| Hotline: 0983.970.780

Tháo gỡ các rào cản, phát triển du lịch nông thôn từ góc nhìn pháp luật

Thứ Năm 04/01/2024 , 11:20 (GMT+7)

Luật Du lịch đã ghi nhận các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa nhưng hình thức du lịch nông thôn chưa được quy định rõ ràng.

Du lịch nông thôn đang thu hút một lượng lớn du khách đến từ nhiều quốc gia, vùng miền trên cả nước.

Du lịch nông thôn đang thu hút một lượng lớn du khách đến từ nhiều quốc gia, vùng miền trên cả nước.

Du lịch nông thôn là loại hình du lịch gắn với địa bàn nông thôn và còn được gọi với các tên như du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp (du lịch canh nông). Dù gọi tên là gì thì các hình thức du lịch trên đều gắn với địa bàn nông thôn, khai thác các giá trị tài nguyên thiên nhiên, đặc trưng văn hóa, truyền thống làng quê Việt Nam, gắn với các hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con sinh sống ở nông thôn.

Gần đây, du lịch nông thôn đang thu hút một lượng lớn du khách đến từ nhiều quốc gia, vùng miền trên cả nước gắn với các loại hình tổ chức du lịch đa dạng phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng du khách.

Hiện chưa có thống kê chính xác lượng du khách và tỷ trọng đóng góp của du lịch nông thôn trong doanh thu của nền kinh tế nhưng với tầm quan trọng và định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn thì phát triển du lịch nông thôn chính thức được xác định là một trong các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 là “Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững” (Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 22/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025).

Tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu phát triển du lịch nông thôn được xác định là tổng thể các giải pháp từ hoàn thiện cơ chế chính sách đến tổ chức thực hiện và được thực hiện đồng bộ từ Trung ương tới địa phương. Thời gian qua, các địa phương đã tổ chức thực hiện Chương trình này theo chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan Trung ương, tuy nhiên, chưa tạo được sự thay đổi, đột phá trong phát triển du lịch nông thôn và một trong các nguyên nhân được xác định là rào cản về thể chế cần sớm được tháo gỡ.

Mô hình/loại hình du lịch nông thôn cần sớm được công nhận

Hiện nay, Luật Du lịch đã ghi nhận các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa nhưng hình thức du lịch nông thôn - loại hình du lịch gắn với tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề chưa được quy định rõ ràng. Loại hình này đang được lồng ghép, ẩn chứa trong các quy định chung về du lịch của luật này.

Du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa phần lớn được diễn ra tại các khu vực nông thôn dựa trên tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch văn hóa, công trình lao động sáng tạo của con người được sử dụng cho mục đích du lịch nhưng loại hình du lịch nông nghiệp hoặc loại hình du lịch kết hợp nông nghiệp chưa được đề cập cụ thể, rõ ràng trong các quy định về tài nguyên du lịch nói chung.

Luật Du lịch đã ghi nhận các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa nhưng hình thức du lịch nông thôn chưa được quy định rõ ràng.

Luật Du lịch đã ghi nhận các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa nhưng hình thức du lịch nông thôn chưa được quy định rõ ràng.

Tại Chương trình phát triển du lịch nông thôn của Thủ tướng Chính phủ nêu trên đã xác định mục tiêu đến năm 2025 là “mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch”, tuy nhiên do pháp luật về du lịch hiện nay chưa có quy định về loại hình du lịch này cũng như chưa có tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể nhất là các tiêu chí về quy mô, diện tích, sản phẩm, dịch vụ, hạ tầng, sự tham gia của cộng đồng để các tỉnh, thành phố tổ chức công nhận điểm du lịch nông thôn gắn với phát triển nông nghiệp, làng nghề.

