo quy trình của Dự án mang lại hiệu quả cao hơn so với sử dụng phân lân, phân chuồng bón trực tiếp.
Trước kia, bà Ngần thường xuyên mua phân lân, đạm, kali để bón cho cây trồng, tốn kém chi phí. Từ khi được HTX Nam Cường và IRRI hướng dẫn quy trình ủ phân hữu cơ mới, gia đình đã biết tận dụng rơm rạ, phế phụ phẩm trong chăn nuôi để làm thành phân bón, từ đó giúp tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận.
“Rau được bón phân ủ hữu cơ của dự án lá xanh đậm hơn, ăn ngọt hơn, các loại sâu bệnh cũng giảm hẳn. Bón phân hóa học nhiều đất bị chai sạn, còn bón phân hữu cơ càng nhiều càng tốt, thấy hiệu quả nên bà con rất phấn khởi”, bà Ngần cho biết thêm.
Theo bà Trần Ngọc Mai, cán bộ của IRRI, Việt Nam được đánh giá chất lượng đất đang bị suy thoái, cạn kiệt. Qua đó, sử dụng phân bón đúng và hợp lý cũng là một trong những biện pháp phục hồi sức khỏe đất.
"Khi người nông dân trải nghiệm thực tế thấy có lợi cho cây trồng, có lợi cho đất, từ đó, người dân sẽ tự nhân rộng ra từng địa phương và các tỉnh lân cận", bà Mai chia sẻ thêm.
Ông Hoàng Đức Hân, Trưởng phòng Trồng trọt (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nam Định) chia sẻ, tỉnh Nam Định rất chú trọng đến việc phát triển các mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Hiện tỉnh có nhiều chủ trương khuyến khích nông dân sử dụng phân bón hữu cơ bằng những buổi đào tạo, tập huấn. Từ đó, giúp người dân thay đổi nhận thức về sử dụng phân bón, cũng như tăng cường sử dụng các biện pháp xử lý rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp.
"Qua sự hợp tác với IRRI, người dân Nam Định sẽ có điều kiện nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường tốt hơn. Hi vọng rằng tiếp nối Yên Cường, nhiều xã khác cũng có cơ hội thực hiện sản xuất phân bón hữu cơ từ rơm rạ", ông Hân nhấn mạnh.
Đánh giá việc tái chế rơm rạ thành phân bón là "một mô hình hay", ông Hoàng Đức Hân hi vọng, thành công của mô hình sẽ giúp người dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, tạo ra chu trình khép kín trong sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh.
Dự kiến, dự án sẽ được triển khai trong 4 năm (từ năm 2024 đến 2027), với sự hỗ trợ kỹ thuật từ các chuyên gia của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, IRRI và các nhà khoa học của Việt Nam. Đối tượng thụ hưởng chính của dự án là người nông dân tại các tỉnh nằm trong dự án. Người nông dân sẽ được tiếp cận kỹ thuật, ứng dụng công nghệ tiên tiến và thực hành nông nghiệp chính xác nhằm tối ưu đầu vào, bao gồm phân bón trong trồng lúa, từ đó có thể nhân rộng các mô hình trong cả nước.