| Hotline: 0983.970.780

Thái Nguyên nâng cao hiệu quả kinh tế rừng

Thứ Tư 11/05/2022 , 15:16 (GMT+7)

Thái Nguyên đưa gỗ vào nhóm 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực và xây dựng Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Dù rừng keo đã đến chu kỳ khai thác song ông Nguyễn Trọng Vân đã quyết định giữ lại để có sản lượng gỗ lớn hơn theo quy cách trồng rừng gỗ lớn. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Dù rừng keo đã đến chu kỳ khai thác song ông Nguyễn Trọng Vân đã quyết định giữ lại để có sản lượng gỗ lớn hơn theo quy cách trồng rừng gỗ lớn. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Xác lập lộ trình

Trong giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh Thái Nguyên đã lập kế hoạch trồng mới rừng gỗ lớn 2.000ha, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn 5.000ha. Giai đoạn 2026 - 2030 trồng mới rừng gỗ lớn là 14.000ha. Loại giống sử dụng chủ yếu là keo lá tràm, keo tai tượng, keo lai...; và các loại giống cây sinh trưởng chậm như trám trắng, trám đen, lát hoa, lim xanh, giổi xanh, sấu,...

Với kế hoạch cụ thể như vậy, các cấp chính quyền địa phương và người trồng rừng đang tích cực chuyển hoá rừng sản xuất gỗ nhỏ ngắn ngày sang phát triển rừng gỗ lớn, đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ FSC… nhằm nâng cao giá trị kinh tế từ rừng, đưa kinh tế rừng phát triển bền vững.

Xã Văn Hán (huyện Đồng Hỷ) được coi là địa bàn mới nổi trong phát triển kinh tế rừng của tỉnh Thái Nguyên. Xã hiện có hơn 4.000ha rừng sản xuất, trung bình mỗi năm có trên 600ha rừng cho khai thác, với giá trị kinh tế khoảng từ 50 - 70 tỷ đồng. Từ nguồn thu nhập trồng rừng, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống ấm no. Để nâng cao giá trị kinh tế từ rừng, chính quyền địa phương đang tích cực vận động, tuyên truyền khuyến khích người dân tham gia phát triển rừng gỗ lớn nhằm nâng cao giá trị rừng trồng và được người dân đồng tình ủng hộ.

Gia đình ông Nguyễn Trọng Vân (xóm Phả Lý, xã Văn Hán) hiện có 3ha rừng keo chu kỳ 5 - 7 năm tuổi đã có thể khai thác gỗ. Tuy nhiên, được sự hướng dẫn, vận động của cán bộ xã, gia đình ông đã quyết định chưa khai thác mà chuyển toàn bộ diện tích rừng sang phát triển cây gỗ lớn, sau 10 - 12 năm trở lên mới tiến hành khai thác và tham gia dự án quản lý rừng bền vững, cấp chứng chỉ rừng FSC.

Ông Nguyễn Trọng Vân lý giải, hiện tại rừng keo đã đủ tuổi khai thác, mỗi héc ta sẽ cho thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng, nhưng nếu chuyển đổi sang phát triển cây gỗ lớn với chu kỳ 10 - 12 năm trở lên mới khai thác, cây keo sẽ cho kích thước lớn hơn, hứa hẹn cho thu nhập gấp đôi, gấp ba lần hiện tại. Theo ông Vân, hiện tại xóm Phả Lý đã có trên 80 hộ dân chuyển hoá từ rừng gỗ nhỏ với chu kỳ 5 - 7 năm sang phát triển rừng gỗ lớn, và tham gia thực hiện dự án quản lý rừng bền vững, cấp chứng chỉ rừng FSC.

Ông Lường Văn Hoan, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Văn Hán cho biết, bên cạnh việc vận động người dân kéo dài chu kỳ khai thác rừng để nâng cao giá trị kinh tế, năm 2022 xã đang tích cực phối hợp với người dân trồng mới 100 ha rừng gỗ lớn. Đặc biệt, Văn Hán là địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh được chọn để triển khai thực hiện dự án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC. Đến thời điểm hiện tại đã có gần 1.000 hộ dân đăng ký tham gia với diện tích 1.440ha. Đây là bước đi quan trọng để mai sau những sản phẩm gỗ được khai thác từ các khu rừng tại Văn Hán đạt tiêu chuẩn quốc tế, vươn ra thị trường thế giới, và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Còn bà Nguyễn Thị Loan, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hỷ cho biết, trên địa bàn huyện có hơn 17.900ha rừng sản xuất, chủ yếu là cây keo. Từ năm 2019, địa phương bắt đầu phối hợp với người dân phát triển rừng gỗ lớn. Đến thời điểm hiện tại, diện tích trồng mới rừng gỗ lớn đạt gần 200ha với các loại cây keo, giổi xanh, trám,…và người dân đang tích cực chuyển hoá từ rừng gỗ nhỏ chu kỳ ngắn sang phát triển rừng gỗ lớn. Riêng năm 2022, huyện phấn đấu trồng mới ít nhất 120ha rừng gỗ lớn và đẩy mạnh việc thực hiện dự án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC. Việc tham gia triển khai thực hiện quản lý rừng bền vững để cấp chứng chỉ rừng FSC có sự phối hợp đầu tư của doanh nghiệp với cam kết tiêu thụ gỗ rừng là cơ sở quan trọng để người dân đồng thuận.

