| Hotline: 0983.970.780

Tăng sức đề kháng cho gà bằng tỏi

Thứ Ba 08/11/2022 , 13:11 (GMT+7)

BÌNH PHƯỚC Nhờ uống nước, ăn thức ăn trộn tỏi cũng như tắm nước tỏi, đàn gà ít bị bệnh dịch, tỷ lệ hao hụt không đáng kể, qua đó giúp nâng cao hiệu quả chăn nuôi.

Đàn gà 15 ngày tuổi của anh Nguyễn Anh Tuấn vừa trải qua giai đoạn úm. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Đàn gà 15 ngày tuổi của anh Nguyễn Anh Tuấn vừa trải qua giai đoạn úm. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Đó là mô hình nuôi gà quy mô hơn 25.000 con của gia đình anh Nguyễn Anh Tuấn, ở ấp 8, xã Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh, Bình Phước.

Với 8 sào đất, anh Tuấn đầu tư 8 dãy chuồng khép kín, nuôi giống gà Minh Dư. Diện tích mỗi chuồng anh Tuấn thiết kế 310m, mật độ thả 100 con/1m2, như vậy, bình quân mỗi chuồng có 3.000 con gà. Ngoài ra, anh còn nuôi thêm 2.000 con gà nòi Bến Tre và 1.000 gà ta thả vườn.

Nói về lý do nôi giống gà Minh Dư, anh Tuấn cho biết, mỗi giống gà đều có ưu, nhược điểm khác nhau bởi nếu giống chỉ toàn nhược điểm chắc chẳng ai nuôi, ngược lại cũng không có giống nào hoàn hảo.

“Mình nuôi giống nào còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác nữa chứ không chỉ dựa vào giống tốt hay xấu. Ví dụ, nuôi gà Minh Dư có thể khép kín trong chuồng vì gà Minh Dư ít vận động hơn gà nòi Bến Tre, thời gian nuôi ngắn, chừng 3 tháng, ăn uống trong máng tự động, nên có thể thả nuôi mật độ dày. Còn gà nòi Bến Tre có nhiều điểm tương đồng với gà ta truyền thống, hiếu động và hiếu chiến, thường đánh nhau, nên muốn nuôi nhiều phải có đất rộng, có không gian cho nó chạy, vận động, chứ chật quá suốt ngày nó mổ nhau, vừa chết vừa trụi lông." Anh Tuấn phân tích.

Anh Tuấn cho biết thêm, người nào nuôi giống nào lâu, hiểu tập tính sinh trưởng giống đó thấy dễ nuôi, người khác không quen lại thấy khó nuôi. Rồi vấn đề thị trường, có thị thường thích gà Minh Dư, có nơi lại thích gà Cao Khanh, gà nòi Bến Tre hay gà Dabaco. Vì thế, không có giống nào hoàn hảo, cũng chẳng có giống nào kém.

Theo anh Tuấn, nuôi theo mô hình khép kín phải có vốn mạnh vì bình quân chi phí làm một chuồng tối thiểu khoảng 250 triệu đồng. Trong khi nuôi gà theo hình thức thả vườn chỉ cần làm chuồng đơn giản, chi phí chỉ bằng khoảng 1/10 so với làm chuồng khép kín.

“Nói thật với anh chứ mưa lớn, gió mạnh là nước tạt vào đến chỗ anh đang ngồi, mặc dù không phải bên trong nhà, nhưng cũng là chỗ sinh hoạt. Còn chuồng gà, mưa gió cỡ nào cũng không tạt vào giọt nào”, anh Tuấn cười, cho biết.

Anh Tuấn cho biết, giai đoạn úm gà con rất quan trọng bởi sẽ ảnh hưởng đến cả quá trình sinh trưởng của con gà sau này. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Anh Tuấn cho biết, giai đoạn úm gà con rất quan trọng bởi sẽ ảnh hưởng đến cả quá trình sinh trưởng của con gà sau này. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Trong số 3 loại gà anh Tuấn nuôi, gà ta có thời gian nuôi lâu nhất, từ 5-6 tháng, nhưng giá cao nhất, bình quân từ 100.000 - 110.000 đồng/kg, gà Minh Dư giá 60.000 đồng/kg, gà nòi Bến Tre 85.000 - 90.000 đồng/kg.

“Tôi nuôi 3 loại vì mỗi loại có ưu điểm riêng của nó, nuôi nhiều loại sẽ khách hàng đa dạng, ít rủi ro hơn. Gà Minh Dư mình nuôi khép kín số lượng lớn còn gà nòi, gà ta đối tượng khách hàng ít hơn nhưng lại có giá cao hơn. Riêng đàn gà ta, chi phí thức ăn không đáng kể vì vườn rộng, nhiều lá, cỏ, côn trùng, nhiều lúc sau một ngày bới đất, thấy nhiều con no lặc lè”, anh Tuấn nói.

