| Hotline: 0983.970.780

Thách thức trong xây dựng vùng an toàn dịch bệnh ở Tây Nguyên [Bài 5]: An toàn dịch bệnh nhìn từ doanh nghiệp

Thứ Sáu 02/06/2023 , 15:04 (GMT+7)

Xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh đang là quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp để ngành chăn nuôi phát triển bền vững và hướng tới xuất khẩu.

Các trang trại chăn nuôi lớn luôn có quy trình chuẩn về an toàn dịch bệnh. Ảnh: Minh Quý.

Các trang trại chăn nuôi lớn luôn có quy trình chuẩn về an toàn dịch bệnh. Ảnh: Minh Quý.

Xây dựng quy trình an toàn sinh học đồng bộ

Thời gian qua, với sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự đồng thuận của người chăn nuôi, công tác xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên có những chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, do chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ vẫn còn đan xen với cơ sở chăn nuôi tập trung, nhất là vùng sâu vùng xa nên việc theo dõi, giám sát lưu hành vi khuẩn virus gặp nhiều khó khăn trong khâu kiểm soát. 

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam - Chi nhánh Gia Lai cho biết, trên địa bàn Gia Lai Công ty đang thực hiện liên kết gia công xây dựng chuồng trại đảm bảo an toàn dịch bệnh cho trên 70 hộ dân với quy mô khoảng 1.000 con heo/chuồng trại. Ngoài ra, Công ty đã xây dựng 4 trang trại tập trung quy mô lớn với khoảng trên 12.000 con heo/trang trại.

Đề cập việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, ông Minh cho biết, với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành chăn nuôi ở Thái Lan và Việt Nam, các chuyên gia, kỹ sư luôn quan tâm đặc biệt đến các chứng bệnh thường xuyên xuất hiện trên đàn heo, như dịch tả lợn Châu Phi, tai xanh... Theo đó, đội ngũ chuyên gia đã nghiên cứu các loại virus gây bệnh xâm nhập vào heo để xây dựng các phương pháp phòng, chống hiệu quả.

Hệ thống lưới màng bao quanh chuồng trại không cho bất cứ sinh vật gây hại nào có thể tiếp cận. Ảnh: Tuấn Anh. 

Hệ thống lưới màng bao quanh chuồng trại không cho bất cứ sinh vật gây hại nào có thể tiếp cận. Ảnh: Tuấn Anh. 

Tại Gia Lai, nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh, trong quá trình xây dựng chuồng trại, Công ty sẽ tập hợp nhiều bộ phận chuyên môn để đưa ra quy trình an toàn sinh học chuẩn cho các hộ dân thực hiện.

“Ngoài việc xây dựng chuồng trại khép kín, con heo nhập về được thực hiện nuôi cách ly kiểm dịch và tiêm phòng vacxin bắt buộc theo quy định của Luật Thú y. Sau đó, đàn heo được đưa về chuồng nuôi vỗ béo, tiếp tục theo dõi trong suốt quá trình tăng trưởng”, ông Minh cho biết.

Theo ông Minh, trong quá trình nuôi, công tác phòng bệnh là quan trọng nhất. Theo đó, heo được cách ly nghiêm ngặt. Ngay cổng ra vào chuồng trại, đơn vị tiến hành xây dựng các hố vôi khử trùng (đảm bảo độ pH trên 12) dài khoảng 15m, bất cứ phương tiện ra vào nào cũng được cách ly, sát trùng cẩn thận.

Tiến sâu vào bên trong, Công ty cho lắp đặt hệ thống lưới màng bọc quanh các chuồng trại để đảm bảo không có bất cứ sinh vật, côn trùng gây hại nào có thể xâm nhập vào đàn heo.

Đối với con người, muốn vào chuồng trại cũng phải thực thiện tắm rửa sát trùng và cách ly tối thiếu 30 phút đối với chuồng trại nhỏ để đảm bảo virus nếu có cũng không thể gây hại. Với các trang trại lớn, muốn vào bên trong phải thực hiện cách ly trong vòng 2 ngày nhằm đảm bảo tuyệt đối sự xâm nhậm của virus.

Trong công tác vệ sinh chuồng trại, trung bình 1 tuần thực hiện ít nhất 2 lần phun thuốc khử trùng tổng thể trong và ngoài chuồng trại. Trong trường hợp áp lực dịch bệnh cao, ngày nào cũng phải thực hiện phun thuốc sát khử trùng.

Ngoài ra, chuồng trại cắt cử công nhân chăn nuôi, nhân viên thú y theo dõi và chăm sóc đàn heo, thực hiện vệ sinh tiêu độc máng ăn, máng uống và dụng cụ chăn nuôi theo quy trình vệ sinh tiêu độc.

“Ngoài việc xây dựng quy trình an toàn sinh học chuẩn, Công ty cũng thường xuyên tương tác hỗ trợ các hộ dân cách chăm sóc, vệ sinh sát trùng trên đàn heo. Lắp đặt hệ thống camera theo dõi thường xuyên phòng những bất trắc không mong muốn”, ông Minh chia sẻ.

Cũng theo ông Minh, trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục mở rộng việc gia công chuồng trại cho các hộ dân, tăng khoảng 5-10%/năm. Theo đó, các hộ dân muốn liên kết với Công ty bắt buộc phải xây dựng quy trình an toàn sinh học theo quy trình đưa ra.