Triển khai đồng bộ

Không chỉ riêng huyện Đồng Hỷ, người dân các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên như Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai… cũng đang tích cực phát triển rừng gỗ lớn, với diện tích trồng mới đạt gần 700ha, và hàng trăm héc ta do người dân chuyển hoá rừng gỗ nhỏ sang phát triển rừng gỗ lớn.

Ông Trần Minh Hà, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên cho biết, năm 2022, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu trồng 3.700ha rừng tập trung, chuyển hoá rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn 860 ha, đảm bảo ổn định tỷ lệ che phủ rừng từ 46% trở lên.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Đại Từ kiểm tra chất lượng cây giống tại một vườn ươm trên địa bàn. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Đại Từ kiểm tra chất lượng cây giống tại một vườn ươm trên địa bàn. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Các giống cây lâm nghiệp chính được đưa vào trồng là keo, mỡ, quế, giổi xanh... Hiện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang dần hình thành vùng nguyên liệu gỗ công nghiệp và gỗ lớn trên cơ sở chuyển hoá rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, nâng cao giá trị sản phẩm gỗ rừng trồng.

Ông Lê Cẩm Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên cho biết, địa phương hiện có gần 100 cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp, có khả năng cung cấp ra thị trường hơn 27,9 triệu cây giống. Nguồn cây giống dồi dào cho phép người trồng rừng có nhiều lựa chọn để bảo đảm chất lượng nguồn cây giống.

Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo các hạt kiểm lâm phối hợp UBND các xã, thị trấn quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp. Đồng thời, tiến hành kiểm tra định kỳ và đột xuất, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những cơ sở sản xuất giống kém chất lượng; kiểm tra, giám sát chặt chẽ các vườn ươm từ khâu chuẩn bị hạt giống, gieo ươm, cho đến lúc xuất vườn. Qua đó, hạn chế được tình trạng sử dụng giống không rõ nguồn gốc đưa vào sản xuất, góp phần cải thiện chất lượng rừng trồng.  Ngoài ra, để công tác trồng rừng đạt kết quả cao, lực lượng kiểm lâm luôn bám sát địa bàn để rà soát, hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng, cách chăm sóc diện tích rừng đã trồng để cây sinh trưởng và phát triển tốt, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Ông Dương Sơn Hà, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thái Nguyên cho biết, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ trồng rừng, những năm gần đây, bà con nông dân trong tỉnh đã tích cực đầu tư vốn, đưa nhiều loại cây giống có chất lượng cao vào trồng, góp phần hoàn thành tốt mục tiêu kế hoạch trồng rừng hằng năm.

Trong năm 2022, Thái Nguyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân trồng rừng gỗ lớn, chủ rừng xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng, tạo vùng trồng rừng nguyên liệu gỗ tập trung, đáp ứng nhu cầu công nghiệp chế biến gỗ, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lâm sản. Thái Nguyên triển khai mạnh việc thu hút nguồn vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ và phát triển rừng, các dự án phát triển lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng nguyên liệu gắn với chế biến lâm sản, ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất lâm nghiệp.

Tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2025 diện tích rừng gỗ lớn và diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững đạt 10% tổng diện tích rừng trồng đạt 30% vào năm 2030.  Để đạt mục tiêu trên, tỉnh Thái Nguyên triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ các tổ chức, hộ gia đình, cộng đồng dân cư tham gia trồng rừng, khai thác rừng, như hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn bằng cây sinh trưởng chậm một lần 15 triệu đồng/ha; hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn bằng cây sinh trưởng nhanh một lần 10 triệu đồng/ha; và hỗ trợ chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, công khoán bảo vệ rừng theo quy định của Nhà nước.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tre xanh trên Long Cốt sơn

Quảng Ngãi Tre xanh tốt trên núi cằn trơ sỏi đá. Thân tre to lớn vươn lên trời cao, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân ở vùng đất bạc màu.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.