| Hotline: 0983.970.780

'Thế hệ nhà văn sau 1975', họ là ai?

Thứ Tư 04/05/2016 , 13:15 (GMT+7)

“Thế hệ nhà văn sau 1975” là tên cuộc Hội thảo quốc gia được Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức mới đây. Thế hệ ấy được tính mốc thời gian như thế nào, có vị trí như thế nào trong đời sống văn học hôm nay? 

Nhà lý luận phê bình Văn Giá, Trưởng khoa Viết văn - Báo chí (Trường Đại học Văn hóa) cho biết ý kiến của mình.

Xin hỏi ông, đến thời điểm hiện nay - năm 2016 đã “đủ” để nói về thế hệ nhà văn sau 1975 chưa?

Lâu nay rất nhiều nơi tổ chức hội thảo lấy cái tứ là “đổi mới”. Câu chuyện đổi mới đương nhiên là rất quan trọng. Nhưng cái tứ hội thảo như vậy cũng đã bị lặp lại rồi, không còn đủ mạnh để tạo hấp dẫn đối với giới nghiên cứu nữa. Đã đến lúc cần phải nhận diện thế hệ, trước hết là thế hệ nhà văn sau 1975, tức là thế hệ ngay sau chống Mỹ.

Tứ của hội thảo ở đây là câu chuyện thế hệ. Mà thế hệ ở đây có một số điểm cần được đặt ra: tiếp nối thế hệ trước như thế nào, vượt thoát thế hệ trước như thế nào, đóng góp của thế hệ này thế nào, và những giới hạn của thế hệ này ra sao.

Khi chúng tôi nêu lên cái tứ về hội thảo như vậy được anh em trong giới, nhất là những người thuộc thế hệ này rất ủng hộ. Lý do ủng hộ: Chưa có một hội thảo nào bàn về thế hệ này một cách có tính hệ thống, toàn diện. Nhận diện về thế hệ này đang rất tản mạn, kể cả về phía các thế hệ trước nhìn vào, chính thế hệ họ tự nhìn mình và thế hệ trẻ hơn nhìn vào. Trong khi đó, chủ thể của đời sống văn học hôm nay chủ yếu thuộc về thế hệ các nhà văn sau 1975, được thể hiện rất rõ trong thực tiễn sáng tác, lý luận phê bình, kể cả dịch thuật. Đây chính là động lực để tiến hành hội thảo này.

Vậy thì “Thế hệ nhà văn sau 1975” được tính như thế nào? Sinh sau 1975, hay sau 1975 đã trưởng thành?

Thế hệ này được tính là từ sau 1975 họ bắt đầu cầm bút và khẳng định.

Vâng, nhưng chúng ta đang bàn về “Thế hệ nhà văn sau 1975”, nghĩa là không chỉ những người sinh sau nửa 5x đến 6x, và sẽ có người thắc mắc còn thế hệ 7x, 8x, thậm chí 9x hiện nay nữa đâu?

Vì thành tựu của thế hệ 7x, 8x tuy đã có khá nhiều nhưng vẫn đang trong quá trình định hình, chưa tạo ra một diện mạo, một thế hệ. Để trở thành diện mạo, phải có những đặc điểm riêng biệt. Lớp những người cầm bút 9x thì đang còn mỏng cả về đội ngũ và chất lượng.

Khi nhận diện thế hệ nhà văn sau 1975, ngoài căn cứ về mặt thời gian thì có phải căn cứ vào tác phẩm không?

Chắc chắn phải căn cứ vào thành tựu sáng tạo là chính. Muốn đánh giá những đóng góp của nhà văn phải căn cứ vào tác phẩm. Bất cứ thế hệ nhà văn nào cũng có tác giả nền và tác giả đỉnh. Đây là câu chuyện không đơn giản, có nền mới có đỉnh, đỉnh được gọi là đỉnh chỉ khi có nền. Ở đây không đặt ra vấn đề hơn kém mà là cùng đóng góp, cùng tạo dựng.

vn-gi-1171237653
PGS.TS Văn Giá

Mục đích của sự nhận diện "Thế hệ nhà văn sau 1975" là gì?

