| Hotline: 0983.970.780

Tái định cư công trình thủy điện Hủa Na: Hết ăn, rồi chơi

Thứ Hai 14/11/2011 , 10:14 (GMT+7)

Nhà cửa nhìn vào có vẻ khang trang nhưng cuộc sống người dân TĐC hết sức bấp bênh, hết ăn rồi lại chơi vì thiếu việc làm, không có đất sản xuất.

Đa số dân không chịu rời bản vì mức đền bù quá thấp. Trong khi đó, một số hộ đã chịu di chuyển đến khu tái định cư (TĐC) thì khốn nỗi, nhà cửa nhìn vào có vẻ khang trang nhưng cuộc sống hết sức bấp bênh, hết ăn rồi lại chơi vì thiếu việc làm, không có đất sản xuất.

Theo kế hoạch đến tháng 5/2012, toàn bộ 14 bản của hai xã Đồng Văn, Thông Thụ, huyện Quế Phong (Nghệ An) thuộc khu vực lòng hồ phải di dời đến khu tái định cư (TĐC) mới cho hồ thủy điện tích nước. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chỉ mới di chuyển được 100/1.400 hộ (chiếm 7,14%) hộ dân ra khỏi vùng ảnh hưởng lòng hồ. 

Các hạng mục chính thi công của công trình thủy điện

1m2 rừng bằng... nửa điếu thuốc

Công trình thủy điện Hủa Na được khởi công từ tháng 1/2008, có tổng vốn đầu tư 6.800 tỷ đồng, do Cty CP Thủy điện Hủa Na làm chủ đầu tư. Công trình được xây dựng trên tổng diện tích 2.412 ha, trong đó diện tích đất ngập vùng lòng hồ là 2.042 ha với công suất thiết kế 180 MW, khi đưa vào vận hành sẽ cung cấp sản lượng trung bình khoảng 721,7 triệu kWh/năm.

Để thực hiện dự án này, theo kế hoạch, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và di dân tái định cư cho khoảng 1.400 hộ vùng lòng hồ với gần 5.000 nhân khẩu phải được hoàn tất trong năm 2011. Tuy nhiên đến nay công tác bồi thường, giải phòng mặt bằng vẫn chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan chức năng với người dân, dẫn đến người dân không chấp thuận, khó khăn cho việc di chuyển đến khu TĐC mới.

Ông Trương Minh Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, Chủ tịch Hội đồng bồi thường hỗ trợ TĐC thủy điện Hủa Na cho biết, về cơ bản đã áp giá hoàn thành 13/14 bản vùng lòng hồ và tổ chức họp công khai phương án được 12/13 bản. Bên cạnh đó đã phê duyệt hoàn thành 14/16 điểm TĐC, hiện nay các điểm tái định cư cũng trong giai đoạn xây dựng. Theo ông Cương, sở dĩ người dân không chịu di chuyển là vì giá bồi thường nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối hoa màu quá rẻ nên họ không đồng ý với phương án bồi thường.

Anh Lô Văn Hà, bản Huôi Muồng (xã Đồng Văn) cho biết, người đân không nhất trí với giá bồi thường như hiện nay. Đơn cử, giá bồi thường năm 2010 so với 2011 chênh lệch quá lớn, ví dụ như: sắn thường, năm 2010 là 4.000 đồng/m2 thì năm 2011 xuống còn 2.000đồng/m2; bồ kết, trần bì, cọ, kè, trứng gà nhỏ chuyển dời từ 30.000 đồng xuống còn 15.000 đồng/cây; bồ kết, trần bì, cọ, kè, trứng gà chưa thu hoạch không chuyển dời từ 120.000 đồng xuống còn 70.000 đồng/cây. Giá đất rừng sản xuất các bản lòng hồ xã Đồng Văn từ 2.800 đồng/m2 năm 2010 xuống còn 500 đồng/m2 năm 2011, chỉ bằng nửa điếu thuốc...

Cùng chung bức xúc, anh Vi Văn Huệ so sánh: xã Đồng Văn và Thông Thụ đều thuộc khu vực lòng hồ nhưng giá cả đền bù lại khác nhau như: đất rừng sản xuất các bản lòng hồ, xã Đồng Văn là 500 đồng/m2, xã Thông Thụ 1.700đồng/m2; đất trồng lúa nước, xã Đồng Văn 10.000 đồng/m2, xã Thông Thụ 15.000 đồng/m2; đất nuôi trồng thủy sản, xã Đồng Văn là 8.000 đồng/m2, Thông Thụ 12.000 đồng/m2… 

Những ngôi nhà nằm san sát nhau không có đất vườn liền kề

Ngoài ra một số bản như Bản Ăng, bản Đon (xã Thông Thụ) họ không muốn chuyển đến khu TĐC bởi lý do quá xa, đến nay đa số người dân muốn được ở theo vị trí trong nội xã do dân tự chọn. Một số hộ ở bản Huôi Muồng (xã Đồng Văn) lại không đồng ý đến khu TĐC mới vì lý do nền nhà ở quá cao không thể đào giếng được, không có đất vườn liền kề để sản xuất sinh hoạt.

