| Hotline: 0983.970.780

Thanh Hóa xây dựng được 103 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Thứ Hai 14/08/2023 , 08:50 (GMT+7)

6 tháng đầu 2023, Thanh Hóa xây dựng, chứng nhận được 6 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, lũy kế đến nay tỉnh có 103 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Cán bộ thú y cơ sở tại Thanh Hóa thực hiện công tác khử trùng tại chợ buôn bán thực phẩm tươi sống. Ảnh: Quốc Toản.

Cán bộ thú y cơ sở tại Thanh Hóa thực hiện công tác khử trùng tại chợ buôn bán thực phẩm tươi sống. Ảnh: Quốc Toản.

Trong những năm qua, công tác thú y trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có nhiều chuyển biến tích cực, lực lượng cán bộ thú ý đã góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm soát hiệu quả nhiều loại dịch bệnh trên động vật.

Dễ nhận thấy, ngành và địa phương không để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường và giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi phát triển ổn định. Triển khai thực hiện tốt công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người, góp phần bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng cho nhân dân.

Nhìn lại năm 2022, mặc dù dịch tả lợn Châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng, viêm da nổi cục trâu, bò xảy ra ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, tuy nhiên tại Thanh hóa, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt. Kết quả, cho thấy năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa không có dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm.

Ông Đặng Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Thanh Hóa cho biết, ngành chăn nuôi xác định công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng. Việc không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm, góp phần tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững và là môi trường tốt cho thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn dịch bệnh trên vật nuôi, ngay từ đầu năm 2023, Sở NN-PTNT Thanh Hóa đã thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương phòng chống dịch bệnh. Công tác tiêm phòng đợt 1 năm 2023 tại Thanh Hóa đạt hơn 100% kế hoạch đề ra. Các chỉ tiêu khác về chăn nuôi đều đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.

Bên cạnh kiểm soát tốt các loại dịch bệnh, năm 2023, ngành chăn nuôi Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát tốt việc tái đàn, tăng đàn. Tỷ lệ chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ trong dân cư giảm đáng kể, thay vào đó đã chuyển đổi, phát triển thành các trang trại, gia trại quy mô lớn, khép kín, đem lại hiệu quả cao. Đáng chú ý, từ 2020 đến nay, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 31 dự án chăn nuôi lợn với tổng mức đầu tư trên 17.000 tỷ đồng. 

Mặt khác, để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, ngành chăn nuôi Thanh Hóa tiếp tục xây dựng các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh để hạn chế rủi ro cho người nuôi. Trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và chứng nhận được 6 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 103 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Kiểm soát tốt các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi giúp chăn nuôi Thanh Hóa phát triển bền vững và hiệu quả trong 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh: Quốc Toản.

Kiểm soát tốt các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi giúp chăn nuôi Thanh Hóa phát triển bền vững và hiệu quả trong 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh: Quốc Toản.

Ngoài ra, công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển ra ngoài tỉnh và tại các trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông thực hiện đúng quy trình, thủ tục kiểm dịch, không để xảy ra sai sót trong quá trình thực hiện; đảm bảo động vật, sản phẩm vận chuyển ra vào tỉnh được kiểm tra chặt chẽ.

Công tác thanh, kiểm tra và xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, sử dụng thuốc thú y, thuốc thú y thủy sản, động vật, giống vật nuôi, sản phẩm động vật, thức ăn chăn nuôi được tăng cường và nghiêm túc đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Trong những năm qua, cơ quan có thẩm quyền đã kiểm tra, xử lý 43 cơ sở (trong đó có 10 cơ sở giết mổ, 12 cơ sở buôn bán thuốc thú y; 21 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi) có vi phạm. Tổng số tiền phạt nộp ngân sách nhà nước hơn 300 triệu đồng. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành chăn nuôi, thú y Thanh Hóa còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc kiện toàn hệ thống tổ chức. Hiện tỉnh Thanh Hóa có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, tuy nhiên, hệ thống quản lý chuyên ngành thú y không được thực hiện theo quy định của Luật Thú y.

Bên cạnh đó, cán bộ thú y cấp huyện, cấp xã còn mỏng, chuyên môn còn hạn chế; đặc biệt là thú y cấp xã còn nhiều địa phương vẫn là kiêm nhiệm không đúng chuyên môn, phụ cấp thấp, trong khi đó địa bàn rộng chưa đáp ứng được yêu cầu phòng, chống dịch.

Xem thêm
Heo hơi tăng giá, người nuôi lãi 2 triệu đồng/tạ

BẾN TRE Heo hơi xuất bán tại chuồng ở huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre đang có giá từ 64 - 67 nghìn đồng/kg, tăng 4 - 7 nghìn đồng/kg so với cách đây 1 tháng.

Có mưa, nông dân vùng hạn mặn Gò Công chuẩn bị xuống giống vụ hè thu

TIỀN GIANG Tại vùng ngọt hóa Gò Công (tỉnh Tiền Giang) lúc này, những cơn mưa đầu mùa đã thấm ướt mặt ruộng khô cằn sau những ngày nắng gắt, nước mặn vây quanh.

Gỡ vướng mắc trong thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt

Theo TS. Nguyễn Linh Ngọc, việc phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt mang lại lợi ích lâu dài, nhưng hiện là bài toán khó ở cả thành thị và nông thôn.