Xoài cát Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang nhiều năm qua đã khẳng định được vị thế đối với người tiêu dùng. Đặc biệt cây cho trái đẹp, chất lượng vào dịp cận Tết Nguyên đán, nên sức tiêu thụ khá mạnh.
Riêng năm nay, thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều, khoảng một tháng trở lại đây trở lạnh, khiến xoài ra hoa bị rụng nhiều, đậu trái ít hơn so với mọi năm. Theo nhiều bà con nông dân ở vùng trồng xoài cát Bảy Ngàn, sản lượng thu hoạch xoài cát phục vụ thị trường Tết cuối năm sẽ có phần sụt giảm. Bên cạnh đó, yếu tố bất lợi của thời tiết cũng ảnh hưởng đến màu sắc trái. Dự kiến, xoài cát Bảy Ngàn sẽ bước vào vụ thu hoạch rộ trong khoảng 25 – 26 tháng Chạp tới đây.
Tại thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, chị Nguyễn Thị Kim Chi, một nông dân có thâm niên trồng xoài cát và cũng là thương lái thu mua mặt hàng trái cây này. Chị Kim Chi chia sẻ, hiện giá xoài cát đang ở mức khá cao, từ 70.000 – 80.000 đồng/kg, nhưng nhiều bà con không đủ sản lượng để cung ứng. Nhiều vườn xoài ở thị trấn hiện chỉ còn xoài Đài Loan trên cây. Xoài cát còn số lượng rất ít.
Hợp tác xã trái cây sinh học OCOP ở thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, có 265 hộ nông dân liên kết trên diện tích 300ha để trồng các loại nông sản cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Chủ lực là các mặt hàng bưởi Năm Roi, bưởi da xanh, chanh, cam, khóm, dưa hấu. Mặc dù thị trường sau dịch Covid-19 tương đối ổn định, thế nhưng hiện tại, sản lượng trái cây hợp tác xã cung ứng cho các đối tác giảm, thấp hơn mọi năm khoảng 10%.
Nhận định về thị trường tiêu thụ trái cây dịp cuối năm, ông Trần Bá Sơn, Giám đốc Hợp tác xã trái cây sinh học OCOP cho rằng, sức mua giảm, sản lượng trái cây ở vườn cũng giảm. Riêng mặt hàng bưởi da xanh, hiện giá đang xuống thấp, do nhiều vườn bưởi ở một số địa phương trên cả nước đang vào vụ. Vì thế từ đây đến Tết Nguyên đán sản lượng bưởi có thể tăng cao.
Hiện giá bưởi da xanh mua tại vườn dao động ở khoảng 15.000 – 18.000 đồng/kg, bưởi Năm Roi khoảng 7.000 – 8.000 đồng/kg loại xô, thấp hơn năm ngoái từ 5.000 – 7.000 đồng/kg. Với mức giá này, ông Sơn dự báo, có khả năng bà con nông dân sẽ neo trái lại để chờ giá lên.
“Thời điểm này sức tiêu thụ đang yếu, sản lượng bưởi trong dân, đặc biệt là bưởi da xanh còn rất nhiều. Thị trường trong nước là vậy, còn nguồn hàng xuất khẩu thì số lượng không ảnh hưởng, lượng hàng mỗi tháng xuất đi của hợp tác xã vẫn giữ ổn định ở mức khoảng 200 tấn/tháng”, ông Sơn cho hay.
Trái ngược với thị trường tiêu thụ bưởi, bà con nông dân trồng vú sữa hoàng kim ở tỉnh Hậu Giang lại đang vô cùng phấn khởi vì giá đang ở mức cao. Những ngày này, anh Trần Ngọc Lợi ở xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp đang tích cực chăm sóc vườn vú sữa hoàng kim trên 30 công (30.000 mét vuông) của gia đình. Đây là thời điểm sức mua tăng mạnh, vì thế anh Lợi rất tỉ mỉ theo dõi, chăm sóc vườn từ giai đoạn ra trái cho đến khi thu hoạch.
“Hiện nay đầu ra đối với trái vú sữa hoàng kim rất ổn định. Các thương lái thu mua tại vườn với mức giá 40.000 đồng/kg. Đây là loại cây dễ trồng, phù hợp thổ nhưỡng và khí hậu của tỉnh Hậu Giang. Hơn nữa, từ khi ra hoa đến thu hoạch chỉ khoảng 4 tháng. Mọi năm dịp Tết Nguyên đán nhu cầu mua vú sữa hoàng kim tăng cao, đẩy giá loại trái cây này tăng mạnh, thậm chí là tăng gấp đôi so với ngày thường”, ông Lợi phấn khởi cho hay.
Khoảng 1 tháng trở lại đây, đều đặn 4 ngày một lần, vườn vú sữa hoàng kim của ông Lợi sẽ được thương lái tới thu mua, số lượng mỗi đợt dao động từ 700 kg đến 1 tấn trái.
Dù thị trường sẽ có những biến động trong thời điểm này, nhưng bằng kinh nghiệm xử lý và kỹ thuật chăm sóc cây, bà con nông dân tỉnh Hậu Giang đã tạo ra nhiều sản phẩm trái cây chất lượng cung ứng cho thị trường dịp Tết Nguyên đán. Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo bà con nông dân thường xuyên thực hiện kịp thời các biện pháp phòng trừ dịch hại trong giai đoạn này để đảm bảo cây phát triển tốt, cho năng suất cao, đạt lợi nhuận khá để có một cái Tết sung túc hơn.