| Hotline: 0983.970.780

Tạo sự thông thoáng cho nhập khẩu nguyên liệu

Thứ Năm 14/11/2019 , 08:56 (GMT+7)

Năm nay, trong khi xuất khẩu tôm, cá tra giảm, thì xuất khẩu hải sản vẫn tăng trưởng ổn định.

07-47-23_bi_ton_nguyen_lieu_hi_sn_-_nh_2
Hải sản về cảng cá Vàm Láng (Tiền Giang).

Tuy nhiên, để xuất khẩu hải sản tiếp tục phát triển ổn định và bền vững, cần ổn định ngay nguồn nguyên liệu, cả từ khai thác lẫn nhập khẩu.
 

Nhập khẩu nguyên liệu ngày càng tăng

Nỗi lo lớn nhất của các doanh nghiệp chế biến hản sản xuất khẩu là tình trạng thiếu hụt nguyên liệu. Theo ông Trần Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Baseafood (Bà Rịa – Vũng Tàu), sản lượng hải sản ngày càng cạn kiệt. Trước đây, công ty chỉ cần thu mua trên địa bàn và một số địa phương lân cận là đủ nguyên liệu chế biến.

Bây giờ, công ty phải tổ chức thu gom hải sản nguyên liệu từ những nơi xa như Khánh Hòa, Cà Mau… Đã thế, chất lượng hải sản không được như trước.

Chẳng hạn, kích cỡ hải sản ngày càng giảm, không đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu. Bởi vậy, nếu như trước đây, có tới 50-60% lượng hải sản khai thác ở Bà Rịa – Vũng Tàu đáp ứng được tiêu chuẩn chế biến xuất khẩu, thì hiện nay chỉ còn khoảng 30%. Chính vì vậy, việc đảm bảo đủ nguyên liệu đạt chất lượng chế biến xuất khẩu là rất nan giải.

Theo thông tin từ một số doanh nhân ngành hải sản, do hải sản bị cạn kiệt, thời gian đi biển của các tàu đánh bắt cá xa bờ ngày càng phải kéo dài hơn. Trước đây, tàu đánh cá chỉ đi khoảng 1 tháng là quay về đất liền, giờ phải mất tới 2 tháng. Thời gian đi biển bị kéo dài gấp 2 lần, cũng khiến cho chất lượng hải sản nguyên liệu kém hơn trước.

Tại Hội nghị thường niên 2019 của VASEP, bà Cao Thị Kim Lan, TGĐ Công ty CP Thủy sản Bình Định (Bidifisco), chia sẻ, tình trạng thiếu nguyên liệu hải sản để chế biến xuất khẩu ngày càng gay gắt.

Riêng cá ngừ đại dương từ khai thác đang thiếu tới 60-70% so với nhu cầu chế biến xuất khẩu. Thời gian căng thẳng nhất là từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm, cá ngừ nguyên liệu từ đánh bắt hầu như không có, phải phụ thuộc gần như hoàn toàn vào cá ngừ nguyên liệu nhập khẩu.

Tình trạng thiếu hụt hải sản từ khai thác dẫn đến việc phải nhập khẩu hải sản nguyên liệu ngày càng nhiều. Ở Bà Rịa – Vũng Tàu, có doanh nghiệp hải sản, mấy năm trước nguyên liệu từ khai thác chiếm 30%, 70% từ nhập khẩu. Đến nay đã phải nhập khẩu 100%.

Theo VASEP, có tới 65-70% giá trị xuất khẩu cá ngừ và cá biển khác đến từ nguyên liệu nhập khẩu. Mà đây lại là 2 mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn. 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá ngừ ước đạt 618 triệu USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu cá các loại khác (trừ cá ngừ, cá tra) ước đạt 1,38 tỷ USD, tăng 17,4%.

Điều đáng chú ý là trong khi xuất khẩu thủy sản năm nay giảm nhẹ, thì nhập khẩu thủy sản tiếp tục gia tăng. 9 tháng đầu năm nay, nhập khẩu thủy sản đã đạt 1,32 tỷ USD, tăng 4,78% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, trên 90% lượng thủy sản nhập khẩu hàng năm là dạng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất xuất khẩu (SXXK) của doanh nghiệp trong nước hay gia công xuất khẩu (GCXK) cho doanh nghiệp nước ngoài.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, nhập khẩu nguyên liệu thủy sản để chế biến xuất khẩu là xu hướng tất yếu của ngành thủy sản.

Trong nhiều năm qua, nguồn nguyên liệu thủy sản trong nước cho chế biến xuất khẩu thiếu hụt so với nhu cầu đặt hàng của thế giới.

Do đó, việc nhập khẩu nguyên liệu để SXXK và GCXK là sự bù đắp cần thiết và quan trọng cho kim ngạch xuất khẩu thủy sản, củng cố năng lực cạnh tranh, uy tín doanh nghiệp và vị thế của ngành chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

Mặt khác, nhập khẩu hải sản nguyên liệu để chế biến xuất khẩu và gia công xuất khẩu, cũng là một giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị xuất khẩu hải sản nói riêng, thủy sản nói chung.

