Không xảy ra vụ ngộ độc nào
Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm, thủy sản Thái Bình, năm 2018, Chi cục đã phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các sở, ban, ngành tổ chức hội nghị, tập huấn, tuyên truyền về ATTP tới người dân.
Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình kiểm tra một số cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh |
Nhờ vậy, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về ATTP năm 2018 đạt kết quả cao hơn năm 2017, số người được tập huấn tăng 49,5% so với năm 2017. Công tác tuyên truyền phong phú đa dạng về phương pháp, nội dung và phương pháp tổ chức bao quát hơn, góp phần nâng cao trách nhiệm của người quản lý nhà nước các cấp.
Đặc biệt, tạo sự chuyển biến tốt đối với người SX, kinh doanh trong việc đảm bảo chất lượng, ATTP có nguồn gốc nông lâm thủy sản và người tiêu dùng trong việc lựa chọn thực phẩm.
Ông Phạm Hồng Trường, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Thái Bình cho biết, bên cạnh việc tập huấn, Chi cục đã kiểm tra lần đầu tại 328 cơ sở (294 cơ sở nhỏ lẻ, 36 cơ sở có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) ở 128 xã, thị trấn trong tỉnh. Có 34 cơ sở được xếp loại B và 2 cơ sở xếp loại C.
Kiểm tra định kỳ 32 cơ sở SX, kinh doanh sản phẩm thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh, kết quả có 1 cơ sở xếp loại A, 31 cơ sở xếp loại B. Kiểm tra điều kiện đảm bảo ATTP tại 48 cơ sở SX, kinh doanh nông lâm thủy sản để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP.
Ngoài ra, Chi cục đã thực hiện xong 2 cuộc thanh tra, 5 cuộc kiểm tra chuyên ngành tại 170 cơ sở SX, kinh doanh nông lâm thủy sản; xử lý vi phạm 8 trường hợp với tổng số tiền là hơn 28 triệu đồng; đã lấy mẫu 222 mẫu (169 mẫu test nhanh và 53 mẫu gửi phòng kiểm nghiệm) kiểm tra các chỉ tiêu ATTP, có 12 mẫu không đảm bảo ATTP…
“Nhìn chung, công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai theo đúng kế hoạch. Số lượt cơ sở được kiểm tra tăng 2 lần; số cơ sở bị xử phạt tăng và số tiền phạt tăng 1,5 lần so với năm 2017. Công tác thanh tra, kiểm tra đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành quy định của pháp luật của các cơ sở SX, kinh doanh nông lâm thủy sản”, ông Trường cho hay.
Siết chặt các cơ sở giết mổ
Hiện toàn tỉnh Thái Bình có 5 cơ sở giết mổ tập trung. Trong đó, có 2 cơ sở giết mổ lợn sữa XK, 3 cơ sở giết mổ lợn thịt, lợn choai phục vụ nội địa (trung bình mỗi cơ sở giết mổ khoảng 8 - 10 con/ngày) và hơn 1.400 điểm giết mổ nhỏ lẻ.
Cán bộ thú y lấy mẫu giám định chất lượng thịt lợn tại 1 cơ sở giết mổ |
Ngoài ra, có hơn 50 chợ được dự án LIFSAP hỗ trợ nâng cấp đồng bộ cơ sở vật chất cho việc bán thực phẩm tươi sống, còn lại chủ yếu các chợ truyền thống chưa được nâng cấp, các quầy hàng đều do tiểu thương tự nâng cấp.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình Phạm Văn Lý cho biết, đối với những cơ sở giết mổ tập trung, ngày nào cũng có cán bộ Thú y kiểm tra, giám sát hoạt động giết mổ, đóng dấu kiểm dịch. Đối với những điểm giết mổ nhỏ lẻ thì thường xuyên có hệ thống Thú y tại địa phương kiểm tra, nhắc nhở.
Theo ông Lý, từ đầu năm đến nay, Chi cục đã thanh tra, kiểm tra trên 200 cơ sở giết mổ. Trong quá trình kiểm tra, đơn vị chủ yếu tuyên truyền, hướng dẫn các chủ cơ sở nâng cấp cơ sở giết mổ, nâng cao ý thức chấp hành vệ sinh thú y tại cơ sở giết mổ.
“Các chủ trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm đã nhận thức được vấn đề ATTP, nên việc sử dụng chất cấm, chất tạo nạc trong chăn nuôi hầu như không còn. Trong những đợt cao điểm, đơn vị tăng cường kiểm tra đột xuất một số cơ sở chăn nuôi, giết mổ hay quầy bán thịt để test nhanh nhưng chưa phát hiện cơ sở nào vi phạm về tồn dư chất cấm”, ông Lý cho hay.
Ông Trường cho biết thêm, số lượng mẫu đã giám sát năm 2018 tăng 123,2% so với năm 2017; đã triển khai giám sát nhiều chỉ tiêu trên nhiều loại sản phẩm nông lâm thủy sản. Tỷ lệ các loại mẫu vi phạm năm 2018 chiếm 5% giảm hơn so với năm 2018 là 8,1%. Đặc biệt, trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh không có trường hợp ngộ độc thực phẩm nào có liên quan đến sản phẩm từ nông lâm thủy sản. |