Mới đây, PV có nhận được phản ánh của một số hộ dân ở khu Tân Lập 1, phường Phương Đông, TP Uông Bí (Quảng Ninh), phản ánh muốn xin giấy phép xây dựng để xây nhà mới nhưng đến hành chính công TP họ bảo có dự án Tập đoàn FLC nên không cấp giấy phép xây dựng. Bây giờ có muốn xây sau này sẽ không đươc bồi thường nhà.
Tập đoàn FLC mới chỉ đang nghiên cứu
Theo tìm hiểu, tháng 07/2018, Tập đoàn FLC có đề xuất ý tưởng xây dựng sân golf kết hợp khu nghỉ dưỡng tại khu vực hồ Yên Trung tại khu vực hồ Yên Trung, TP Uông Bí.
Tháng 10/2019, TP Uông Bí tổ chức Hội nghị lấy ý kiến quy hoạch tổ hợp nghỉ dưỡng vui chơi, giải trí, đô thị cao cấp khu vực Hồ Yên Trung. Tham gia có Lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị thành phố, UBND phường Phương Đông, đại diện đơn vị lập quy hoạch (Công ty S-Design), Công ty cổ phần Tập đoàn FLC; Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập, đại diện các khu Tân Lập 2, Dốc Đỏ, Cửa Ngăn và các hộ dân liên quan.
Dự kiến sơ bộ cơ cấu chức năng của dự án gồm 2 khu: khu đô thị và khu nghỉ dưỡng. Trong đó, khu đô thị gồm: khu nhà ở; khu trung tâm mua sắm, dịch vụ thương mại; khu nhà ở xã hội; khu tái định cư tại chỗ; khu nhà ở hiện trạng; khu công cộng, trường học; khu cây xanh công viên, mặt nước; đầu mối hạ tầng kỹ thuật (bãi đỗ xe, cấp điện, xử lý rác và môi trường, cấp nước sạch, thông tin liên lạc…).
Khu nghỉ dưỡng gồm: khu khách sạn, khu công viên chuyên đề, khu resort, sân golf, khu tưởng niệm doanh nhân Bạch Thái Bưởi, khu hồ cảnh quan, khu cắm trại trải nghiệm và vườn chim.
Tuy nhiên, từ thời gian đó đến nay không thấy có thông tin, diễn biến mới về dự án FLC tại Hồ Yên Trung.
Chiều 28/4, trao đổi với PV Báo Nông nghiệp Việt Nam, đại diện Tập đoàn FLC cho biết, dự án xây dựng sân golf kết hợp khu nghỉ dưỡng tại khu vực hồ Yên Trung chỉ đang trong giai đoạn thực hiện nghiên cứu quy hoạch, tìm hiểu, chưa có phê duyệt chủ trương đầu tư.
"Nếu có chủ trương đầu tư thì Tập đoàn sẽ công bố ngay", vị cán bộ của tập đoàn FLC khẳng định.
Liên quan đến dự án này, một cán bộ của TP Uông Bí quả quyết là FLC chưa có đầu tư gì vào TP. "Tới đây tỉnh còn thu hồi chủ trương nghiên cứu quy hoạch của FLC tại Hồ Yên Trung. Hiện TP đang chờ thông báo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc này", vị cán bộ cho hay, đồng thời nói rằng: "Những gia đình có đất phù hợp với quy hoạch phải cho xây dựng bình thường. Nhưng muốn biết được gia đình nào trong quy hoạch hay ngoài quy hoạch phải xem xét cụ thể từng trường hợp".
Dự án FLC Yên Thanh cũng mới chỉ trên giấy
Ngoài dự án Hồ Yên Trung, tại TP Uông Bí còn một dự án nữa mà FLC cũng nghiên cứu đầu tư là Khu đô thị Yên Thanh, tại phường Yên Thanh, Uông Bí.
Tuy dự án mới chỉ trong quá trình nghiên cứu nhưng nhiều môi giới bất động sản đã quảng cáo rầm rộ là sắp công bố quy hoạch 1/500 để "mồi chài" người mua.
Trao đổi với PV về dự án FLC Yên Thanh, đại diện Tập đoàn FLC cho biết dự án cũng đưa vào diện quy hoạch nhưng còn phải qua đấu giá, chưa thể quyết định được chủ đầu tư là ai.
Hiện trên địa bàn TP Uông Bí có nhiều dự án phân lô, bán nền rao bán khá rầm rộ, được các môi giới quảng cáo có khả năng sinh lời cao. Tuy nhiên, theo nhận định của giới am hiểu về bất động sản, nếu Uông Bí không có những dự án mới được triển khai, chưa có những sức hút khác biệt để khuyến khích di dân đến địa phương một cách cơ học thì đất đai rất khó tăng giá.
Trên thực tế, đã có rất nhiều bài học cho các nhà đầu tư vì mải mê chạy theo cơn sốt đất ảo mà "tiền mất, tật mang", nhất là đối với các nhà đầu tư mua đất bằng cách huy động nhiều nguồn vốn vay, trong đó có cả vay nặng lãi.
Nhiều địa phương của tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan và cảnh báo người dân trước tình trạng "sốt đất ảo" trên địa bàn thời gian gần đây. Trong đó nêu rõ, trên địa bàn đã có một số người môi giới đầu tư bất động sản đến thực hiện việc giao dịch mua, bán đất, trong đó có việc tách một thửa đất trong khu dân cư làm nhiều thửa; tự đăng các thông tin quảng cáo là có dự án quy hoạch đất dân cư tại một số khu vực đất trồng cây lâu năm…, nhưng trên thực tế không có dự án nào được phê duyệt tại vị trí đất đó. Hoạt động này của các nhóm đầu tư có tổ chức, làm kịch bản trước, mua đất với giá rẻ, sau đó lợi dụng các thông tin được công khai về quy hoạch, phát triển đô thị để tung các tin gây "sốt", đẩy giá đất tăng cao trong một thời gian ngắn nhằm tạo “sóng ảo”. Đây thực chất là hoạt động mua đi, bán lại với nhau trong chính các nhóm môi giới đang thao túng thị trường nhằm dụ khách hàng lao vào đầu tư.