Ông Trịnh Bảo Ngọc, Phó Giám đốc Cty CP Thủy điện Hủa Na cho biết, đến nay tiến độ thi công các hạng mục công trình chính dự án thủy điện Hủa Na đã bám sát tiến độ đề ra phấn đấu hoàn thành đưa vào phát điện quý IV/2012 theo Quy hoạch điện VI của Chính phủ. Tuy nhiên, hiện dự án đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư, bởi mới di chuyển được 7,14% (100/1.400 hộ) hộ dân ra khỏi vùng ảnh hưởng lòng hồ. Tiến độ thực hiện công tác di dân đang chậm 5 đến 6 tháng so với kế hoạch.

Lỡ vào thì lại...muốn ra

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện trong 16 khu TĐC chỉ mới có một điểm tái định cư Piêng Cu (xã Tiền Phong) đã đưa vào sử dụng. Còn lại các khu TĐC khác đang trong quá trình xây dựng san nền nhà, hệ thống đường, điện…. Tuy nhiên, theo người dân ở khu TĐC mới thì họ như đang ngồi trên “chảo lửa”, tối ngày ngồi ăn chơi mà không có đất sản xuất. 

Người dân về nơi TĐC mới Piêng Cu không có ruộng nương để sản xuất

Khu TĐC Piềng Cu đến nay đã có 103 hộ sinh sống, được chuyển ra từ tháng 11/2010 nhưng người dân không biết làm gì để sống. Bữa ăn trong ngày tất cả đều phụ thuộc vào những kg gạo hỗ trợ hàng tháng. Ông Lê Hồng Khuyên, Bí thư Chi bộ đảng Nong Đanh (nay là khu TĐC Piêng Cu) cho biết, từ khi về khu TĐC mới cuộc sống của bà con có sạch sẽ, gọn gàng hơn, thuận lợi về giao thông, tiếp xúc được với văn hóa xã hội. Nhưng bên cạnh đó bà con đang đứng trước nỗi lo không có đất sản xuất, không có chỗ xây dựng chuồng trại. Các công trình như đường, điện, nước tự chảy đã bị hư hỏng xuống cấp nghiêm trọng.

Ông Khuyên cho biết thêm, theo Nghị quyết của Huyện ủy huyện Quế Phong thì mỗi hộ dân đến nơi tái định cư mới sẽ được cấp 400m2 đất ở và 400m2 đất vườn liền kề, theo quy hoạch mỗi hộ sẽ được cấp 200m2 đất ruộng lúa, mỗi hộ 1ha đất trồng rừng cây lâu năm, 2- 3ha đất rừng để bảo vệ và quản lý. Nhưng thực tế, đến nay người dân chưa nhận được một m2 đất nào để sản xuất, gây khó khăn cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

Hiện khu TĐC Piềng Cu chỉ mới đào được 2 giếng nước nhưng vẫn chưa sử dụng được. Người dân đang phải dùng nước từ khe suối bị ô nhiễm trầm trọng.

Bà Lô Kim Liên (80 tuổi) khu TĐC Piềng Cu cho biết: “Trước đây ở bản cũ đất đai tha hồ rộng, hai ông bà tuổi đã cao tuy không đi nương rẫy được cũng còn trồng được luống rau, nuôi được con lợn, con gà quanh nhà. Còn khu TĐC mới nhà san sát nhau không có đất trồng rau, làm chuồng trại. Ngoài ít tiền đền bù dùng để mua thức ăn ra ông bà không làm thêm được gì thu nhập thêm”. Và nữa, "Về khu TĐC mới này theo tôi khó khăn hơn rất nhiều, khu TĐC mới nằm toàn ở khu vực cao thì lấy đâu ra đất đai để sản xuất” - một cư dân mới ở đây khẳng định.

Ngoài việc chưa có đất đai để sản xuất, đến nay người dân vẫn đang chịu cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt. Công trình nước sạch tự chảy đã bị hư hỏng mấy tháng nay, để có nước ăn người dân phải ra suối múc nước về dùng, nguồn điện cũng chập chờn lúc sáng lúc tối. Hơn nữa do bản nằm sát bên suối nên khi mưa xuống đã làm sạt lở đường giao thông trong bản, có chỗ đã vào sát chân móng nhà.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Xuất khẩu nông sản 4 tháng đạt hơn 19 tỷ USD

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, do có sự chuẩn bị, dự báo chính xác nên 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt hơn 19 tỷ USD (tăng hơn 23%).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Điện Biên đưa cửa khẩu thành mũi nhọn phát triển kinh tế

Mường Nhé bây giờ vẫn là một trong những huyện nghèo, chậm phát triển bậc nhất trong cả nước, nhưng người Mường Nhé không thể chấp nhận điều ấy trong 10, 20 năm nữa.