| Hotline: 0983.970.780

Tại sao ở miền Bắc có tục cải táng, miền Nam không?

Thứ Năm 23/06/2022 , 08:24 (GMT+7)

Trong chương trình Midnight Talk 20 Nguồn gốc người Việt, một khán giả miền Nam hỏi rằng tại sao ở miền Bắc có tục cải táng mà miền Nam lại không có.

Hình ảnh minh họa một đám tang của một quý tộc vào thế kỉ 17 ở Việt Nam.

Hình ảnh minh họa một đám tang của một quý tộc vào thế kỉ 17 ở Việt Nam.

Các chủ tọa có vẻ cũng bối rối trước câu hỏi này, và có lẽ cũng nhiều người thắc mắc, nay trong phạm vi bài viết này tôi thử lý giải điều đó, với tư cách là một người đã có những trải nghiệm thực tế.

Cải táng hay còn gọi bằng các từ như bốc mộ, bốc mả, cải mả, sang cát, sang tiểu là một tập tục mà sau khi người chết đã ba năm đoạn tang rồi hoặc vài năm nữa, thì con cái sẽ tiến hành cải táng. Cải táng tức là đào huyệt mộ lên, nhặt xương của người chết, bỏ vào tiểu sành hoặc quan quách rồi đem đi chôn chỗ khác.

Giải thích cho lý do tiến hành cải táng, sách Việt Nam phong tục lý giải có bốn cớ như sau. Một là nhà nghèo, khi chôn dùng ván kém chất lượng, đến khi ván hư nát sẽ động tới thi hài. Hai là chỗ chôn đất mối kiến, lũ lụt. Ba là gia đình người sống gặp chuyện không may, thì cũng cải táng bởi có thể do chôn người chết ở chỗ đất xấu. Bốn là gia đình đó muốn cầu công danh phú quý.

Nhìn lại lịch sử, người xưa đã quan tâm tới Đạo gia tiên từ rất sớm, theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, Triệu Đà làm vua ở Nam Việt, nhưng có lần nói với sứ giả nhà Hán rằng mồ mả tôi nay ở Chân Định. Sách An Nam chí lược chép về phong tục người dân thời Trần ở Đại Việt vào thế kỉ 13: “Ngày mồng một tháng mười (lương nguyệt), có trưng bày hào - soạn để cúng ông bà, gọi là cúng "tiến tân" (cơm mới)”.

Sử cũng chép những sự kiện liên quan tới hài cốt người chết, như việc nhà Minh sai đào hài cốt cha Lê Lợi, và ông phải sai người lấy lại; hay việc Nguyễn Ánh phải dùng lễ "chiêu hồn nạp táng” để chôn lại cho cha mẹ mình, một nghi lễ mà do mất đi hài cốt, phải dùng thân cây đẽo lại hình người, gọi hồn người chết nhập vào đó và chôn lại vào phần mộ. Chứng tỏ vào thời cổ người dân đã có những sinh hoạt tín ngưỡng về Đạo gia tiên và hài cốt là một phần quan trọng của tín ngưỡng.

Trở lại với cách giải thích của sách Việt Nam phong tục cũng có lý, tuy nhiên nó không phải là lý do chính để cải táng hay không ở một số cộng đồng người. Ví dụ cộng đồng nơi tôi đang sống, ở Nghệ Tĩnh, nơi có truyền thống dòng họ rất mạnh mẽ với các dòng họ nổi tiếng như họ Hồ ở Quỳnh Lưu, họ Nguyễn Cảnh ở Thanh Chương... Truyền thông dòng họ ở đây về mặt bản chất nghĩa là gì? Nó bắt nguồn từ việc thờ cúng gia tiên đã thành tục lệ tín ngưỡng của mỗi gia đình nên được tôn sùng gọi là Đạo gia tiên, sau đó là sự yêu thương, đùm bọc nhau không chỉ trong gia đình mà còn anh em trong dòng họ. Văn hóa dòng họ có thể nói có hai phần, phần âm và dương, phần dương tức là phần dành cho đời sống, ví dụ như làm việc để sinh kế, còn phần âm là phần dành cho tổ tiên, những người đã khuất trong dòng họ, ví dụ như việc tế tự.

Hiện nay ở Nghệ Tĩnh đa phần mỗi dòng họ đều có nhà thờ lớn nhất gọi là Nhà thờ Đại tôn, trong mỗi họ thì chia ra các chi, mỗi chi đều có nhà thờ riêng gọi là nhà thờ Trung tôn. Mỗi chi đều có một khu đất riêng trong nghĩa địa để chôn người trong chi đó. Nếu người nào chết thì sau hơn 3 năm, người nhà tiến hành bốc mả và đưa lên nghĩa địa chung của chi họ. Ví dụ như dòng họ Đặng Đình của tôi ở xã Thanh Liên, ông tổ vào Thanh Chương lập nghiệp, sinh ra được 6 người con trai, thì thành 6 chi họ, 6 chi đều có nhà thờ Trung tôn riêng, hàng năm có 2 ngày giỗ chung lớn nhất là ngày giỗ ở nhà thờ Đại tôn và ngày giỗ ở nhà thờ Trung tôn.

Hình ảnh mô tả những sinh hoạt và kiến trúc của người dân thời Đông Sơn.

Hình ảnh mô tả những sinh hoạt và kiến trúc của người dân thời Đông Sơn.

Tại sao lại phải tốn các thủ tục khá phức tạp, nhất là vào thời phong kiến chẳng hạn, thứ nhất đó là một tập tục mà về mặt tâm linh nhiều người tin rằng việc chôn chung với nhau như vậy, sẽ mang lại sự vui vẻ, hạnh phúc cho người đã chết, vì họ có thể được ở gần nhau, gồm vợ chồng, anh em, chú bác… tức theo nguyên tắc "dương sao, âm vậy”. Thứ hai, việc chôn ở nghĩa trang chung, đảm bảo rằng phần mộ đó sẽ được thay phiên nhau chăm sóc từ con cháu đời sau. Bởi vì tất cả các thành viên còn sống sẽ phải có trách nhiệm bảo quản và chăm sóc nghĩa trang. Những người không có con trai, gọi là “tuyệt tự”, do có nhà thờ và nghĩa trang chung, sẽ được đảm bảo rằng họ vẫn sẽ được cúng tế ở nhà thờ và mộ phần được chăm sóc chu đáo.

Nguyên tắc đặt mộ là mộ ông bà tổ tiên ở hàng trên cùng, mộ vợ cạnh mộ chồng, “nam tả, nữ hữu”, sau đó là các đời tiếp sau. Những người tự tử không được phép chôn trong nghĩa địa chung. Vì vậy những người còn sống khi lên nghĩa trang sẽ biết mình sẽ được chôn ở thứ tự nào trong đó, biết được vị trí của tổ tiên qua thứ tự, hình thành một nhân cách theo tôn ti trật tự rất đặc biệt. Việc những ai tự tử không được chôn trong nghĩa trang chung cũng là lời răn cho con cháu, phải sống có trách nhiệm, không được phép tự hủy hoại bản thân.

Còn tại sao miền Nam không có tập tục cải táng, có lẽ nó phát xuất từ việc truyền thống dòng họ đã phai tàn khi người dân di cư vào đây. Nhiều gia đình duy trì tục thờ cúng tổ tiên, tuy nhiên đa phần không có nhà thờ chung, gia phả, hay nghĩa trang chung để tế tự như ở ngoài miền Bắc.

Ngoài việc tìm hiểu tập tục văn hóa qua việc cải mả, chúng ta cũng nhận thấy rằng những mặt tốt đẹp của người xưa, khi đặt ra các qui tắc, cách thực hành tín ngưỡng vừa để giữ gìn truyền thống biết nhớ tới người đã khuất, từ người trực tiếp sinh ra mình, tới bậc tổ tiên, vừa không quên nguồn cội, vừa để răn dạy thế hệ sau sống phải có trách nhiệm và có tôn ti trật tự, không chỉ trong gia đình, dòng họ mà còn với cả xã hội.

Đặng Quỳnh Lê

Tư liệu tham khảo:

1. Việt Nam phong tục, Tác giả Phan Kế Bính. Nhà xuất bản Văn học, 2005, trang 37, 38.

2. Việt Nam từ điển, quyển thượng, Nhà sách Khai trí, 1970, trang 156.

3. Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà Xuất bản Thời đại, 2013.

4. Lam Sơn thực lục, Nhà Xuất bản Tân Việt, 1944, Dịch giả Mạc Bảo Thần.

5. Đại Nam nhất thống chí Nhà Xuất bản Thuận Hóa, 2006.

6. https://www.youtube.com/watch?v=srF-aCjZm5w Link về Video với nội dung Nguồn gốc của người Việt, Một góc nhìn phi chính thống, phần 4.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt là chuyên mục mới trên báo Nông nghiệp Việt Nam, được đặt theo tên một cuốn sách của Giáo sư Cao Xuân Hạo, nhà ngữ học và là một trí thức tinh hoa của đất nước.

Tên chuyên mục cũng nói hộ sự kỳ vọng kiến tạo và chấn hưng những giá trị đang bị xô lệch bởi cơn bão thời đại vốn lẫn nhiều gió độc. Ở đây, các nhà nghiên cứu và người Việt nói chung quan tâm đến văn hóa dân tộc sẽ góp tiếng nói sâu sắc, chính trực trong một khát vọng chung nhằm góp phần xây dựng những nền tảng quan yếu cho một xã hội tốt đẹp trong hiện tại và cho tương lai.

Rất mong nhận được sự ủng hộ, chia sẻ và cộng tác của những bậc thức giả cùng bạn đọc yêu mến!

Bài viết cho chuyên mục xin được gửi về Báo Nông nghiệp Việt Nam, 14 Ngô Quyền, Hà Nội. Email: baonnvnts@gmail.com.

Hoặc liên hệ người phụ trách chuyên mục: Ông Tô Đức Huy, Trưởng ban Thư ký Tòa soạn; Điện thoại: 0913.378.918; Email: toduchuy75@gmail.com.

NNVN

 

Xem thêm
5 giải pháp cho vụ hè thu đặc biệt khó khăn ở Nghệ An

Vụ hè thu năm nay của Nghệ An đang đứng trước những khó khăn lớn do thời tiết gây ra, nhất là nắng nóng, hạn hán.

Doveco - Lá cờ đầu trong lĩnh vực chế biến nông sản

Từ thành công của nhà máy tại Ninh Bình và Gia Lai, Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) đã khai trương nhà máy thứ ba tại Sơn La vào tháng 5/2023.

Kênh đào Funan Techo Campuchia và bài học hợp tác khai thác sông Mê Kông

Sự quan ngại về kênh đào Funan Techo thể hiện qua phát biểu của một số chuyên gia tại cuộc họp ở Cần Thơ là cần thiết nhưng cần tránh phóng đại.

Việt Nam dẫn đầu về xuất khẩu gạo vào Singapore

Việt Nam xuất khẩu gạo sang Singapore từ lâu, nhưng luôn đứng sau một số nguồn cung khác. Đầu năm nay, gạo Việt Nam đã chiếm vị trí số 1 tại thị trường này.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm