| Hotline: 0983.970.780

'Thị trường ngách' của lúa gạo chế biến

Thứ Năm 07/07/2022 , 11:45 (GMT+7)

Không thể cạnh tranh với miền Nam về lúa chất lượng cao để xuất khẩu, Bình Định chú tâm sản xuất những dòng lúa phục vụ chế biến và đã mang lại hiệu quả cao.

Lợi thế "đất trăm nghề"

Bình Định được mệnh danh là "đất trăm nghề", trong đó có nhiều làng nghề sản xuất bún, bánh và nấu rượu. Nghề nào cũng dùng gạo làm nguyên liệu để chế biến. Gạo chế biến thì không phải dùng gạo nào cũng được, mà phải là gạo có hàm lượng amylose cao, trên 25%.

Loại gạo này nấu ăn không ngon, bởi hạt cơm khô và cứng. Nhưng nếu dùng làm nguyên liệu để sản xuất bún, bánh thì không gì tuyệt hơn, bởi nó cho bột rất nhiều. Bột nhiều đồng nghĩa làm ra được nhiều sản phẩm bún, bánh, cơ sở sản xuất sẽ có lãi nhiều hơn.

Thế mạnh của lúa phục vụ chế biến ở Bình Định là tỉnh này có rất nhiều cơ sở sản xuất bún, bánh. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Thế mạnh của lúa phục vụ chế biến ở Bình Định là tỉnh này có rất nhiều cơ sở sản xuất bún, bánh. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đơn cử chỉ ở Thị xã An Nhơn (Bình Định), đã có rất nhiều làng nghề sản xuất bún, bánh. Ví như làng nghề bánh tráng ở xã Nhơn Phúc có đến 100 lò tráng bánh bằng máy. Nghề tráng bánh làm quanh năm, trừ những tháng mưa, sản phẩm cung ứng thị trường các tỉnh Tây Nguyên, vào Nam, ra Bắc.

Hàng ngày, mỗi lò tráng bánh bằng máy tiêu thụ khoảng 100kg gạo mới đủ sản phẩm để bán. Chỉ tính với 100 lò tráng bánh ở Nhơn Phúc, mỗi ngày tiêu thụ đến 10 tấn gạo, đó là chưa kể những lò sản xuất bún gạo ở địa phương này. Không chỉ Nhơn Phúc, ở Bình Định nghề sản xuất bún, bánh nhan nhản khắp nơi. Thế mới thấy Bình Định phát huy lợi thế, đẩy mạnh sản xuất dòng lúa phục vụ chế biến là đi đúng hướng.

Bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định khẳng định, từ lâu ngành nông nghiệp tỉnh này đã xác định thế mạnh của cây lúa là phục vụ cho chế biến. Do đó, trong cơ cấu giống lúa của Bình Định, dòng lúa phục vụ chế biến chiếm tỷ trọng cao trong các giống lúa chủ lực.

Cũng theo bà Trân, các giống lúa phục vụ chế biến không chỉ để cung cấp cho các cơ sở sản xuất bún, bánh và nấu rượu trong tỉnh, mà người dân nông thôn còn dùng làm lương thực để ăn quanh năm. Bởi, "gu" ăn gạo của người dân nông thôn Bình Định không phải là gạo dẻo, mềm, thơm như dân thành phố, mà hạt cơm phải cứng mới hợp khẩu vị.

Mỗi lò tráng bánh bằng máy mỗi ngày tiêu thụ khoảng 100kg gạo mới đủ sản phẩm để bán. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Mỗi lò tráng bánh bằng máy mỗi ngày tiêu thụ khoảng 100kg gạo mới đủ sản phẩm để bán. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Về "gu" ăn gạo của người dân nông thôn, TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ phân tích: “Người dân phố thị, công chức thích ăn gạo mềm là vì không lao động chân tay nên ăn cơm mềm cho dễ tiêu.

Còn với người dân nông thôn, nếu ăn 4 chén cơm mềm khoảng 4 giờ đồng hồ sau sẽ thấy đói, nhưng ăn 4 chén cơm cứng phải 6 - 7 tiếng đồng hồ sau mới đói, phù hợp với những công việc lao động chân tay. Vả lại, người dân miền Trung ăn cơm thường có canh, cơm mềm chan canh vào sẽ bị nhão, còn cơm cứng chan canh vào thì vừa ăn”.

