Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh tại Hội nghị giao ban thúc đẩy tiến độ dự án VnSAT hợp phần lúa gạo, tổ chức sáng nay tại TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Hội nghị do Ban quản lý các dự án nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) tổ chức, với sự tham dự của Ban quản lý dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam – VnSAT, các đơn vị liên quan, lãnh đạo các tỉnh, thành, ngành nông nghiệp địa phương và tổ chức nông dân tham gia dự án tại ĐBSCL.
Dự án được chia thành 2 hợp phần: lúa gạo ĐBSCL và cà phê Tây Nguyên. Hợp phần lúa gạo có 8 tỉnh, thành ĐBSCL tham gia: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và TP Cần Thơ, cố tổng vốn 2.675 tỷ đồng.
Ông Lê Văn Hiến, Trưởng Ban quản lý các dự án nông nghiệp, Giám đốc VnSAT Trung ương, đánh giá: “Đến nay toàn vùng đã có 148.738/150.000 ha lúa ở ĐBSCL áp dụng biện pháp canh tác lúa bền vững, so với mục tiêu cuối cùng của dự án. Diện tích có hợp đồng với doanh nghiệp là 56.554/50.000 ha. Tăng cạnh tranh ngành hàng lúa gạo, với lợi nhuận ròng trên diện tích canh tác của nông dân tham gia dự án tăng lên mức 26,4%, mục tiêu cuối kỳ 30%. Hỗ trợ và củng cố 318 hợp tác xã, tổ chức nông dân, vượt hơn gấp đôi so với mục tiêu (148 HTX). Giảm tác động tiêu cực cho môi trường, giảm khí phát thải nhà kính 1,17/1 triệu tấn/năm”..
Thời gian thực hiện dự án từ năm 2015-2020 và đã được gia hạn đến 6/2022. Ước giải ngân từ đầu dự án đến nay đạt 787 tỷ đồng, vốn giai đoạn gia hạn là 988 tỷ đồng (vốn IDA 784 tỷ).
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, dự án VnSAT đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm lúa gạo của địa phương cũng như ĐBSCL. Qua thời gian triển khai, kết quả đạt được đã có bước tiến rất dài, nông dân được đào tạo bài bản, nâng cao trình độ sản xuất, hợp tác xã được củng cố, tạo chuỗi liên kết, tháo gỡ được nút thắt, tạo điều kiện phát triển sản phẩm lúa gạo, có đầu ra rõ ràng.
Theo đó, dự án đã triển khai nhiều hoạt động nhằm đào tạo, tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng các mô hình, quy trình, công nghệ mới nhằm canh tác lúa bền vững. Khuyến khích, hỗ trợ nông dân liên kết thành lập các tổ chức nông dân và liên kết với doanh nghiệp để ổn định đầu ra sản phẩm, cũng như hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị máy móc phục vụ sản xuất và nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức nông dân…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá cao nhiều kết quả tích cực mà dự án đã đạt được và yêu cầu Ban Quản lý dự án và các cơ quan chuyên môn thuộc bộ, địa phương, đơn vị có liên quan cần tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hỗ trợ người dân dân thực hiện đạt các mục tiêu về phát triển sản xuất lúa gạo bền vững như Dự án VnSAT đã đề ra. Trong đó, chú ý hỗ trợ nông dân nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và giảm chi phí sản xuất thông qua giảm lượng sử dụng giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật…
Đồng thời, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn của dự án, lựa chọn và thực hiện hiệu quả các tiểu dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất để các hợp tác xã và tổ chức nông phát huy hiệu quả hoạt động lâu dài.
Theo Ban quản lý dự án VnSAT trung ương, dự án được triển khai tại 13 tỉnh, thành phía Nam, tổng vốn 301 triệu USD. Trong đó, vốn IDA (vay Ngân hàng Thế giới) 237,2 triệu USD, vốn tư nhân 35 triệu USD và vốn Chính phủ 28 triệu USD.