| Hotline: 0983.970.780

Thân phận một ngôi làng Việt

Thứ Bảy 30/04/2022 , 07:37 (GMT+7)

Trước ngõ nhà tôi là cánh đồng đất cát có tên Trặm Hoa. Đồng hẹp chừng mấy trăm mét, nằm lọt giữa một bên là núi Nga Mi, bên kia là sông Yên.

Làng Tào Sơn.

Làng Tào Sơn.

Trước ngõ nhà tôi là cánh đồng đất cát có tên Trặm Hoa. Đồng hẹp chừng mấy trăm mét, nằm lọt giữa một bên là núi Nga Mi, bên kia là sông Yên. Xưa cánh đồng này vốn là một ngôi làng, làng May.

Người đầu tiên lập nên làng tôi, làng Tào Sơn là quan Yên Phủ Sứ, tên thật là Lương Văn Phụng. Theo tương truyền và gia phả các dòng họ còn ghi lại, ông là 1 trong 28 người đã tham gia hội thề Lũng Nhai của của chủ tướng Lê Lợi. Sau khi kháng chiến chống quân Minh thành công, ông được vua phong hầu và cấp đất, giao cho vùng đất mà ngay nay chính là làng Tào Sơn tôi. Trong sự thành lập một ngôi làng, có số phận chìm nổi dâu bể của không ít con người và của cả những ngôi làng khác.

Chuyện kể lại rằng, Quan Yên Phủ Sứ đứng trên núi Nga Mi, giương cung bắn ra bốn hướng, tên rơi tới đâu thì đến đó là đất của ông. Rủi thay, mũi tên của ông bắn vượt qua sông Yên, cắm vào một bãi đất bên kia sông, thế là làng May, một ngôi làng lâu đời dưới chân núi Nga Mi buộc phải di dời về mảnh đất bên ấy. Đất làng May thành đất Tào Sơn…

Dời đến, nhưng vì đất ấy là bãi ven sông nước lợ, đất của cói lác, nên không thể đào giếng mà lấy nước ăn, vì thế chiếc giếng bên làng cũ, gọi là giếng May, vẫn được giữ lại, ngày ngày dân làng May (mới) phải bơi thuyền về giếng xưa lấy nước.

Năm tôi học lớp 5, bố tôi bỏ làng Tào Sơn lên núi Nga Mi ở, mang theo mẹ con chúng tôi. Lúc ấy, giếng May vẫn còn, chúng tôi vẫn ra đó chơi.

Nhưng làng May ở bên kia sông lúc ấy thì đã không còn. Khoảng những năm 90, họ bị đuổi đi, vào bên trong đê, để lại một ngôi miếu và vườn dừa mênh mông xanh mướt. Đến bây giờ, di chỉ còn lại chỉ là vài cây dừa lưa thưa và một ngôi miếu cũ bỏ hoang. Làng May nay đã thành ruộng mía.

Bố và các chú tôi kể, thủa nhỏ họ vẫn rủ nhau bơi qua sông sang ăn trộm dừa làng May, đến nay thì tất cả chỉ còn lại trong ký ức. Mới đó, mọi thứ nhập nhòe, như thực như hư. Thế hệ chúng tôi là lứa đã chứng kiến buổi giao thời trong sự còn mất của một ngôi làng, vừa tiếc nuối, vừa ngơ ngác với những vật đổi sao dời…

Làng Tào Sơn xưa của chúng tôi có nhiều chùa, có 5 ngôi miếu tọa lạc ở ở 5 xóm, có nghè thờ thành hoàng làng, có đình lớn, có đền to nằm trên khu đất rộng 3 sào, có tới 3 văn chỉ đều đặt ở đây (văn chỉ huyện, văn chỉ tổng và văn chỉ làng)…

Những người lớn lứa từ tuổi 60 trở lên còn nhớ chính xác vị trí của tất cả những kiến trúc ấy. Bây giờ thì không còn, không còn lại bất cứ một ngôi chùa đình miếu nào nữa… Trong cải cách ruộng đất, người ta đã phá hết. Ông tôi kể lại, khi đốt chùa Am, người ta tập hợp tất cả tượng Phật ở các ngôi chùa khác về đó, và đốt. Lửa cháy đến mấy ngày mới hết những pho tượng ấy.

Chúng tôi lớn lên, không thấy chùa, không thấy miếu, không đình, không nghè… Những văn chỉ ghi dấu một ngôi làng hiếu học bậc nhất xứ Thanh cũng không còn nữa. Nhà cấp 4 lô xô mọc lên, bờ rào cây xanh tan biến dần vào vôi vữa bê tông, làng không còn tre pheo… Bây giờ, những cánh đồng ven làng đang bị đổ đất đỏ và xà bần lên, sang phẳng, phân lô và bán nền.

Chúng tôi sinh ra ở cuối thế kỷ 20, và bước vào những ngày tháng này với một hành trang là những câu chuyện kể, là ký ức của người già, là hoang mang không biết…

Đâu đó nơi những vùng quê trên đất Việt vẫn còn may mắn giữ lại được những di tích ông cha để làm vốn liếng cho cháu con. Nhưng âu lo, không biết với những cung cách trùng tu như người ta đã phá nát giếng Ngọc ở Thiệu Hóa thì những di chỉ ấy liệu có còn ở lại dài lâu với thời gian?

Nhìn cuộc đời của một ngôi làng, làng May; rồi nhìn những biến thiên thay hình đổi dáng bời bời mất mát ở Tào Sơn mới thấy hết cái mong manh của văn hóa nếu con người không dốc lòng mà gìn giữ. Rồi biết sau này, những thế hệ kế tiếp sẽ lớn lên từ đâu, sẽ mang theo được gì để bước vào hội nhập-hô hào. Chúng ta đặt những mục tiêu kinh tế, theo đuổi vật chất, sống chết với “phát triển” nhưng chúng ta quên, sức mạnh lớn nhất của dân tộc mình từ ngàn xưa tới bây giờ chính là văn hóa, những thứ vô hình dù không tân tiến ấy nhưng đã giúp dân tộc trường tồn qua những âm mưu hủy diệt của ngoại bang.

Làng là một tiểu quốc của người Việt, làng còn thì nước còn, làng mất thì nguy nan. Nhưng làng đang phai mờ dần, tan vào vôi vữa, tan vào tiếng ồn của những buổi đấu giá đất…

Xem thêm
Đàm Vĩnh Hưng xác lập kỷ lục

Đàm Vĩnh Hưng nhận bằng kỷ lục 'Ca sĩ trình diễn nhiều tiết mục mashup nhất trong một chương trình ca nhạc' tại liveshow 'Ngày em thắp sao trời'.

Mbappe sẽ thi đấu ở vị trí nào khi gia nhập Real Madrid?

Tiền đạo Mbappe vừa đăng tải bài viết chia tay CLB PSG vào rạng sáng nay, bến đỗ tiếp theo của anh nhiều khả năng sẽ là CLB Real Madrid.

Quảng Trị Marathon 2024: Chốt phương án bảo đảm an toàn cho vận động viên

Sau khi thực địa đường chạy, Ban tổ chức Quảng Trị Marathon 2024 - Hành trình về Đất lửa đã thống nhất các phương án đảm bảo an toàn cho vận động viên.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.