Sau 40 năm thống nhất đất nước và 30 năm đổi mới, nền văn học Việt Nam đã có nhiều đổi thay và đạt được nhiều thành tựu mới, trong đó có đóng góp to lớn của những người cầm bút xuất hiện và trưởng thành từ sau 1975. Đã đến lúc cần có sự tổng kết và đánh giá những thành tựu của giai đoạn văn học này nói chung và thế hệ nhà văn này nói riêng.

Hội Nhà văn Việt Nam dự kiến đến tháng 6 này tổ chức Hội nghị Lý luận phê bình văn học để bàn về văn học sau 30 năm đối mới, tính từ 1986. Vậy, nếu căn cứ vào mốc 1986 và những đổi mới về tư tưởng nghệ thuật thì "Thế hệ nhà văn sau 1975" có bị chia tách thành nhiều giai đoạn khác nhau không?

Khái niệm “Thế hệ nhà văn sau 1975” được chia thành nhiều lớp: Lớp thứ nhất là lớp kế tiếp ngay sau thế hệ chống Mỹ, sinh khoảng nửa sau 5x, 6x. Thế hệ sau là 7x, 8x cho đến các cây bút mới hiện nay.

Nhưng không có một cách đặt tên hội thảo nào khả dĩ hơn để nói rõ rằng đây là lớp liền kề thế hệ chống Mỹ. Chúng tôi cũng không muốn dùng tên gọi “hậu chiến”, bởi chữ “hậu chiến” không phải là khái niệm có tính học thuật, vả lại dễ gây hiểu nhầm. Thế nên tạm chấp nhận tên gọi “Thế hệ nhà văn sau 1975”, nhưng trong các thông điệp truyền đi nhấn mạnh vào thế hệ liền kề với thế hệ chống Mỹ. Dĩ nhiên trong Hội thảo cũng có một số trường hợp thuộc 7X, 8X được nêu lên trong phần tổng quan, nhưng được hiểu như một sự liên hệ cần thiết, chứ không phải trọng tâm. Với lớp nhà văn này, rất xứng đáng cần có một hội thảo riêng.

Xin cảm ơn ông!

Một số gương mặt tiêu biểu của thế hệ nhà văn sau 1975 được đưa ra tại hội thảo bao gồm:

Văn xuôi: Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Lập, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Một, Dạ Ngân, Đoàn Minh Phượng, Phan Thị Vàng Anh.

Thơ: Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh, Nguyễn Quang Thiều, Trần Anh Thái, Mai Văn Phấn, Trần Quang Quý, Trần Hùng, Inrasara, Dương Thuấn, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Bình Phương, Giáng Vân.

Lý luận phê bình: La Khắc Hòa, Trương Đăng Dung, Đỗ Lai Thúy, Trần Ngọc Vương, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Đăng Điệp, Nguyễn Hữu Sơn, Trịnh Bá Đĩnh, Hồ Thế Hà, Nguyễn Thành Thi, Đoàn Lê Giang, Chu Văn Sơn, Lưu Khánh Thơ…

Dịch thuật: Phạm Xuân Nguyên, Hồ Anh Thái, Ngô Tự Lập, Trần Tiễn Cao Đăng, Nguyễn Đình Thành…

 

Xem thêm
Đàm Vĩnh Hưng xác lập kỷ lục

Đàm Vĩnh Hưng nhận bằng kỷ lục 'Ca sĩ trình diễn nhiều tiết mục mashup nhất trong một chương trình ca nhạc' tại liveshow 'Ngày em thắp sao trời'.

Real Madrid vô địch La Liga sớm 4 vòng đấu

Real Madrid đã chính thức giành chức vô địch La Liga mùa giải 2023-24 sau khi chứng kiến đối thủ cạnh tranh Barcelona gục ngã trước Girona.

Cơ thủ Dương Quốc Hoàng vô địch Billiards châu Âu: Kỳ tích lịch sử

Cơ thủ Dương Quốc Hoàng xuất sắc giành chức vô địch giải pool 9 bi quốc tế Jacoby Scottish Open 2024, làm nên lịch sử cho bi-a Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.