Theo tính toán của VASEP, trong 5 năm gần đây, thủy sản xuất khẩu được chế biến từ nguyên liệu nhập khẩu chiếm từ 24-30% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Qua đó, góp phần không nhỏ đưa Việt Nam lên vị trí thứ 3 trong số những nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới.
 

Giải bài toán nguyên liệu

Trước hết, để giải quyết bài toán nguyên liệu từ hoạt động khai thác trong bối cảnh Việt Nam đang bị thẻ vàng IUU, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch VASEP, cho rằng, Chính phủ nên cho xây dựng chợ đấu giá hải sản nguyên liệu.

Việc hình thành chợ đấu giá là nhằm giải quyết nút thắt cổ chai của ngành vì có một thực tế là hầu hết nguyên liệu hải sản thu mua qua nậu vựa thường không được làm giấy chứng nhận khai thác, xác nhận khai thác.

Bên cạnh đó, cần quan tâm, đẩy mạnh nuôi biển, dựa vào công nghệ cao cấp như của Na Uy, Đan Mạch…, để phát triển nguồn nguyên liệu cho ngành hải sản.

Về phía doanh nghiệp hải sản, cần phải chủ động liên kết với ngư dân hình thành chuỗi sản xuất để bảo đảm chất lượng hải sản sau khai thác, qua đó nâng cao được giá trị sản phẩm.

07-47-23_bi_ton_nguyen_lieu_hi_sn_-_nh_1
Cá ngừ khai thác chỉ đáp ứng 30-40% nhu cầu chế biến xuất khẩu.

Theo bà Cao Thị Kim Lan, nhà nước nên quy hoạch lại đội tàu đánh bắt xa bờ, vì thực tế hiện nay, số tàu đánh bắt hiệu quả chỉ chiếm 30-40%, còn lại bị thua lỗ hoặc phải nằm bờ. Đồng thời, cần nâng cấp các cảng cá để có nhiều hơn số cảng cá đạt chuẩn, thực hiện các thủ tục xác nhận, chứng nhận tốt hơn đối với hải sản khai thác. Tiếp đó là tiến tới việc lập các chợ đấu giá hải sản.

Tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc nhập khẩu thủy sản nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu cũng là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Theo ông Trần Văn Dũng, các bộ, ngành, cơ quan quản lý có liên quan, cần giải quyết linh hoạt cho doanh nghiệp các vấn đề về thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như việc kiểm tra nguyên liệu nhập khẩu tại cảng, qua đó, tránh làm tăng chi phí và mất thời gian của doanh nghiệp.

Ông Trương Đình Hòe cho rằng, việc cải thiện tình hình sản xuất nguyên liệu theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng không phải là công việc có thể giải quyết trong một thời gian ngắn. Do đó, việc nhập khẩu nguyên liệu để SXXK và GCXK cần được đánh giá như một đề án để khắc phục những khó khăn về nguồn cung thủy sản, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu thủy sản, đem lại lợi ích cho người lao động, ngành thủy sản và lợi ích quốc gia.

Chính vì vậy, dù Bộ NN-PTNT đã có những điều chỉnh, sửa đổi để Thông tư 36/2018/TT-BNNPTNT về kiểm dịch thủy sản nhập khẩu sửa đổi, bổ sung một số điều của TT26/2016, để phù hợp hơn với thực tế, nhưng cộng đồng doanh nghiệp thủy sản vẫn đề xuất, kiến nghị với Bộ NN-PTNT đánh giá, xem xét thêm để một số quy định trong Thông tư 36/2018 tiếp tục được sửa đổi theo hướng tạo thêm lợi thế cho ngành hàng thủy sản.

Ông Hòe khẳng định, với công nghệ chế biến tốt, công suất lớn và lực lượng lao động có tay nghề cao, chúng ta nên tạo điều kiện khích lệ cho các doanh nghiệp tận dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu trong nước và linh hoạt trong việc sử dụng nguồn nhập khẩu để SXXK và GCXK.

Với các doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thu Sắc đề nghị nên quan tâm nhiều hơn tới việc nhập khẩu hải sản nguyên liệu hợp pháp. Đồng thời đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh chế biến sản phẩm giá trị gia tăng, chất lượng cao.

10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hải sản ước đạt 2,68 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu cá ngừ đạt 618 triệu USD, tăng 14%; mực, bạch tuộc đạt 480 triệu USD, giảm 11%; các loại cá biển khác đạt 1,38 tỷ USD, tăng 17%; cua, ghẹ và giáp xác khác đạt 120,624 triệu USD, tăng 14,3%; nhuyễn thể 2 mảnh vỏ đạt 78,369 triệu USD, tăng 6,5%…

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Cùng ngư dân Trà Vinh thắp sáng đèn trên biển

Trà Vinh Những suất quà tặng bà con ngư dân gồm bình ắc quy, đèn led, combo pin, túi thuốc, cuốn cẩm nang nhằm hỗ trợ, động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển