| Hotline: 0983.970.780

Thôi, đã xong một cuộc đời, xong một cuộc hôn nhân, một sự giải thóat...!

Thứ Hai 29/10/2018 , 06:50 (GMT+7)

Cháu không nghĩ như mẹ chồng, thế hệ của cháu đã khác rồi mà. Sống với ma men, lại ưa bạo lực, mất mạng có ngày. Rồi chồng cháu cũng phải trả giá...

Cô Dạ Hương kính mến!

Cháu năm nay 40 tuổi, cũng có chồng có hai con như người ta. Nhưng ai sao không biết chớ chồng cháu không chịu làm ăn bình thường. Anh có cái tật ham nhậu, nhậu về thì kiếm chuyện với vợ con. Bốn năm trước, cháu chịu hết nổi, cháu để lại cho anh đứa con gái đầu lòng lúc đó vô lớp 10 rồi, cháu đứa đứa con trai nhỏ học lớp 6 vô thành phố làm thuê làm mướn nuôi con.

Cũng không phải cháu bỏ lửng con gái đâu cô. Cũng vì có bà nội với mấy cô nó ở gần nên cháu mới tính như vậy. Ba năm con gái cháu học cấp ba, nội với mấy cô chăm sóc dạy dỗ là chính. Nhưng hai cha con vẫn sống với nhau, nó cũng lo cơm nước cho ba, cháu gửi tiền về nuôi con, chồng cháu lo cho mỗi cái thân của anh ấy.

Cháu không nghĩ như mẹ chồng, thế hệ của cháu đã khác rồi mà. Sống với ma men, lại ưa bạo lực, mất mạng có ngày. Rồi chồng cháu cũng phải trả giá. Đêm đó nhậu về, ngủ, sáng ra con gái phát hiện ba chết từ hồi nào không biết nữa. Cháu tức tốc đưa con trai về lo hậu sự. Nhưng khổ là con đang học trong đó, chưa xin chuyển được, cháu phải gởi nó cho chủ quán cháu làm đó cô. May là người ta thương, năm nay nó lớp 9 rồi cô. Có gì cũng hết học kỳ 1 rồi mới chuyển được.

Ba mẹ cháu nói chồng đã giải thoát cho cháu. Nhưng cháu lại nghĩ, anh ấy giải thoát cho chính anh, không thì cũng bị ung thư gan mà chết. Con gái của cháu đang học nghề điều dưỡng, nó đòi đi Nhật lao động đó cô. Cháu không đủ tiền nhưng nếu con muốn quá cháu sẽ ráng, có cái nghề đó, đi xong về cũng dễ xin việc. Chuyện là mẹ với con gái mà xa cách, nó lạnh. Nó không thương ba vì ba nhậu quá mà nó cũng không thương cháu nữa.

Dù gì bà nội nó cũng xót con trai, xa lánh cháu, nói gần nói xa, nói bóng gió lắm. Cháu nghĩ hay là cháu để con gái cho nội nó, cháu trở vô thành phố, căn nhà của hai vợ chồng cháu sẽ bán để lo cho con đi Nhật. Nhưng cháu tiếc, chỗ bàn thờ ba nó, cháu muốn về lại để buôn bán gì đó mấy mẹ con bên nhau. Nhưng gần nội nó quá cháu không thích còn bán nhà thì các con của cháu mất luôn một cái nhà. Cháu không biết tính sao bây giờ cô ơi?

---------------------

Cháu thân mến!

Đúng là phận đàn bà bây giờ bấp bênh quá. Phụ nữ có học, nhiều cơ hội, cũng dễ thay đổi hôn nhân. Phụ nữ ít học, lao động phổ thông, hay gặp chồng bệ rạc, kém cỏi, vũ phu, cũng tan. Bao nhiêu đôi rã gánh, con cái hoang mang, số phận của chúnglại bấp bênh như cái này lồng trong cái kia, truyền đời.

Cháu đã chọn một giải pháp dứt khoát. Không mấy ai dám làm như vậy đâu. Để con gái lại cho chồng được chăm sóc và thăng bằng, nhưng có thể nhà chồng lại nghĩ cháu bạc, cháu tỉnh, cháu lạnh. Khi ấy con gái đã 16 tuổi, có nhà nội bên cạnh, cũng tạm ổn. Cầm bằng như ly hôn mà không có phiên tòa, cháu chỉ chia con và còn gửi tiền về để nuôi con gái nữa. Nếu hiểu biết sẽ nghĩ, giải pháp này khả dĩ nhất, an toàn cho cả bốn người, có ly dị không, khi con cái lớn nữa, sẽ tính. Vấn đề là cậu ấy, chồng của cháu không tu tâm dưỡng tính.

Thôi, đã xong một cuộc đời, xong một cuộc hôn nhân, một sự giải thóat cho chính cậu ta và cháu. Chuyện còn mới quá, hoàn cảnh cháu dư luận eo sèo, nhà chồng kề bên, con gái mình cầm chắc bị tác động. Bình tâm đi cháu. Nhưng con đang học nghề, nó không chờ mình nghĩ lâu được, con trai nhỏ đang lớp 9, rất quan trọng, chuyển trường về quê hay ở lại thành phố, không dễ có quyết định mỹ mãn.

Nên đối thoại với con gái. Hình như cháu thấy mình có lỗi vì đã bỏ lửng cha con nó nên cháu mất tự tin. Mà nó cũng thân với nhà nội quen rồi, ấy là chỗ dựa tinh thần sâu sắc của nó. Cũng nên bàn với nội nó nữa, cầm nhà cho ngân hàng, được không, để có ít tiền cho con đi xuất khẩu điều dưỡng mà không phải bán nhà? Rồi cháu trở lại thành phố, cày cục nuôi đứa con lâu nay mình vẫn bảo bọc ấy. May là cha hư chứ các con đều ngoan, cháu hãy tự tin và xáp lại gần con, gần nhà nội nó đi để tìm câu trả lời, tìm giải pháp đúng, nhé.

Dù gì cũng chưa bỏ nhau, bàn thờ còn nóng, con gái mình cứng cỏi, học hành suôn sẻ, quá tốt. Bình tâm, mẹ và con gái không mất đi đâu mà sợ.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm