Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân cũng đã giao Văn phòng UBND tỉnh kiểm tra lại thông tin về giấy phép thăm dò khoáng sản vật liệu san lấp của Công ty TNHH một thành viên Khánh Nhân Tây Ninh và Công ty TNHH một thành viên Thuận Anh Đạt và giấy phép khai thác khoáng sản đất san lấp của Công ty TNHH Đồng Thuận Hà có phải là đất trồng lúa hay không, báo cáo lại lãnh đạo UBND tỉnh xem xét, xử lý.
UBND tỉnh chỉ đạo trả hồ sơ cho các sở, ngành đã trình trường hợp của ông Phạm Văn Thơm tại ấp Hòa Hợp, xã Hòa Thạnh, huyện Châu Thành, xin hạ cấp mặt bằng đất ruộng để sản xuất nông nghiệp, kết hợp tận thu đất dôi dư và chủ trương thực hiện dự án nuôi trồng thủy sản của nhà đầu tư Ngô Thành Được, để chờ kết quả rà soát.
Ông Bùi Công Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tây Ninh cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 7 dự án nuôi trồng thủy sản đã được cấp phép với diện tích đất sử dụng gần 60 ha và một số dự án đã và đang xin đào ao nuôi cá, hạ cấp đất ruộng, tận dụng đất dôi dư. Bên cạnh mặt tích cực của các dự án kể trên là giải quyết được nguồn lao động, tăng thu nhập cho người dân, cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng... cũng phát sinh nhiều mặt tiêu cực khác là sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, một số chủ đầu tư đã lợi dụng khai thác vượt diện tích, vượt độ sâu và khối lượng đất cho phép, gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Một số dự án dưới danh nghĩa là đào ao nuôi trồng thủy sản, hạ cấp đất ruộng để sản xuất nông nghiệp, nhưng thực chất là đem đất dôi dư đi bán để thu lợi. Mới đây, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Tây Ninh đã phát hiện và đề nghị UBND tỉnh Tây Ninh xử lý vi phạm hành chính Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Bảo Phúc tại ấp Phước Trung, xã Long Phước, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, về hành vi lén lút đem đất "dôi dư" từ dự án nuôi trồng thủy sản bán ra ngoài.