Do chưa công nhận được điểm du lịch nông thôn nên các cơ quan thực hiện Chương trình cả Trung ương (các Bộ) và địa phương (UBND tỉnh, thành phố) đang khó khăn trong triển khai hướng dẫn về cơ chế, định mức chi, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khai thác, phát triển du lịch nông thôn theo nội dung hỗ trợ của Chương trình mặc dù đã được quy định nội dung chi tại Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Điều này, đòi hỏi các cơ quan Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ NN-PTNT sớm ban hành các hướng dẫn thực hiện công nhận khu, điểm du lịch nông thôn với các tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện cần được tính toán phù hợp với điều kiện tự nhiên, môi trường, kinh tế, văn hóa - xã hội tại từng vùng miền ở nông thôn; công nhận cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch nông thôn đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; UBND tỉnh, thành phố tổ chức phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch nông thôn; xây dựng đề án, chương trình hoặc kế hoạch phát triển du lịch nông thôn phù hợp với định hướng xây dựng nông thôn mới trên địa bàn và các quy hoạch liên quan; ưu tiên phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật tại các điểm du lịch nông thôn trong đề án, chương trình hoặc kế hoạch đã được phê duyệt.

Sớm cho phép sử dụng đất nông nghiệp kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ

Luật Đất đai hiện hành không định nghĩa cụ thể về đất trang trại và thực tế đất sử dụng cho trang trại nông nghiệp được hình thành từ nhiều nguồn và nhiều loại đất. Pháp luật đất đai cũng chưa có quy định cụ thể về tích tụ, tập trung đất nông nghiệp; quy định cụ thể về tỷ lệ, kết cấu xây dựng công trình phục vụ sản xuất, kinh doanh trên đất nông nghiệp; chưa cho phép sử dụng đất nông nghiệp kết hợp đa mục đích…

Đây đang là khó khăn cho trang trại nông nghiệp khi có nhu cầu xây dựng hạ tầng để sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp hoặc kết hợp phát triển du lịch nông nghiệp và thực tế nhiều trang trại đã “lách luật” xây dựng các công trình “tạm bợ” vừa mất mỹ quan vừa hạn chế hiệu quả sử dụng.

Luật Đất đai hiện hành không định nghĩa cụ thể về đất trang trại và thực tế đất sử dụng cho trang trại nông nghiệp được hình thành từ nhiều nguồn và nhiều loại đất.

Luật Đất đai hiện hành không định nghĩa cụ thể về đất trang trại và thực tế đất sử dụng cho trang trại nông nghiệp được hình thành từ nhiều nguồn và nhiều loại đất.

Điều này, đòi hỏi các quy định pháp luật về đất đai sửa đổi cần sớm được ban hành để chính thức ghi nhận các quyền sử dụng đất nông nghiệp kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, cho phép tỷ lệ xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, tổ chức giao đất ổn định lâu dài cho các trang trại nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần có tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể để hướng dẫn các trang trại nông nghiệp phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc thù, kiểm soát về an toàn lao động, điều kiện lưu trú, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý môi trường, an ninh trật tự; các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để các trang trại yên tâm sản xuất.

Cùng với đó, tổ chức lồng ghép, xúc tiến, phát triển, quảng bá, kết nối các điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn trong và ngoài nước; tuyên truyền, quảng bá du lịch nông thôn thông qua các chương trình kết nối nông sản và Chương trình OCOP.

Phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, hoàn thiện quy hoạch du lịch nông thôn

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh: "Phát triển du lịch nông thôn phải được xác định là một trong những giải pháp căn cơ, động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững. Đồng thời nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp phát triển đa dạng, bền vững của du lịch".

Và tại mục tiêu Chương trình phát triển du lịch nông thôn đến năm 2025 đã xác định “Phấn đấu mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù”; phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền cũng là một trong năm nhóm nhiệm vụ của Chương trình.

Theo đó, Bộ NN-PTNT cần sớm khảo sát, lập bản đồ số các sản phẩm du lịch nông thôn, thống kê huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cung cấp, chia sẻ dữ liệu để bổ sung, hoàn thiện nội dung du lịch nông thôn trong quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát triển du lịch nông thôn phải được xác định là một trong những giải pháp căn cơ, động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững.