Lúa phục vụ chế biến lúc nào cũng "cháy hàng"

Những dòng lúa phục vụ chế biến không chỉ được tiêu thụ mạnh ở Bình Định mà còn xuất bán được nhiều thị trường trong nước. Theo ông Đoàn Tuấn Sỹ, Phó trưởng Phòng Kinh tế Thị xã An Nhơn - một trong những vựa lúa ở Bình Định, trong cơ cấu các giống lúa chủ lực của địa phương này, chiếm hầu hết là các giống lúa phục vụ chế biến như TBR1, Q5, ĐV108 và mới đưa vào sản xuất đại trà thêm giống VNR20.

“Lúa thương phẩm các giống nói trên lúc nào cũng có giá cao hơn các giống lúa dòng chất lượng và được thương lái thu mua rất mạnh. Năm 2021, thương lái lùng sục tranh mua lúa phục vụ chế biến, ngoài để cung ứng cho các cơ sở sản xuất bún, bánh và nấu rượu trong tỉnh, còn xát ra gạo chở vào cung ứng cho thị trường miền Nam cũng để phục vụ chế biến. Do đó, vụ sản xuất nào các giống lúa TBR1, Q5, ĐV108 và VNR20 cũng chiếm trên 60% diện tích sản xuất của địa phương”, ông Đoàn Tuấn Sỹ cho hay.

Chiếm hơn 60% diện tích sản xuất lúa trong vụ mùa ở Bình Định là các giống lúa phục vụ chế biến. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Chiếm hơn 60% diện tích sản xuất lúa trong vụ mùa ở Bình Định là các giống lúa phục vụ chế biến. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả các giống phục vụ chế biến đa chức năng, vừa cung ứng thị trường gạo ăn, vừa cung ứng cho nhu cầu làm nguyên liệu để sản xuất bún, bánh và nấu rượu trong tỉnh đang là định hướng mà ngành nông nghiệp Bình Định tiếp tục hướng tới.

“Tuy nhiên, nếu địa phương nào xây dựng được thương hiệu các giống lúa chất lượng và đảm bảo được đầu ra thì vẫn làm, hiện trên địa bàn mới chỉ có vài ba HTX nông nghiệp làm được các giống lúa chất lượng. Bởi thực tế cho thấy, đến mùa thu hoạch là thương lái chỉ chú trọng thu mua những giống lúa phục vụ chế biến vì có đầu ra rộng hơn, chứ thu mua các giống lúa chất lượng tiêu thụ khó”, bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định chia sẻ.

Theo TS Hồ Huy Cường, không chỉ có Bình Định, mà cả vùng Duyên hải Nam Trung bộ đều xác định thế mạnh của cây lúa là phục vụ chế biến, là nguồn cung cho cả miền Nam lẫn miền Bắc để sản xuất bún, bánh. Hiện các giống lúa phổ biến trong sản xuất ở vùng Nam Trung bộ là ĐV108, TBR1, Khang dân 18, QN9 và một số giống mới của Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ như BĐR999.

Ngành nông nghiệp Bình Định xác định lúa phục vụ chế  biến là thế mạnh trong sản xuất lúa của tỉnh này. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ngành nông nghiệp Bình Định xác định lúa phục vụ chế  biến là thế mạnh trong sản xuất lúa của tỉnh này. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy trong vụ đông xuân hàng năm, các tỉnh trong khu vực Nam Trung bộ chiếm đến 60 - 70% diện tích sản xuất lúa là các giống chất lượng khá, cho gạo ngon, cơm mềm để cung ứng nhu cầu gạo ăn cho thị trường nội địa như các giống HT1, Đài thơm 8, ANS1, VTNA6, diện tích còn lại sản xuất các giống lúa chế biến.

Thế nhưng sang vụ hè thu, các giống lúa phục vụ chế biến được sản xuất vượt trội hơn để phục vụ cho các cơ sở sản xuất bún, bánh và nấu rượu, nhất là phục vụ cho nhu cầu tăng cao của các sản phẩm chế biến trong dịp cuối năm”, TS Hồ Huy Cường đúc rút.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.