Dòng suối độc
Suối chảy về xã Thần Sa từ huyện Chợ Mới (tỉnh Bắc Kạn). Hơn chục năm trước, PV NNVN từng đi cả ngày đường ngược dòng Thần Sa để tìm hiểu, viết bài về tình trạng khai thác vàng trái phép dọc dòng suối này. Khi ấy, dòng suối đã được biến thành dòng hóa chất, sám ngoét. Thượng Kim là xóm đầu tiên đón nhận dòng suối. Địa danh này từng là nơi vàng tặc lộng hành.
Ông Triệu Văn Kim (Trưởng xóm Thượng Kim, xã Thần Sa) cho biết, hàng chục năm nay, ngày nào nước ở Khe Đục (cách gọi của người dân ở đoạn suối chảy qua) cũng đục ngầu bùn đất, bốc lên mùi hóa chất nồng nặc. Nguồn nước ở đây không sử dụng được vào bất cứ công việc gì, vật nuôi không dám uống, không sử dụng được để tưới cây trồng.
Những thửa ruộng ven suối bà con phải bắc máng dài hàng trăm mét để lấy nước từ nơi khác về sản xuất, một số nơi không thể lấy nước đành chuyển sang trồng cỏ hoặc bỏ hoang.
Chị Triệu Thị Hoa, ở xóm Thượng Kim cho hay, con đường từ Bản Ná vào xóm Thượng Kim bị chia cắt hơn 30 lần bởi suối Thần Sa, mỗi lần đi xe qua mọi người đều phải co chân thật cao để khỏi chạm xuống nước, nếu cho chân xuống nước sẽ bị nổi mẩn…
Suối như được sơn màu ghi, đặc quánh, nồng nặc mùi hóa chất. Ngoài bùn đất thải thì đó còn là kết quả của việc nghiền đã núi đãi vàng. Lẫn trong màu sơn ghi ấy có cả chất độc Cyanua, một loại chất độc bắt buộc phải có dùng để cô vàng.
Vàng - tên một thanh niên trong bản đang đi chăn trâu nói với chúng tôi, nước ở Khe Đục mà để chó uống vào thì chó chết, trâu uống vào thì trâu chết. Vậy nên, việc chăn trâu của Vàng rất vất vả vì lúc nào cũng phải đi bên cạnh, phòng trâu uống vào nước Khe Đục.
Nước từ Khe Đục qua xã Thần Sa, chảy qua huyện Đồng Hỷ đổ vào sông Cầu. Được hòa tan vào tỷ lệ lớn của hàng trăm con suối lớn nhỏ trên địa bàn, nước sông Cầu không còn màu ghi nữa. Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực Sông Cầu sẽ không thể nhìn để thấy được hiểm họa mà Sông Cầu đang ngày đêm oằn mình phục vụ sản xuất, phục vụ dân sinh.
Trên gây họa, dưới hứng chịu
Đến Bãi Mố chúng tôi đã mất khoảng 3 giờ đi bộ từ Xuyên Sơn, dọc suối mà lên. Quyền khai thác khoáng sản khu vực vàng gốc Deluvi Bãi Mố, xã Thần Sa đã được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp phép cho Công ty CP đầu tư thương mại Thủ đô Gió ngàn. Một con đường khoảng 5km từ Xuyên Sơn đến Thượng Kim được xây dựng. Đường chạy qua chạy lại dọc Suối, Suối như con rắn quấn quanh con đường với hơn 30 lần giao cắt. Ở những vị trí giao cắt, người lái xe máy phải tập trung cao nhất, nếu lỡ để chân chạm nước thì lại mất công tìm chỗ có nước trong để rửa.
Ông Nguyễn Văn Thế, quản lý Mỏ vàng Bãi Mố cho biết, khe Nước Đục chảy qua khu vực Bãi Mố nên nhiều người cho rằng hoạt động khai thác của đơn vị gây ra ô nhiễm, nhưng thực tế không phải. Công ty đã dừng khai thác hơn nửa năm nay.
Theo lý giải, chúng tôi ngược núi lên đỉnh Bãi Mố để mục sở thị việc khai thác vàng tại Khau Âu (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn). Được "người rừng" Trịnh Quốc Văn dẫn đường - người rừng là tên mà anh em trong công ty đặt cho vì ông Văn có khả năng trèo núi tốt nhất. Để tránh đụng chạm nếu gặp vàng tặc, chúng tôi mặc áo của công nhân Công ty Thủ đô Gió ngàn.
Đường lên đỉnh Bãi Mố dựng tức ngực. Dọc đường, có 3 lán nhỏ của dân làm vàng thổ phỉ dựng lên. Mấy người trong lán nói là người huyện Đồng Hỷ, trả lời qua quýt rồi né tránh. Gần 2 giờ miệt mài bấm ngón chân, leo từng bước, chúng tôi tiếp giáp với giang 1, thuộc đất Chợ Mới. Bãi vàng Khau Âu có 5 lũng khai thác được người dân gọi thành 5 giang. Bãi vàng Khau Âu đã được cấp phép cho doanh nghiệp khai thác. Qua quản lý và tổ chức hoạt động của doanh nghiệp nên nếu có những toán vàng thổ phỉ thì họ cũng phải rút sâu vào rừng. Đoàn chúng tôi xuống núi. Nhìn từ trên cao, Khe Đục như dòng Ngân Hà thu nhỏ thấp thoáng luồn lách với thân mình nhày nhụa, nồng nặc.
Ông Lê Việt Bắc (Bí thư Đảng ủy xã Thần Sa) cho biết, tình trạng nguồn nước của Khe Đục ô nhiễm đã xuất hiện trong thời gian dài, bà con cũng nhiều lần phản ánh trong các cuộc tiếp xúc cử tri. Khi cơ quan chức năng đi kiểm tra thì phát hiện nguồn nước ô nhiễm đều chảy về từ khu vực Khau Âu.
Ông Dương Văn Hào (Phó chủ tịch UBND huyện Võ Nhai) cho biết, huyện đã đề nghị cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra, xác định ranh giới hành chính giữa Thái Nguyên và Bắc Kạn để đưa ra phương án xử lý. Theo kết quả kiểm tra, khu vực hoạt động khai thác vàng tại Khau Âu nằm hoàn toàn trên địa phận tỉnh Bắc Kạn. Vì vậy, tỉnh đã có văn bản đề nghị phía Bắc Kạn tăng cường quản lý và xử lý vấn đề ô nhiễm do hoạt động khai thác khoáng sản tại đây.
Được biết, Bắc Kạn cũng là thành viên của Ủy ban bảo vệ lưu vực sông Cầu. Trách nhiệm chung của tổ chức do Thủ tướng Chính phủ thành lập nói trên là phải cùng nhau gìn giữ, bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan lưu vực sông Cầu.