Phát triển du lịch nông thôn phải được xác định là một trong những giải pháp căn cơ, động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững.

Sản phẩm du lịch nông thôn, du lịch nông nghiệp gắn với bảo tồn, phục dựng và phát triển các làng nghề, ẩm thực, trang phục truyền thống và hoạt động nông nghiệp, loại hình biểu diễn văn hóa, thể thao,…; phục dựng mô hình sản xuất các sản phẩm đặc sản, truyền thống… nếu được xác định rõ trong quy hoạch sản phẩm du lịch sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để xác định, công nhận các điểm du lịch nông thôn, góp phần đa dạng sản phẩm du lịch, thị trường du lịch, tổ chức không gian du lịch cũng là cơ sở để đầu tư nguồn nhân lực du lịch, hệ thống cơ sở đào tạo, bồi dưỡng về du lịch.  

Thực hiện được mục tiêu mỗi tỉnh có ít nhất một điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương, mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù thì đòi hỏi nội dung này phải được thể chế hóa trong quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, quy hoạch tỉnh để có căn cứ tổ chức thực hiện.

Tiếp tục đầu tư, hỗ trợ đầu tư cho phát triển du lịch nông thôn

Luật Du lịch 2017 chưa đề cập cụ thể loại hình du lịch nông nghiệp trong các quy định về tài nguyên du lịch, về hoạt động du lịch. Theo đó, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động phát triển du lịch nông nghiệp, cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phát triển du lịch nông nghiệp cũng chưa được quy định cụ thể.

Thực tế, tại một số địa phương có nhiều trang trại, hợp tác xã nông nghiệp hoạt động du lịch, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn; nhiều hộ gia đình, cá nhân cung cấp dịch vụ du lịch nông nghiệp gắn với phát triển làng nghề truyền thống mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng cơ sở pháp lý để hỗ trợ cho các loại hình này chưa rõ, nhất là liên quan tới chính sách về đất đai.

Thực tế, tại một số địa phương có nhiều trang trại, hợp tác xã nông nghiệp hoạt động du lịch, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Thực tế, tại một số địa phương có nhiều trang trại, hợp tác xã nông nghiệp hoạt động du lịch, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Do đó, để tháo gỡ rào cản pháp lý này, bên cạnh việc bổ sung loại hình du lịch nông thôn, có tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện phù hợp để công nhận điểm du lịch nông thôn thì hoạt động đầu tư, hỗ trợ đầu tư cho phát triển du lịch nông thôn cần được quan tâm, triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới.

Đầu tư, hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch nông thôn là một chuỗi hành động nhằm tạo ra các cơ chế, chính sách, quy định để đầu tư, hỗ trợ cho các hoạt động từ huy động nguồn lực tài chính, đất đai, phát triển các sản phẩm du lịch nông thôn, phát triển hạ tầng, hỗ trợ liên kết, hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng phục vụ du lịch đến tuyên truyền, quảng bá, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch tại khu vực nông thôn… nhưng trong điều kiện kinh tế - xã hội cũng như rào cản pháp lý hiện nay, vấn đề cần ưu tiên quan tâm là mỗi tỉnh, huyện tổ chức thống kê, lựa chọn một số sản phẩm du lịch nông thôn đặc thù có kế hoạch đầu tư phát triển trước, để khi hội tụ được các điều kiện, tiêu chí về hạ tầng, dịch vụ, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường sẽ tổ chức công nhận các khu, điểm du lịch nông thôn phát triển hiệu quả, bền vững.

Với hơn 60% người dân sống ở nông thôn, việc phát triển du lịch nông thôn không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đảm bảo đời sống của bà con nông dân mà còn là phương thức gìn giữ, bảo vệ thiên nhiên, truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc của các vùng nông thôn Việt Nam. Điều này chỉ được thực hiện khi các rào cản pháp lý được tháo gỡ sớm nhất.

Xem thêm
Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.