| Hotline: 0983.970.780

Sức sống mới ở Ia Mua

Thứ Sáu 02/12/2022 , 04:34 (GMT+7)

Ia Mua có 319 hộ với 1.162 nhân khẩu, 3 tôn giáo và 5 dân tộc anh em. Đây là đơn vị điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

z3916817493070_a35df5dec1d84485819d89294b6338bb

Con đường bê tông do người dân Ia Mua đóng góp, cùng với nhà nước xây dựng. Ảnh: Đăng Lâm.

1.

Qua khỏi đồi chè bàu Cạn với với bạt ngàn trụ điện gió đang đứng im đợi… cơ chế, qua khỏi hồ Hoàng Yên thì Lê Thế Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Bàu Cạn (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) nhắc: “Rẽ phải, anh nhé”.

Chúng tôi vào con đường rộng 5 mét, vừa được san ủi mặt bằng và xong phần móng nền. “Đường đi xuyên qua xóm 4 của thôn Ia Mua nên gọi là Đường Xóm 4, anh ạ”, Phương nói. Trước, con đường này chỉ là đường mòn, xe máy không tránh được xe công nông. Mùa nắng bụi mù, mưa xuống thì lầy lội, xe máy không tránh được xe công nông. Được xã vận động, nhân dân đóng góp tiền, cùng với Nhà nước mở rộng và thảm bê tông con đường này. Cũng theo Phương thì đúng ra sáng nay đơn vị thi công xuống, cùng bà con hoàn thành phần còn lại của con đường, tuy nhiên do trời mưa nên phải lùi lại vào ngày mai.

Phương đưa chúng tôi vào nhà chị K’păh H’le, dân tộc J’rai. Trước, H’le là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân của thôn. Do vừa có thêm cháu ngoại nên nhiệm kỳ này, chị xin nghỉ để trông cháu.

H’le cho biết: Xóm 4 có 45 hộ, chỉ có 2 hộ nghèo do đông con. Trong xóm, hộ nào cũng có cà phê, ít thì 500 cây (0,5ha) như gia đình chị, nhiều thì 1.000 cây như hộ K’Rok (dân tộc BahNar). Nhiều hộ còn tham gia nhận khoán vườn chè của Nông trường Chè Bàu Cạn để có thêm thu nhập.

z3916949452599_949ee372c3c150383d682df43aef8dc5

Dân dân Ia Mua rất đoàn kết trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Đăng Lâm.

Nhắc đến việc nhận khoán vườn chè, H’le bùi ngùi kể lại câu chuyện buồn: Cả bố và mẹ của chị đều tham gia làm công nhân cho đồn điền Chè Bàu Cạn từ trước năm 1975. Sau ngày đất nước thống nhất, chế độ cách mạng tiếp quản và đổi tên thành Nông trường Chè Bàu Cạn. Bố và mẹ của H’le vẫn tiếp tục làm công nhân ở đây, bố phụ trách lò sấy, mẹ làm việc ở máy sàng chè.

Tai nạn ập đến khi một hôm, đang loay hoay điều khiển máy sàng thì đầu tóc của mẹ chị- bà K’păh Yem bung ra, bị máy cuốn vào, hết tóc, rồi đến đầu. May mà có người bên cạnh kịp cho máy dừng nên mẹ chị chỉ bị mất tóc và mảng ngoài da đầu. Tuy nhiên từ đây, bệnh tật cũng tìm đến bà, bà phải nằm một chỗ để ông chăm sóc. Đến năm 1989, bà K’păh Yem để lại chồng con mà về với cõi Atâu.

2.

Hôm nay mưa nên anh Lê Văn Cương, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Ia Mua không đi hái cà phê. Phương gọi điện, anh Cương chạy xe máy đến nhà H’le, uống nước và trò chuyện. Anh Cương cho biết: Thôn Ia Mua có 319 hộ với 1.162 nhân khẩu. Cả thôn có 3 tôn giáo là Tin lành, Thiên Chúa giáo và Phật giáo. Lý giải việc một thôn mà có đến 5 dân tộc anh em cùng sinh sống gồm Kinh, BahNar, J’rai, Sê Đăng…, anh Cương cho biết: Nông trường Chè Bàu Cạn, trước đây là đồn điền do người Pháp lập ra. Họ dồn dân từ nhiều địa phương khác nhau về nên ở đây có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống.

“Tuy thôn có đa dân tộc, đa tôn giáo, nhưng tất cả bà con trong thôn đều có tinh thần đoàn kết cao. Bà con luôn tương trợ, giúp đỡ nhau trong khó khăn hoạn nạn, chia sẻ nhau kinh nghiệm sản xuất, giữ gìn và phát huy tốt bản sắc văn hóa dân tộc của mình”, anh Cương cho biết.

z3916817497064_6645e87582a6e7b3ad5165d11f931b80

Người dân Ia Mua chung tay xây dựng đường làng ngõ xóm, xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Đăng Lâm.

Điển hình như làm con đường ở thôn 4. Tuy cuộc sống chưa thật sự sung túc, thậm chí thôn 4 còn có 2 hộ nghèo do đông con, nhưng khi được vận động, toàn thể 45 hộ dân đều giơ tay nhất trí cao. Chỉ trong vòng có vài ngày, mỗi hộ đã đóng đủ 4 triệu đồng để cùng với Nhà nước làm đường, không cần biết hộ này nhiều đất bám mặt đường hơn hộ kia.

Anh Cương kể: Bà Khu Bới (dân tộc Sê Đăng) là một trong 2 hộ nghèo nhất xóm 4. Sinh năm 1979, nhưng Khu Bới đã kịp có đến… 9 người con. Chỉ hai hôm sau ngày được vận động đóng góp làm đường, Khu Bới cầm đủ 4 triệu đồng đến tận nhà thôn trưởng để nộp. Thôn trưởng Cương ngạc nhiên hỏi: “Chị lấy đâu ra tiền mà nộp sớm thế”, Khu Bới cười tươi, trả lời: “Tôi vừa bán con heo nuôi được nửa năm nay”.

Thế đấy. Tuy cuộc sống vật chất của một số hộ trong thôn còn nghèo, nhưng tinh thần đoàn kết, chung tay xây dựng đường làng ngõ xóm, xây dựng nông thôn mới thì lại không hề “nghèo” chút nào.

Nhận xét về các Hội đoàn thể trong thôn, Trưởng thôn Lê Văn Cương cho biết: Các hội đoàn thể như Thanh niên, Phụ nữ, Khuyến nông… phát huy rất tốt vai trò của mình, cùng chính quyền địa phương tham gia tuyên truyền, vận động bà con trong tất cả các phong trào. Nhờ đó, người dân trong thôn luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tự giác tham gia các phong trào do chính quyền đưa ra. Do vậy mà đời sống vật chất lẫn tinh thần của bà con nơi đây ngày càng được cải thiện…

Bà Trần Thị Thu Hiền, Chủ tịch UBND xã Bàu Cạn, cho biết: Được sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn nên nhân dân trong xã, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, đều phát huy tinh thần đoàn kết. Bà con luôn chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ nhau cùng phát triển kinh tế hộ gia đình. Bên cạnh đó, những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình cũng được bà con nâng niu gìn giữ và phát huy. Nhờ vậy, bức tranh nông thôn của xã Bàu Cạn mỗi ngày được khởi sắc thêm…

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.