| Hotline: 0983.970.780

Thách thức trong xây dựng vùng an toàn dịch bệnh ở Tây Nguyên [Bài 6]: Chưa có vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện

Thứ Hai 05/06/2023 , 08:05 (GMT+7)

Các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh hiện còn khiêm tốn so với đàn gia súc, gia cầm, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của các tỉnh Tây Nguyên.

Đó là nhận định của ông Võ Quốc Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng V (Cục Thú y) khi trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam xung quanh vấn đề xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh tại Tây Nguyên.

Ông Võ Quốc Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng V, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Minh Quý.

Ông Võ Quốc Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng V, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Minh Quý.

Xin ông cho biết ngành chăn nuôi tại Tây Nguyên phát triển ra sao trong những năm vừa qua?

Tây Nguyên có tổng diện tích tự nhiên trên 5,46 triệu ha, trong đó có khoảng 2,9 triệu ha đất dành cho trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Với điều kiện khí hậu, môi trường thuận lợi, nguồn nguyên liệu thức ăn sẵn có rất phong phú từ trồng trọt, là điều kiện thuận lợi để Tây Nguyên phát triển chăn nuôi gia súc tập trung, quy mô công nghiệp gắn với an toàn dịch bệnh.

Tổng đàn gia súc, gia cầm của các tỉnh Tây Nguyên liên tục tăng qua các năm. Tính đến hết quý I/2023, các tỉnh Tây Nguyên có tổng đàn trâu, bò đạt gần 1,3 triệu con, tăng trên 295.000 con so cùng kỳ, tổng đàn lợn gần 2,7 triệu con, tăng 474.000 con, tổng đàn gia cầm hơn 34 triệu con, đàn dê, cừu khoảng 126.000 con và ong mật khoảng 273.000 đàn.

Thực tế những năm qua, ngành chăn nuôi ở Tây Nguyên từ tự cung tự cấp chuyển dần sang chăn nuôi hàng hóa. Nếu như trước đây hàng năm phải nhập lợn thịt, lợn giống nhưng trong vài năm trở lại đây, Tây Nguyên không những đảm bảo nhu cầu tiêu dùng địa phương mà hàng năm còn cung ứng cho thị trường khu vực Duyên hải miền Trung và TP HCM hàng chục ngàn tấn thịt hơi. Bước đầu, Tây Nguyên đã có động vật, sản phẩm động vật được xuất khẩu sang một số nước trong khu vực như Lào, Campuchia và Trung Quốc.

Ngành chăn nuôi tại Tây Nguyên phát triển mạnh mẽ trong những năm vừa qua. Ảnh: Minh Quý.

Ngành chăn nuôi tại Tây Nguyên phát triển mạnh mẽ trong những năm vừa qua. Ảnh: Minh Quý.

Riêng tỉnh Đắk Lắk, mỗi năm xuất bán cho các doanh nghiệp ở TP HCM khoảng 30.000 tấn thịt lợn, bò, trâu, dê hơi. Trong năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023, Công ty TNHH Greenfarm Asia ở Đắk Nông xuất khẩu sang Campuchia gần 1.800 con lợn giống và xuất sang Lào trên 700 con. Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi ở Gia Lai xuất sang Campuchia 1.240 con lợn giống. Công ty TNHH MTV Chăn nuôi bò Trung Nguyên (Gia Lai) xuất sang Campuchia trên 2.700 con bò giống.

Hai trang trại chăn nuôi bò sữa Vinamilk Đà Lạt (Lâm Đồng) đã tham gia chương trình xuất khẩu sản phẩm sữa sang thị trường Trung Quốc. Dự kiến trong tháng 5/2023, trang trại Nuti Milk ở Gia Lai thuộc Công ty chăn nuôi Bò thịt - Bò sữa Cao Nguyên sẽ xuất khẩu lô sản phẩm sữa đầu tiên sang thị trường Trung Quốc theo Nghị định thư đã được ký vào ngày 26/4/2019 giữa Bộ trưởng Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc

Hiên, các cơ sở chăn nuôi được cấp chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh còn rất ít, chưa tương xứng với tiềm năng. Ảnh: M.P.

Hiên, các cơ sở chăn nuôi được cấp chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh còn rất ít, chưa tương xứng với tiềm năng. Ảnh: M.P.

Thưa ông, việc chăn nuôi phát triển mạnh ở Tây Nguyên những năm qua, vấn đề đảm bảo an toàn dịch bệnh có ý nghĩa rất quan trọng, vậy theo ông việc xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật được triển khai như thế nào?

Việc xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam làm nền tảng hướng đến xây dựng chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi và vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của OIE là hết sức quan trọng và cần thiết.

Vì vậy, Bộ NN-PTNT đã chủ trì, phối hợp với các địa phương tổ chức xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt dự án “Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật theo tiêu chuẩn của OIE” vừa để phát triển chăn nuôi phục vụ nhu cầu trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật.

Hiện, Tây Nguyên có 87 cơ sở chăn nuôi được cấp chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh. Trong đó, có 3 trang trại chăn nuôi lợn, 3 trang trại chăn nuôi bò và 4 trang trại chăn nuôi gà giống, gà thịt được Cục Thú y cấp chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh, động vật, sản phẩm động vật từ những trang trại chăn nuôi này đủ các điều kiện phục vụ cho xuất khẩu.

77 cơ sở an toàn dịch bệnh còn lại do Chi cục Chăn nuôi - Thú y các tỉnh cấp, đảm bảo được các điều kiện phục vụ cho thị trường trong nước.

