| Hotline: 0983.970.780

Sức trẻ trên biển cả

Thứ Năm 09/08/2012 , 10:42 (GMT+7)

Tôi có dịp được cùng 19 ngư dân trẻ trên chiếc tàu đánh bắt xa bờ hành nghề lưới vây rút chì mang số hiệu BĐ 94439 TS của tài công Nguyễn Minh Vương...

Tôi có dịp được cùng 19 ngư dân trẻ trên chiếc tàu đánh bắt xa bờ hành nghề lưới vây rút chì mang số hiệu BĐ 94439 TS của tài công Nguyễn Minh Vương ở thôn Xuân Thạnh, xã Mỹ An (Phù Mỹ - Bình Định) lênh đênh trên biển Đông suốt gần 1 tháng trời. Thời gian không dài, nhưng những câu chuyện của cuộc đời mỗi ngư phủ trẻ đều để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc.

>> Đội tàu “khủng” của một ngư dân
>> Phải hiện đại tàu cá
>> Đóng tàu lớn vươn khơi
>> Tiếp sức ngư dân
>> Giữ ngư trường cho con cháu
>> Ngư dân không đơn độc
>> Ngư dân không nao núng

Một mình nuôi sống gia đình

Trong lực lượng lao động hành nghề đánh bắt hải sản trên biển Đông, ngư dân trẻ chiếm phần lớn. Bởi chỉ có sức trẻ của họ mới kham nổi những cơ cực, vất vả trong cuộc mưu sinh trên muôn trùng sóng nước. Người “bắt mắt” tôi đầu tiên trong chuyến đi ấy là ngư phủ “nhí” Nguyễn Văn Tiến. Năm ấy Tiến chỉ mới 18 tuổi nhưng đã có 2 năm vật vã với sóng nước trùng khơi. Ngoài tham gia một số việc trong hoạt động đánh bắt hàng ngày, Tiến còn có nhiệm vụ làm “anh nuôi” cho tất cả thuyền viên trên tàu. Làm “anh nuôi” cho 1 đại gia đình kiểu này không phải chuyện đơn giản.

Nhìn thân người nhỏ thó của Tiến mỗi bữa phải đánh vật với 1 nồi cơm nấu hơn 20 lon gạo và những chảo đồ ăn to tướng, tôi thấy ngưỡng mộ thật lòng. Mới 18 tuổi mà gương mặt Tiến đã già dặn lắm. Tiến chỉ trẻ con khi cười, nụ cười sau 2 năm lăn lộn ngoài biển khơi vẫn chưa mất vẻ hồn nhiên. Tiến quê thôn Xuân Thạnh, xã Mỹ An (Phù Mỹ - Bình Định), vào nghề năm 16 tuổi. “Ba cháu tuổi đã lớn, 1 mình làm không đủ nuôi mẹ và 3 anh em cháu đi học nên chưa hết lớp 9 cháu đã nghỉ học, theo cha làm nghề biển kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình. Từ khi cháu làm có tiền, 2 đứa em của cháu yên tâm học hành hơn”, Tiến tâm sự.

Mới đầu tháng 8 năm nay, trong lúc tàu BĐ 94439 TS của tài công Vương cập bến tại cảng Quy Nhơn để bán sản phẩm, tôi có dịp gặp lại Tiến. Sau gần 2 năm gặp lại, Tiến đã ra dáng thanh niên, dường như thân hình nhỏ thó của Tiến đã được sóng gió biển khơi rèn luyện nên đã trở nên cường tráng. Thế nhưng khi trò chuyện, nét hồn nhiên của Tiến vẫn chưa mất, mới gặp tôi Tiến đã nhoẻn nụ cười, khoe: “Từ đầu năm đến nay phần cháu đã được nhận hơn 50 triệu đồng, ông bà được nhận hơn 70 triệu đồng nữa. Mẹ cháu vui lắm”.


Những ngư dân trẻ đang dần làm chủ biển khơi

Niềm hạnh phúc mà Tiến đang có cũng là niềm hạnh phúc của 18 ngư dân trẻ khác trên tàu BĐ 94439 TS. Ngoài Tiến, Tư, Đạt, Ky và Út còn là “trai tơ”, hầu hết ngư dân trẻ trên tàu đã làm cha của 1, 2 đứa con. Mặc dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng họ đều tự hào là “trụ cột” của gia đình. Với thu nhập của những chuyến biển, những người vợ của họ ở nhà có điều kiện chăm sóc cha mẹ già, nuôi con ăn học và xây dựng nhà cửa.

Ngư dân Tuân (37 tuổi) tâm sự: “Sau nhiều năm đi bạn cho tàu này dành dụm, hầu hết các thuyền viên trên tàu đều xây dựng được nhà cửa khang trang. Vợ con càng có cuộc sống ổn định, tụi tui càng yên tâm ra khơi bám biển”. Thậm chí có nhiều chàng trai mới cưới vợ, qua 3 ngày hồi dâu là gửi vợ ở nhà cho ba mẹ, theo tàu bám biển luôn.

Nếu không tận mắt nhìn thấy, chắc hẳn không bao giờ tôi có thể hình dung ra công việc của họ trên biển cơ cực dường ấy. Công việc của họ bắt đầu từ 4 giờ sáng mỗi ngày với tấm lưới nặng gần 7 tấn. Sau khi bủa, cộng với hàng chục tấn cá dính theo nhưng khi tấm lưới được kéo lên chủ yếu chỉ bằng đôi tay của các ngư phủ. Công việc kéo lưới đến nặng dù đã được 1 máy kéo bằng rulô trợ giúp nhưng tấm lưới vẫn chỉ nhích từng chút. 19 ngư dân đứng cạnh nhau, không ai nói với ai lời nào, họ đăm đăm tập trung vào công việc.

Kéo lưới xong, họ lại tất bật với công việc ướp đá vào cá cho xuống hầm. Bình thường, họ vào việc từ 4 giờ sáng đến 2-3 giờ chiều là hoàn tất 1 mẻ cá. Gặp mẻ cá khẳm, công việc kéo dài đến tối mịt. Thường thì họ vừa làm vừa bẻ mì tôm khô ăn cho đỡ đói.

Biển Đông khát ngư dân trẻ

Hiện nay, số lượng tàu đánh bắt xa bờ ngày càng tăng, nên nhu cầu về lao động trên biển cũng tăng theo. Ví như ở Bình Định, hiện có trên 2.200 tàu có công suất 90 CV trở lên, làm nhiều nghề khác nhau, ngư trường chủ yếu là biển Đông. Lực lượng lao động cần để đáp ứng công việc cho số lượng tàu nói trên là 50.000 người. Lao động ngoài biển khơi không phải ai làm cũng được, phải là người lớn lên từ biển, từng được biển tôi luyện mới có thể tham gia. Do vậy, lực lượng tàu đi khơi xa hiện nay đang rất “khát” lao động.

Ông Phan Thuẫn, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường 6, TP Tuy Hòa (Phú Yên) cho biết thêm: “Do nguồn lợi thủy sản gần bờ ngày càng cạn kiệt nên nhiều chủ tàu nâng cao công suất tàu mình để vươn khơi xa. Mỗi tàu cần từ 10-20 lao động nên hiện nay các chủ tàu đang gặp khó trong việc tìm người đi bạn. Tìm được bạn đã khó, giữ được bạn chung thủy với tàu mình còn khó hơn. Bởi nếu tàu mình đánh bắt không hiệu quả, thu nhập của bạn kém họ sẽ bỏ sang tàu khác ngay”.

Do vậy, vào mỗi vụ đánh bắt cá ngừ đại dương (từ tháng 8 đến tháng 4 âm lịch năm sau), dọc các cảng cá Tam Quan, Hàm Tử, Đề Gi (Bình Định), phường 6, 7 (Tuy Hòa - Phú Yên) lại nóng lên chuyện chủ tàu đi tìm người đi bạn.

Lão ngư Phạm Thư ở xã Hoài Thanh (Hoài Nhơn - Bình Định), cho biết thêm: “Bây giờ muốn tìm được bạn đi cho tàu mình, trước mỗi chuyến biển, tụi tui phải ứng trước tiền cho gia đình họ để họ có điều kiện lo cho con cái ăn học, sau đó trừ dần vào khoản thu nhập”. “Nhiều khi bí quá, tụi tui phải tìm người đi bạn là thanh niên nông thôn, thậm chí cả ở miền núi. Trong những chuyến biển đầu tiên, mình chịu khó “cầm tay chỉ việc” cho họ. Nghề biển chỉ cần chịu khó là làm được ngay chứ không rắc rối gì”, chủ tàu Trần Ngọc Tư (phường 6, TP Tuy Hòa), nói.

“Hơn 2.200 tàu cá đánh bắt xa bờ ở Bình Định chủ yếu sử dụng lao động địa phương, chỉ có một số ít nơi khác đến làm nghề. Hiện nay, vấn đề thiếu lao động chưa bức xúc bằng việc ngư dân thiếu vốn sản xuất, vốn đóng mới tàu có công suất lớn để họ nâng cao hiệu quả khai thác”, bà Mai Kim Thi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định.

Anh Võ Văn Hòa (35 tuổi) quê ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước (Bình Định) tâm sự: “Từ nhỏ đến lớn tui chỉ làm ruộng chứ có biết biển giã là gì đâu. Tui có anh trai cưới vợ bên xã đảo Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), ban đầu tui theo anh qua đảo đi bạn cho những chiếc tàu khai thác tôm hùm giống. Sau đó để kiếm thêm thu nhập, tui đi bạn cho những chiếc tàu lớn đánh bắt trên biển Đông. Những chuyến đầu chưa quen với sóng to gió lớn, tui say sóng nằm vật vã cả tuần. Sau đó quen dần, giờ sinh hoạt trên tàu có khi còn dễ hơn trên bờ”.

Còn với lão ngư Nguyễn Văn Ái ở thôn Xuân Thạnh, xã Mỹ An (Phù Mỹ -Bình Định), người đang sở hữu 4 chiếc tàu “khủng” và lực lượng lao động thường xuyên hơn 70 người, thì cho rằng: “Để giữ chân bạn, trước hết chủ tàu phải xem họ như con cháu mình. Trong quá trình làm việc, mình không nên đặt lợi nhuận lên trên hết mà phải nghĩ tới anh em. Khi ra biển, tất nhiên nhu cầu cuộc sống riêng của ai nấy lo, nhưng trên những chiếc tàu của tui không bao giờ thiếu những loại thuốc y tế trị bệnh thường gặp để sẵn sàng trợ giúp cho anh em. Trong công việc, ai chưa biết thì mình bày vẽ, ai thiếu thốn hoặc gặp sự cố cần kíp mình sẵn sàng giúp họ trước. Cứ vậy là họ trung thành làm với mình cả đời. Từ trước đến giờ, lực lượng lao động đi làm trên 4 chiếc tàu của tui không bao giờ thay đổi".

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện cụ Bầm tháo dỡ bàn thờ tổ tiên phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ

'Mình hết lòng vì Tổ quốc thì tổ tiên sẽ ủng hộ, phù hộ chứ các cụ có làm gì ảnh hưởng đến con cháu đâu mà sợ', chị Nhàn thuật lại lời kể.