| Hotline: 0983.970.780

Thôi cháu ơi, một nhịn chín lành, đã út thì 'giàu út ăn khó út chịu'!

Thứ Sáu 10/08/2018 , 06:50 (GMT+7)

Cháu bất mãn quá. Nhưng cháu là dâu thì cũng không có ai nghe. Chị hai nói chị không ham tiền, chị sẽ cho phần của chị cho anh ba để anh ba không mang tiếng có bên vợ hùn cái nhà anh đã xây, vậy là anh ba được toàn quyền...

Thưa cô,

Cháu là con dâu út của gia đình có ba chị em. Chị hai, anh ba và chồng cháu. Mẹ chồng cháu góa từ khi cháu còn chưa về làm dâu, một tay bà giúp đỡ chị hai và lo cho anh ba ra riêng. Vợ chồng cháu được ở với bà, trong căn nhà ở trong hẻm nhưng là hẻm cụt, xe hơi vô ra dễ dàng.

Chính vì căn nhà mà khi mẹ chồng qua đời, mấy chị em cứ hục hặc nhau. Chán quá cô ơi. Thời nghèo, thương nhau, bây giờ chị hai cũng có căn hộ không rộng nhưng khang trang, anh ba hùn với bên vợ cũng xây được nhà hẹp nhưng một trệt một lầu. Căn nhà chồng cháu đang thừa hưởng biết bao kỷ niệm từ hồi ba mẹ mới làm nhà cấp bốn, sau mới là nhà lầu. Bàn thờ của ba mẹ ở đây, mỗi năm hai lần giỗ cũng ở đây.

Chị hai nghe lời anh ba, nói con trai lớn phải thờ cúng. Vậy là chị với anh quyết bán nhà để chia. Phải nói chồng cháu hiền lành yếm thế từ nhỏ, vậy nên được mẹ cưng, cũng vì vậy mà anh không dám chống lại. Mẹ không có di chúc, mẹ chồng cháu chết sớm mà cô, bà mới 62 tuổi thì mất. Chắc do bà lao lực quá, một nách ba con, lại góa sớm, từ khi trẻ đến lúc mất chỉ một nghề là bán bánh mì gà thôi cô. Xe bánh mì của mẹ nổi tiếng đến mức cả đoạn vỉa hè này nhảy ra một dãy xe ăn theo bà. Chồng cháu là công chức, cháu cũng công chức, không muốn nối nghiệp mẹ, thức khuya dậy sớm hoài chịu không thấu. Chồng cháu định, lâu dài, tầng dưới sẽ cho thuê, bàn thờ và vợ chồng con cái chuyển lên trên lầu, kiệm tiện cũng đủ sống.

Cháu bất mãn quá. Nhưng cháu là dâu thì cũng không có ai nghe. Chị hai nói chị không ham tiền, chị sẽ cho phần của chị cho anh ba để anh ba không mang tiếng có bên vợ hùn cái nhà anh đã xây, vậy là anh ba được toàn quyền, được thờ cúng ba mẹ. Còn tụi cháu, chị hai với anh ba không tính cho, tụi cháu đi mướn nhà ở chắc? Với số tiền 1 phần 3 không có ưu tiên út ít gì, không biết tụi cháu có mua được căn hộ chung cư chót vót trên tầng 5 không nữa.

Cô ơi, cháu làm sao bây giờ cô? Quyền huynh thế phụ, mà huynh như anh ba thì anh ấy chỉ lo vun vén cho vợ chồng anh thôi. Chồng cháu động viên, thôi kệ, mướn nhà cũng được, sẽ để dành thêm, bây giờ giỗ chạp giao anh chị tính, sao cũng được, cùng lắm thì lập bàn thờ riêng mạnh ai nấy cúng cũng đâu có sao. Cháu không chịu vậy, buồn lắm cô, chán lắm cô.

----------------------

Cháu thân mến!

Theo tinh thần thừa kế, cháu cũng biết rồi đó, nếu mẹ không di chúc thì quyền lợi của ba chị em cháu đều nhau. Vì vậy, nếu mẹ thương út, mẹ muốn út ở trong căn nhà kỷ niệm và sẽ thờ cúng ba mẹ, mẹ chồng cháu phải lập di chúc. Khi đã có di chúc, cũng chưa yên, vẫn xem ông bà nội ông bà ngoại còn sống không, đó là những đối tượng được thừa kế, như các con. Chưa xong, hồ sơ sau công chứng theo di chúc, vẫn phải treo ở nơi có hộ khẩu của người mất xem có ai khiếu nại không? Nếu chị hai và anh ba của chồng cháu khiếu nại, lập tức họ phải xem xét lại, rằng người lập di chúc có khỏe mạnh minh mẫn không, có bị sức ép từ ai không.

Phàm là nước mắt chảy xuôi, ba mẹ lo cho con chứ anh chị em thì nhất thân nhất phận. Nước mắt không chảy ngang. Chị hai đang chảy xuôi xuống anh ba, có lẽ vì chị ấy thấy căn nhà của anh ấy để hai bên góp vào thì anh ấy mất thế với nhà vợ. Không biết do đâu mà chị ấy nghĩ anh ba thờ cúng mới phải chứ không phải chồng cháu. Hoặc là quan niệm cúng là gánh vác, hoặc là chị dâu thứ ba quán xuyến giỏi giang hơn cháu, hoặc là sâu xa từ lâu chị ấy thấy mẹ chồng cháu thiên vị cái đôi út ít ụt ịt nên giờ chị ấy muốn “sửa sai”, muốn thể hiện…

May là chỉ có ba chị em. Nếu mười người thì vẫn phải chia theo luật thừa kế. Thôi cháu ơi, một nhịn chín lành, đã út thì “giàu út ăn khó út chịu”. Cô nghĩ, căn hộ hai tầng, trong hẻm rộng, ô tô vào ra được, sẽ rất được giá. Nếu thuận theo anh chị để vui cửa vui nhà thì nên theo, như chồng cháu nghĩ, giao anh ba bàn thờ, giao cái gánh ấy cho quyền huynh thế phụ. Các cháu chưa mua được chỗ mới thì đi thuê, tích cóp, rồi sẽ làm ra căn hộ của mình, ban đầu nhỏ xíu, sau to hơn và to hơn nữa.

Không ai vào đời mà nhà cao cửa rộng ngay. Cũng không ai thắt lưng buộc bụng mà đói cả. Không căn nhà nào là mãi mãi, chỗ cuối cùng là nơi mình sẽ ra đi về miền cực lạc, với các cháu chuyện ấy còn xa lắm. Vì vậy mà nên vui vẻ chia đồng đều nếu chị và anh đã quyết thế, kiêu hãnh, không van vỉ, không xin xỏ, không cắt xén. Vật chất mãi vô nghĩa, tình cảm mới quan trọng, có để chia trong thuận thảo, còn hơn giành giật cắn xé nhau, mất hết những gì ba và mẹ đã dày công vun đắp cho, nhé.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm