Những tàu hậu cần vỏ thép 67 đang phơi mưa phơi nắng tại Cảng cá Đề Gi. Ảnh: Đăng Lâm. |
Các chủ tàu bấu víu vào hy vọng cuối cùng là cải hoán tàu để chuyển đổi nghề, đi đánh bắt thủy sản kiếm triền trả nợ. Thế nhưng hy vọng này hiện cũng đã tắt ngấm!
Từ tỷ phú trở thành trắng tay
Cảng cá Đề Gi nằm trên địa bàn xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định) vốn đã chẳng rộng rãi gì, giờ càng thêm chật chội khi 3 chiếc tàu vỏ thép to đùng nằm chình ình trong cảng, choán nhiều diện tích mặt nước suốt thời gian dài vừa qua. Hỏi ra thì biết, đó là những tàu hậu cần vỏ thép đóng theo Nghị định 67 hoạt động không hiệu quả đang “nằm vạ” tại cảng.
Một trong 3 chủ tàu hậu cần vỏ thép 67 nói trên là ngư dân Đỗ Công Quý ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định). Trước khi làm chủ tàu hậu cần vỏ thép mang số hiệu BĐ 99888 TS có công suất 980CV, anh Quý là ông chủ vựa thủy sản khét tiếng tại Cảng cá Đề Gi. Là người từ lâu đã gắn bó với ngành thủy sản, nhận thấy phong trào đóng tàu cá vỏ thép theo Nghị định 67 của Chính phủ đang “nổi đình nổi đám”, lòng anh không cưỡng lại được xu thế làm ăn mới.
Anh Quý nghĩ: “Bình Định có đội tàu đánh bắt xa bờ hơn 3.000 chiếc, với phương thức khai thác truyền thống xưa nay là chạy tàu ra khơi đánh bắt, xong chạy về bờ bán sản phẩm, đã vừa mất thời gian, vừa tốn nhiên liệu, nếu mình đóng tàu hậu cần nghề cá phục vụ cho những tàu khai thác xa bờ có khi ăn nên làm ra”.
Thế là vào đầu năm 2017, ngư dân Quý đóng mới tàu hậu cần nghề cá vỏ thép mang số hiệu BĐ 99888 TS có giá trị 14,6 tỷ đồng nhằm mục đích ra tận biển xa thu mua sản phẩm của các tàu cá đánh bắt xa bờ.
Thế nhưng chỉ sau vài chuyến biển, chuyện làm ăn của ngư dân Quý không như kỳ vọng, thua lỗ dài dài, từ tháng 8 năm ngoái đến nay tàu liên tục nằm “đắp chiếu” tại Cảng cá Đề Gi. Dãi dầm mưa nắng, hiện nhiều hạng mục trên con tàu của ngư dân Quý đã gỉ sét, hư hỏng.
“Lúc đóng tàu hậu cần vỏ thép, tôi không lường được là khi ra khơi tàu vỏ thép không thể tiếp cận với tàu vỏ gỗ để thu mua sản phẩm. Trong khi đó, trong hơn 3.000 tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Bình Định hầu hết là tàu vỏ gỗ. Thực tế này đã khiến tôi choáng váng vì nghĩ vậy là mình đã thua rồi.
Thêm vào đó, các tàu cá vỏ thép thì lại không muốn bán sản phẩm cho tàu hậu cần, bởi họ đã có chủ nậu bạn hàng. Vậy là các tàu vỏ thép hậu cần cứ ra khơi là chạy về tàu trống, hao tốn nhiên liệu mà chẳng mua được gì. Khoản lỗ chuyến này chồng chất chuyến nọ, tôi đành cho tàu nằm bờ từ tháng 8 năm ngoái đến nay”, ngư dân Quý nói như khóc.