So với tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn, số cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh đã xây dựng được còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của các tỉnh Tây Nguyên trong việc phát triển chăn nuôi hàng hóa, chăn nuôi bền vững.

Tính đến nay, trên địa bàn 5 tỉnh Tây nguyên chưa có vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật cấp huyện, mới xây dựng được vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh cấp xã, đó là vùng chăn nuôi trâu, bò xã Phú Xuân (huyện Ea Kar, Đắk Lắk) với 1 chỉ tiêu là bệnh lở mồm long móng của trâu, bò.

Việc xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh tại Tây Nguyên gặp nhiều khó khăn. Ảnh: M.P.

Việc xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh tại Tây Nguyên gặp nhiều khó khăn. Ảnh: M.P.

Điểm nghẽn trong việc xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh tại Tây nguyên là gì, thưa ông?

Việc xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh còn hạn chế là do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ nằm đan xen với cơ sở chăn nuôi tập trung, công tác tiêm phòng vacxin cho gia súc, gia cầm trong nông hộ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chăn nuôi không có chuồng nhốt, lực lượng thú y cơ sở mỏng…

Hiện chỉ có các công ty, doanh nghiệp chăn nuôi chủ động đăng ký xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, các trại tư nhân, nông hộ chưa thực sự quan tâm đến việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh do giá cả thị trường không ổn định, giá bán sản phẩm từ cơ sở an toàn dịch bệnh chưa có sự khác biệt nhiều so với các sản phẩm bình thường, nên người chăn nuôi chưa tích cực hưởng ứng tham gia đăng ký xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Xin ông cho biết kinh nghiệm của một số doanh nghiệp đã xây dựng thành công cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh?

Bước đầu, một số doanh nghiệp ở Tây Nguyên đã đáp ứng được điều kiện là cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh trong nước, từng bước xây dựng mở rộng đáp ứng các tiêu chí phục vụ xuất khẩu theo hướng dẫn của Tổ chức Thú y thế giới. Các doanh nghiệp đã chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn thú y các cấp và các đơn vị liên quan của địa phương lập kế hoạch, đề án xây dựng chuỗi chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Họ đã tuyển chọn, bố trí nguồn nhân lực, bố trí phù hợp cho từng công đoạn của chuỗi sản xuất an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Từ thành lập ban chỉ đạo và các tổ kỹ thuật của đơn vị để phân công nhiệm vụ cụ thể nhằm thực hiện tốt và có hiệu quả các nội dung của kế hoạch, đề án. Tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện việc xây dựng cơ sở hạ tầng của từng hợp phần trong chuỗi sản xuất an toàn dịch bệnh.

Để xây dựng thành công vùng an toàn dịch bệnh chăn nuôi cần cả hệ thống chính trị vào cuộc. Ảnh: Minh Quý.

Để xây dựng thành công vùng an toàn dịch bệnh chăn nuôi cần cả hệ thống chính trị vào cuộc. Ảnh: Minh Quý.

Để xây dựng được vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh trách hiệm của cả người dân, doanh nghiệp và chính quyền như thế nào thưa ông?

Theo tôi, doanh nghiệp và người dân phải nhận thức đầy đủ và chấp hành các quy định của pháp luật về thú y; tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, biện pháp phòng bệnh bằng vacxin.

Thực hiện giám sát phát hiện và báo cáo dịch bệnh kịp thời đến chính quyền địa phương, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y. Đăng ký xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định của Luật Thú y, Luật Chăn nuôi, các văn bản của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Còn đối với chính quyền địa phương, UBND cấp tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện, xã và các đơn vị liên quan xây dựng và triển khai kế hoạch, đề án xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh trên địa bàn. Xem xét thành lập ban chỉ đạo các cấp xây dựng chuỗi sản xuất an toàn dịch bệnh để xuất khẩu.

Quy hoạch và phát triển chăn nuôi theo vùng sản xuất gắn với chế biến, bảo quản và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại, giảm chăn nuôi nhỏ lẻ. Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng và kiểm soát dịch bệnh đảm bảo không để phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là đối với bệnh các dịch bệnh quan trọng, có ảnh hưởng đến thương mại động vật và sản phẩm động vật theo khuyến cáo của OIE.

"Trong công tác tái cơ cấu ngành chăn nuôi, các tỉnh Tây Nguyên cần củng cố mạng lưới thú y và trạm, chốt kiểm dịch. Củng cố mạng lưới thú y cơ sở, tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho toàn bộ hệ thống thú y địa phương. Đặc biệt, các kiến thức về giám sát dịch bệnh, an toàn sinh học, đảm bảo xây dựng thành công và duy trì vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Quy hoạch hệ thống các trạm, chốt kiểm dịch vận chuyển động vật trên địa bàn, nhất là xung quanh các vùng, chuỗi xây dựng an toàn dịch bệnh, nhằm bảo vệ vùng, chuỗi an toàn dịch bệnh. Các tỉnh cũng cần ban hành nhiều chính sách ưu đãi để thực hiện xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh." Ông Võ Quốc Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng V.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Màu đỏ may mắn của giống gà Mía số 1

Trong lịch sử mảng gà lông màu tại Việt Nam, chưa khi nào gam màu xám dài đến vậy, người chăn nuôi hy vọng, thất vọng rồi hy vọng và lại thất vọng...

Quảng Trị sẽ hoàn thành gieo cấy vụ đông xuân trước 20/1

Ông Hà Sỹ Đồng, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị ngành nông nghiệp và các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn nông dân hoàn thành gieo cấy trước 20/1.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.