Cụ thể như tại tỉnh Hưng Yên, một số cán bộ địa chính lợi dụng việc làm sổ đỏ cho người dân rồi lấy chính sổ đỏ đó đi thế chấp vay tiền ngân hàng hoặc dùng sổ đỏ chuyển nhượng QSDĐ cho người khác.
Nguyên nhân là hiện vẫn còn hàng chục ngàn GCNQSDĐ đã làm xong nhưng người dân không đến nhận. Chính điều này đã tạo cơ hội cho một số cán bộ, công chức thoái hóa biến chất lợi dụng để trục lợi. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ đề cập đến vấn đề là tại sao người dân không đến nhận GCNQSDĐ?
Chúng ta đều biết rằng để có được GCNQSDĐ người dân phải bỏ ra một số tiền rất lớn để chi phí cả chính thức lẫn không chính thức. Vì thế để có được GCNQSDĐ là “mơ ước” của rất nhiều người. Mặc dù việc cấp GCNQSDĐ nhiều nơi còn rất nhiêu khê, tiêu cực, thậm chí có trường hợp kéo dài cả năm trời nhưng vẫn chưa xong.
Còn lý do người dân “thờ ơ” với GCNQSDĐ là do lệ phí trước bạ, tiền thuế sử dụng đất hiện còn quá cao, vượt quá khả năng của người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn thấp. Do đó, rất nhiều trường hợp người dân không thể lấy GCNQSDĐ là vì không có đủ tiền.
Theo chúng tôi, các cơ quan chức năng cần quan tâm tạo điều kiện cho người dân được lấy GCNQSDĐ, khi mà cơ quan chức năng đã hoàn thành thủ tục và đã ký cấp GCNQSDĐ. Theo đó, cần tiến hành rà soát để sàng lọc những hộ gia đình, cá nhân thật sự khó khăn về kinh tế, không đủ khả năng để đóng tiền thuế sử dụng đất, lệ phí trước bạ, lệ phí cấp GCNQSDĐ... để ghi nợ và cho họ được nhận GCNQSDĐ.
Điều này sẽ hạn chế được tình trạng cán bộ lợi dụng được giao giữ GCNQSDĐ của người dân để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, đây cũng là cách thức tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được nợ thuế sử dụng đất, phí trước bạ trong khi làm thủ tục cấp GCNQSDĐ, đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ.
Như vậy, không những giúp người dân có điều kiện để thực hiện quyền lợi của mình đối với đất đai khi thế chấp, thừa kế, tặng cho, chuyển nhượng, chuyển đổi QSDĐ mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.