Ngư dân Đỗ Công Quý (bìa phải) trần tình về thảm cảnh của mình. Ảnh: Đăng Lâm. |
Ngoài ngư dân Quý, còn có 2 chủ tàu hậu cần vỏ thép nữa cũng lâm cảnh tương tự là Nguyễn Đức Hưng ở thôn An Quang Tây, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định) chủ tàu 99479 TS và anh Lê Văn My ở cùng địa phương, chủ tàu BĐ 99569 TS. Riêng ngư dân Lê Văn My vì không còn chịu nổi áp lực nợ nần phải bỏ mặc con tàu hậu cần, hiện đi bạn cho những tàu cá khác kiếm kế sinh nhai.
“Đứt gánh” chuyển nghề
Trước thực trạng trên, những con tàu hậu cần vỏ thép nói trên chỉ còn mỗi một hướng sinh tồn là cải hoán tàu, chuyển đổi nghề, đi đánh bắt để kiếm tiền giải quyết nợ nần. Tuy nhiên, con đường sinh tồn duy nhất này cũng bị tắt.
Theo Sở NN-PTNT Bình Định, tỉnh này được Bộ NN-PTNT phân bổ chỉ tiêu 305 tàu đóng mới theo NĐ 67, trong đó có 25 tàu hậu cần, nhưng đến nay mới chỉ đóng được 3 chiếc. Đối với 3 tàu hậu cần đang hoạt động không hiệu quả, bây giờ muốn chuyển đổi sang ngành nghề khác bắt buộc phải được ngân hàng đồng ý tạo điều kiện, đơn vị chức năng thì không thể can thiệp.
“Bao nhiêu vốn liếng gia đình làm ăn tích góp được hàng chục năm qua con tàu hậu cần vỏ thép đã “ăn” hết. Bởi khi đóng mới tàu hậu cần vỏ thép theo Nghị định 67, ngoài tiền vay ngân hàng, tôi phải góp vốn đối ứng cả tỷ đồng. Tàu đóng xong không làm ăn gì được, lại liên tiếp thua lỗ nhiều chuyến biển, nằm bờ hơn 1 năm nay, gia đình tôi thật sự kiệt quệ. Giờ muốn có tiền cải hoán tàu, chuyển đổi nghề chỉ còn trông chờ vào ngân hàng tiếp tục cho vay ưu đãi”, ngư dân Đỗ Công Quý trần tình.
Theo ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, mong muốn của các chủ tàu hậu cần nghề cá hiện nay là được chuyển đổi từ tàu hậu cần sang làm nghề mành chụp. Tuy nhiên, việc này rất khó thực hiện, bởi sẽ phải tốn chi phí rất lớn. Theo tính toán của các ngư dân thì hiện muốn chuyển sang nghề mành chụp, mỗi chủ tàu hậu cần phải mất thêm chi phí khoảng 5 tỷ đồng.
Hiện ngư dân Đỗ Công Quý đã xoay sở được 1/3 số kinh phí để chuyển đổi nghề, số còn lại anh Quý cần vay vốn từ ngân hàng nhưng ngân hàng lại không chấp nhận. Cũng chính vì lý do ấy mà số phận của những con tàu hậu cần vỏ thép có giá trị từ 15 đến 18 tỷ đồng của ngư dân Bình Định đang “đáp chiếu” tại Cảng cá Đề Gi tiếp tục mặc cho nắng mưa làm hư hỏng.
Nhiều hạng mục trên tàu hậu cần vỏ thép của anh Quý đã gỉ sét, hư hỏng. Ảnh: Đăng Lâm. |
“Hiện 3 chủ tàu hậu cần vỏ thép đều thống nhất phương án chuyển đổi nghề. Cả 3 chủ tàu đã đề nghị ngân hàng tiếp tục cho vay ưu đãi để cải hoán con tàu, nhưng phía ngân hàng cho rằng không có chính sách, nếu họ muốn vay thì phải vay thương mại và phải có tài sản thế chấp. Bây giờ rất khó để tạo điều kiện hỗ trợ cho các tàu chuyển đổi nghề, bởi trước đó 3 chủ tàu này tự nguyện xin đóng tàu vỏ thép làm dịch vụ hậu cần. Hiện chỉ còn trông chờ vào nghị định bổ sung của Chính phủ mới mong có những chính sách để gỡ rối cho các ngư dân”, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định. |