Cũng theo anh Tuấn, thời điểm này nuôi gà khép kín nếu không khéo là lỗ. Nguyên nhân, do giá cám tăng thêm 100.000 đồng/bao, trong khi đầu ra sản phẩm vẫn vậy.

"Nếu nuôi không khéo hay để gà dính dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt cao rất dễ hào vốn hoặc lỗ. Tôi nuôi lâu năm, có kinh nghiệm phòng dịch cho đàn gà rồi mình thường xuyên giám sát, thấy triệu chứng lạ là phát hiện sớm và xử lý ngay nên ty lệ hao hụt ít. Ngoài ra, tôi tận dụng thức ăn có sẵn cho gà ăn như bột cám gạo, ngô, nên chi phí cũng giảm”. Anh Tuấn bộc bạch.

Đây là chuồng gà Minh Dư gần 3 tháng tuổi, đạt trọng lượng khoảng 2,5kg, chuẩn bị xuất chuồng được ảnh Tuấn sử dụng tỏi để phòng, chữa bệnh. Ảnh: Hồng Thủy.

Đây là chuồng gà Minh Dư gần 3 tháng tuổi, đạt trọng lượng khoảng 2,5kg, chuẩn bị xuất chuồng được ảnh Tuấn sử dụng tỏi để phòng, chữa bệnh. Ảnh: Hồng Thủy.

Một trong những kinh nghiệm phòng và trị một số loại bệnh phổ biến trên gà như cúm, hen, ve và tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao sức đề kháng cho gà của anh Tuấn là dùng các chế phẩm tỏi.

“Ngoài tiêm vắc xin các loại dịch bệnh nguy hiểm trên gà theo khuyến cáo của ngành thú y, thời gian còn lại tôi chủ yếu sử dụng tỏi để phòng, chữa bệnh cho đến khi xuất chuồng. Đây là kinh nghiệm tôi học từ bố tôi. Hồi còn nhỏ, nhà cũng nuôi vài con gà mái đẻ, mỗi khi thấy con nào đứng một mình, rũ đầu xuống là ông cụ lại giã tỏi, pha nước, đổ cho uống. Rồi cụ xoa nước tỏi lên mũi, cổ gà, thấy nó khoẻ lại rất nhanh. Sau này chăn nuôi gà chuyên nghiệp, tôi mới nhớ lại phương pháp này và áp dụng, thấy hiệu quả." Anh Tuấn tâm sự.

Tuy nhiên, anh Tuấn cho rằng, nuôi số lượng lớn không thể dùng nước tỏi cho từng con uống được mà phải nghiền nhuyễn tỏi rồi pha vào nước uống, trộn vào thức ăn cho gà. Còn trị ve, mạt trên gà anh Tuấn pha nước tỏi xịt chung lên toàn bộ đàn gà và xịt cả quanh chuồng.

Nhưng nói vậy không phải cứ cho tỏi vào nước, vào thức ăn là xong mà phải cho ăn đúng liều lượng, chứ nếu cho anh nhiều quá lại phản tác dụng. Ví dụ, định lượng tỏi bằng khoảng 0,3% thức ăn, nhưng 1 tuần chỉ cho ăn khoảng 2 lần. Hoặc nước uống mỗi lít nước chỉ pha vào 1 tép tỏi xay nhuyễn. Lâu nay anh Tuấn cũng ít khi phải nhờ đến bên thú y nhờ anh áp dụng các kỹ thuật, kinh nghiệm này chăm sóc cho đàn gà.

“Ở Lộc Thuận, anh Nguyễn Anh Tuấn là một trong những người đầu tư mô hình chăn nuôi quy mô lớn nhất. Cái hay nữa là anh Tuấn biết mấy bài thuốc trị bệnh cho gà rất hay nên gà anh ít khi bệnh, tỷ lệ hao hụt không đáng kể. Nhiều người trong xã đã đến trang trại của anh tham quan, học hỏi”, anh Phan Quốc Oai, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Thuận chia sẻ.

Xem thêm
Ngành chăn nuôi vẫn canh cánh nỗi lo 'xuất khẩu'

HÀ NỘI Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đang canh cánh việc chưa thể xuất khẩu được nhiều sản phẩm.

Phòng trừ sâu đục lá cà chua Nam Mỹ

SƠN LA Thiệt hại do sâu đục lá cà chua Nam Mỹ gây ra có thể lên tới 80 - 100% nếu không có các biện pháp quản lý hiệu quả.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...