| Hotline: 0983.970.780

Tái đàn lợn: Thanh Hóa làm bài bản, chắc chắn

Thứ Năm 14/05/2020 , 09:15 (GMT+7)

Ngày 13/3/2020, xã cuối cùng của Thanh Hóa công bố hết dịch tả lợn châu Phi. Doanh nghiệp và hộ chăn nuôi tại Thanh Hóa đang tập trung tái đàn lợn.

Đàn nái giảm do dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn cung lợn phục vụ tái đàn khan hiếm. Ảnh: Võ Dũng.

Đàn nái giảm do dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn cung lợn phục vụ tái đàn khan hiếm. Ảnh: Võ Dũng.

Vừa tái vừa phòng

Trước khi xảy ra bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, Thanh Hóa có tổng đàn lợn trên 1,2 triệu con. Trong đó đàn lợn nái, đực giống (bố mẹ) trên 160 nghìn con.

Cuối năm 2019, khi dịch tả lợn châu Phi tại Thanh Hóa được kiểm soát, đàn lợn của tỉnh vẫn còn trên 955 nghìn con, bằng 80% so với trước dịch. Trong đó, đàn lợn cụ kỵ, ông bà là 1 nghìn con; đàn lợn bố mẹ trên 88,8 nghìn con, bằng 56% trước dịch.

Theo ông Đặng Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa, tuy dịch bệnh chỉ làm chết trên 39 nghìn con lợn nái nhưng những con cùng chuồng và khu vực dịch cũng bị “phá đàn” nên đàn nái giảm khoảng 70 nghìn con.

Từ ngày 13/3, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa không còn dịch bệnh tả lợn châu Phi và đến nay, trong tỉnh không tái phát ổ dịch. Đó cũng là thời điểm UBND tỉnh Thanh Hóa và ngành nông nghiệp khuyến khích, chỉ đạo các cơ sở, trang trại chăn nuôi bảo đảm đủ điều kiện an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh tái đàn.

Theo ông Hiệp, việc tái đàn trong thời điểm này cũng là thách thức đối với công tác đảm đảm bảo an toàn dịch bệnh. Dù dịch tả lợn châu Phi đã được khống chế nhưng tinh thần tái đàn tại Thanh Hóa là không chủ quan. Việc tái đàn vẫn phải tuân thủ nghiêm các quy định, khuyến cáo bảo đảm chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh. Điều đáng mừng là các cơ sở, hộ chăn nuôi đã và đang tái đàn đều đáp ứng được yêu cầu.

Để kiểm soát dịch bệnh tả lợn châu Phi và các bệnh khác trên đàn lợn, nhất là đàn lợn mới tái đàn, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương tập trung chỉ đạo các cơ sở chăn nuôi tiếp tục duy trì thực hiện các biện phòng, chống dịch trong quá trình chăn nuôi.

Đến nay, sau 3 tháng đẩy mạnh công tác tái đàn, toàn tỉnh đã có trên 3,5 nghìn cơ sở chăn nuôi lợn tái đàn. Tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh đã tăng đáng kể và đạt trên 1,1 triệu con, bằng 96% tổng đàn lợn trước dịch.

Giữ được trên 50% đàn lợn giống, về cơ bản Thanh Hóa đang chủ động được nguồn giống tái đàn. Ảnh: Võ Dũng.

Giữ được trên 50% đàn lợn giống, về cơ bản Thanh Hóa đang chủ động được nguồn giống tái đàn. Ảnh: Võ Dũng.

Trong đó, đàn lợn cụ kỵ, ông bà trên 2,3 nghìn con; đàn lợn bố mẹ trên 111 nghìn con; lợn thịt trên 1 triệu con. Tổng số lợn nái được tái, tăng đàn trên 22,2 nghìn con; lợn thịt tái đàn trên 169 nghìn con. Nguồn gốc nhập từ tỉnh ngoài vào trên 53,9 nghìn con, còn lại là lợn giống có trên địa bàn tỉnh.

“Về cơ bản, Thanh Hóa vẫn chủ động được con giống. Tuy nhiên, việc đàn nái trong các hộ chăn nuôi giảm mạnh thì khả năng tăng, tái đàn ở các hộ này sẽ rất khó khăn. Đây là lúc doanh nghiệp cần tăng cường công tác sản xuất con giống để tự phục vụ nhu cầu và cung ứng ra thị trường” – ông Hiệp cho hay.

Cũng theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa, dự kiến quý III/2020 đàn lợn của tỉnh sẽ tăng thêm 100.000 con do các doanh nghiệp đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và xây dựng xong đưa vào khai thác tại các huyện Thạch Thành, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy… và các trang trại tăng đàn để đáp ứng nhu cầu lợn thịt xuất bán vào quý IV/2020.

Giảm nhỏ lẻ, tăng trang trại

Từ khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm còn 67% nhưng số trang trại lại tăng 68%. Trong số 169 nghìn con lợn thịt tăng đàn, các doanh nghiệp, trang trại quy mô lớn chiếm gần 105 nghìn con.

Các doanh nghiệp và người dân tích cực tái đàn, nâng tổng đàn hiện đạt 96% so với trước dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Võ Dũng.

Các doanh nghiệp và người dân tích cực tái đàn, nâng tổng đàn hiện đạt 96% so với trước dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Võ Dũng.

Theo ngành nông nghiệp Thanh Hóa, khi bị dịch tả lợn châu Phi tấn công, ngoài việc căng mình chống dịch, Thanh Hóa xác định phải giữ được đàn lợn giống. Đó là yếu tố sống còn giúp cho việc tái đàn sau dịch bệnh được thuận lợi. Thực tế, tại Thanh Hóa, đàn lợn giống trong các cơ sở chăn nuôi lớn về cơ bản giữ được.

Không những đàn lợn giống địa phương được “chăm sóc” kỹ lưỡng, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng tích cực nhập lợn phẩm cấp công bà, cụ kỵ về để tái đàn.

Giữa tháng 4/2020, Công ty New Hope Thanh Hóa nhập về trên 1,2 nghìn con lợn phẩm cấp ông bà, cụ kỵ từ Canada. Tín hiệu vui cũng xuất hiện từ các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Ông Đoàn Văn Thiệu, Giám đốc chăn nuôi Công ty CP Chăn nuôi CP chi nhánh Thanh Hóa cho biết, tổng đàn lợn của công ty hiện chỉ còn khoảng 80 nghìn con/90-95 nghìn con thời điểm trước dịch. Nguyên nhân chính là trong thời điểm dịch, một số trại của công ty đã chủ động giảm tải đàn. Tuy nhiên, theo ông Thiệu, tổng đàn của công ty tại Thanh Hóa sẽ nhanh chóng vượt so với thời điểm trước dịch.

“Chúng tôi có 108 con giống phẩm cấp ông bà, cụ kỵ. Công ty đang triển khai xây dựng thêm một số trang trại và cuối năm nay sẽ nâng tổng đàn lên 100 nghìn con lợn và tăng đàn từ 40-50% so với thời điểm trước dịch tả lợn châu Phi trong thời gian tới” – ông Thiệu cho biết thêm.

Theo ông Đặng Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa, việc giữ ổn định đàn lợn và sắp đạt được tổng đàn so với thời điểm trước dịch tả lợn châu Phi là nhờ các doanh nghiệp rất tích cực tái đàn. Tổng đàn lợn của các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên địa bàn như C.P, CJ, New Hope, Phú Gia, Mavin… chiếm 30% tổng đàn lợn cả tỉnh, 70% đàn lợn tại các nông hộ, trang trại quy mô nhỏ và vừa.

Hiện các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên địa bàn tỉnh tích cực tăng đàn lợn nái, lợn đực giống để cung cấp con giống cho các trang trại chăn nuôi.

Trong những tháng đầu năm 2020, tại Thanh Hóa có 8 doanh nghiệp, trang trại quy mô lớn đầu tư vào chăn nuôi lợn mở mới đi vào hoạt động với tổng quy mô 56,6 nghìn con. Trong đó có 50.000 con lợn thịt, 6.600 nái.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến sau khi đi kiểm tra tình hình chăn nuôi đã đánh giá rất cao Thanh Hóa trong công tác tái đàn, tăng đàn. Ảnh: Võ Dũng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến sau khi đi kiểm tra tình hình chăn nuôi đã đánh giá rất cao Thanh Hóa trong công tác tái đàn, tăng đàn. Ảnh: Võ Dũng.

Tỉnh Thanh Hóa cũng đã chấp thuận chủ trương cho 4 doanh nghiệp chăn nuôi đầu tư dự án chăn nuôi lợn trên địa bàn quy mô đàn 244,7 nghìn con, trong đó có 7,6 nghìn con nái. Đặc biệt có Tập đoàn DABACO chuẩn bị đầu tư dự án chăn nuôi lợn với quy mô đăng ký là 156,7 nghìn con lợn thịt, 5,6 nghìn nái. Dự kiến quý II năm 2020, đàn lợn dự kiến khoảng 1.200.000 con.

Ông Hiệp cũng cho biết thêm, khó khăn lớn nhất cản trở việc tái đàn, tăng đàn khôi phục sản xuất là việc nguồn cung cấp con giống đảm bảo chất lượng, an toàn dịch bệnh. Tuy nhiên, với việc các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đang tích cực nhập đàn lợn phẩm cấp ông bà, cụ kỵ về thì trong thời gian tới, cơn khát nguồn cung con giống sẽ được giải tỏa.

Xem thêm
Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.