Đảm bảo an toàn dịch bệnh là bảo vệ chính mình

Tại Đắk Lắk, Công ty Cổ phần Tập đoàn Ricky Farms đang vận hành nuôi 14.000 con heo thịt tại huyện Buôn Đôn. Còn tại huyện Ea Súp, doanh nghiệp cũng đang xây dựng 10 dự án với kinh phí hơn 1.700 tỷ đồng. Đây là một trong những đơn vị nuôi heo lớn của tỉnh Đắk Lắk.

Các trang trại lớn, heo được chăm sóc bằng các công nghệ hiện đại, tự động. Ảnh: Minh Quý.

Các trang trại lớn, heo được chăm sóc bằng các công nghệ hiện đại, tự động. Ảnh: Minh Quý.

Theo ông Hoàng Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Ricky Farms, trang trại được đầu tư theo mô hình lạnh, kép kín, hiện đại nhất bây giờ. Tất cả các trang trại heo của Công ty có nhiều ưu điểm nổi bật.

Thứ nhất, theo nguyên tắc, cự ly vành đai an toàn sinh học cách trại chăn nuôi khác 50m, cách khu di tích lịch sử, nguồn nước, khu dân cư, chợ 500m. Tuy nhiên, đơn vị chọn khu vực xây dựng trang trại cách những điểm trên 7km. Do đó, vành đai an toàn sinh học của doanh nghiệp rất cao.

Ngoài ra, trang trại cách đường giao thông gần nhất là 2km, nằm giữa thung lũng trống, thấp hơn mặt đường. Do đó, khả năng gây tác động cho dân cư, ảnh hưởng đến môi trường rất thấp.

“Trại xây dựng như vậy nên công tác phòng, chống dịch bệnh được chú trọng. Đây là tài sản của doanh nghiệp nên điều đầu tiên doanh nghiệp đặt ra là phải phòng, chống được dịch bệnh. Nếu không, doanh nghiệp là đơn vị chịu thiệt hại đầu tiên”, ông Tùng chia sẻ.

Theo ông Tùng, công tác phòng dịch quan trọng nhất hiện nay là phòng dịch trong dân, do trang trại của doanh nghiệp tiêm phòng thường xuyên, người lạ muốn vào trại phải cách ly 3 ngày, phun các thuốc sát trùng, đồ đạc đều phải xử lý kỹ.

Toàn bộ trang trại của doanh nghiệp thuộc quy mô lớn được cấp chủ trương đầu tư bởi UBND cấp tỉnh. Các trang trại áp dụng mô hình chuồng lạnh, khép kín từ con giống tới thức ăn, xung quanh trang trại xây dựng tường rào cao hơn 2m, có hàng cây để cách ly. Cự ly sinh học đáp ứng theo tiêu chí theo thông tư 23/2019 của Bộ NN-PTNT.

Bất cứ ai ra vào trang trại chăn nuôi đều phải kiểm soát nghiêm ngặt. Ảnh: Minh Quý.

Bất cứ ai ra vào trang trại chăn nuôi đều phải kiểm soát nghiêm ngặt. Ảnh: Minh Quý.

May mắn với các doanh nghiệp đến nay chưa xảy ra dịch bệnh nhờ việc phòng chống tốt. Cụ thể, đối với con heo nhập hoặc xuất chuồng đều phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y lấy mẫu kiểm tra các loại dịch bệnh như dịch tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng, tụ huyết trùng. Khi đó, heo giống được thả vào trang trại đã được kiểm soát nên không xảy ra vấn đề gì. Ngoài ra, Công ty cũng chú trọng đến các biện pháp an toàn sinh học, tiêu độc khử trùng.

“Doanh nghiệp cũng ý thức lượng tài sản tích lũy được trong quá trình chăn nuôi rất là lớn nên phải tự bảo vệ chính mình trước khi yêu cầu đến cơ quan chức năng. Ngoài các loại thuốc nhà nước cấp để tiêu độc khử trùng, doanh nghiệp còn có các loại thuốc sát trùng chuyên dụng nhập từ nước ngoài." Ông Tùng nói thêm.

Ông Hoàng Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Ricky Farms: "Hiện nay, xung quanh các trang trại lớn thường có các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ. Vì thế, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra những hộ này để khi xảy ra sự việc có thể xử lý sớm. Đặc biệt, việc hỗ trợ vacxin cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cần triển khai sớm mới mang lại hiệu quả. Đối với các doanh nghiệp lớn, việc kiểm tra không nhất thiết nhiều vì bản thân ý thức rất rõ việc phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời tăng cường kiểm soát đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ để chủ động phòng, chống dịch bệnh. Đây là việc hết sức quan trọng để góp phần vào phòng, chống dịch bệnh hiện nay”.

Xem thêm
Màu đỏ may mắn của giống gà Mía số 1

Trong lịch sử mảng gà lông màu tại Việt Nam, chưa khi nào gam màu xám dài đến vậy, người chăn nuôi hy vọng, thất vọng rồi hy vọng và lại thất vọng...

Nhức nhối tình trạng gian lận mã số vùng trồng trái cây xuất khẩu

TIỀN GIANG Đó là một trong nhiều vấn đề được nêu ra tại buổi làm việc của Bộ NN-PTNT với UBND tỉnh Tiền Giang 7/1/2025.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.