| Hotline: 0983.970.780

Thanh Hóa: Trên 7.000 phương tiện đã vào nơi trú ẩn

Thứ Sáu 19/08/2016 , 08:02 (GMT+7)

Tính đến 16h15 ngày 18/8, đã có tổng cộng 7.008/7012 phương tiện di chuyển vào khu vực trú bão an toàn, còn lại 4 phương tiện đánh bắt xa bờ đang trên đường vào nơi tránh, trú.

Ông Phạm Đăng Quyền, PCT tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các Sở, ngành chức năng và các địa phương tại Thanh Hóa nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về công tác chủ động ứng phó với cơn bão số 3.

Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành công điện khẩn đến các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan ban ngành, yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão.

Tuyệt đối nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, đồng thời sử dụng mọi biện pháp kêu gọi phương tiện về nơi tránh trú an toàn. Các huyện miền núi chủ động tổ chức di dời các hộ dân đang sinh sống tại khu vực nguy hiểm như ven sông suối, vùng trũng thấp hay những vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất…

17-23-18_2
Ảnh: Việt Khánh

 

Công tác chuẩn bị, ứng phó với cơn bão Thần Sét trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang được tiến hành gấp rút, đặc biệt là tại các huyện ven biển có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn như Tĩnh Gia, Hoằng Hóa, Quảng Xương, thị xã Sầm Sơn.

Theo ghi nhận của PV, tại khu vực âu thuyền số 1, số 2 và 3 của Cảng Hới, thuộc địa phận phường Quảng Tiến, TX Sầm Sơn đã có hàng trăm phương tiện di chuyển vào tránh bão.

Ông Trịnh Văn Nam, một chủ tàu cá tại phường Quảng Cư cho biết: “Sau khi nhận được thông báo của chính quyền địa phương về diễn biến của cơn bão số 3, tôi và các chủ tàu đã gấp rút di chuyển phương tiện của mình về nơi tránh trú, thậm chí có nhiều phương tiện đã chủ động vào tránh bão từ 4-5 hôm trước đó”.

17-23-18_3
Ảnh: Việt Khánh

 

Tại Tĩnh Gia, công tác phòng chống bão cũng đang được thực hiện rất chặt chẽ. Theo số liệu thống kê của Phòng nông nghiệp huyện, trên địa bàn có tổng cộng 2.260 phương tiện tham gia đánh bắt thủy hải sản, đến lúc này cơ bản tất cả đã vào nơi trú ẩn an toàn.

Tính đến 16h15 ngày 18/8, đã có tổng cộng 7.008/7012 phương tiện di chuyển vào khu vực trú bão an toàn, còn lại 4 phương tiện (2 của Tĩnh Gia, 2 của Sầm Sơn) cùng 27 lao động tham gia đánh bắt xa bờ đang trên đường vào nơi tránh, trú thuộc địa phận tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

“Tổng diện tích nuôi trồng thủy hải sản toàn tỉnh là 7.700 ha, trong đó có 1.500 ha nuôi ngao, 4.100ha nuôi tôm hơn và hơn 2.000 lồng cá ở khu vực Nghi Sơn, Tĩnh Gia. Để hạn chế tối đa thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương đang gấp rút kêu gọi, yêu cầu các hộ nuôi di dời các lồng bè về vị trí an toàn, tuyệt đối không cho phép chủ nuôi ở lại theo dõi nhằm tránh nguy cơ đáng tiếc có thể xảy ra”, bà Hoàng Thị Yến, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

 

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Điện Biên đưa cửa khẩu thành mũi nhọn phát triển kinh tế

Mường Nhé bây giờ vẫn là một trong những huyện nghèo, chậm phát triển bậc nhất trong cả nước, nhưng người Mường Nhé không thể chấp nhận điều ấy trong 10, 20 năm nữa.