| Hotline: 0983.970.780

Thời khắc cuối của Cộng hòa Khmer: Cái chết của Thủ tướng Boret

Thứ Sáu 29/05/2015 , 06:15 (GMT+7)

Ngoài Thủ tướng Boret, em trai Tổng thống Lon Nol là Lon Non, hoàng thân Sisowath  đều bị Khmer Đỏ giết chết./ Bỏ chạy

Dọc đại lộ Norodom, trước nhà thủ tướng, binh lính và dân thường, trẻ và già, đi bộ về phía bắc. Họ hò reo, chen lấn. Lính bộ binh, hải quân và không quân xé bỏ phù hiệu, tung mũ và khăn lên trời.

Xe jeep chất đầy thường dân và sinh viên chạy ra chạy vô. Xe quân sự diễu hành từ Tượng đài Độc lập tới Wat Phnom. Binh lính tháo băng đạn ra khỏi súng, hô vang “hòa bình”, “hòa bình”.

Thủ tướng Boret quay lại trụ sở quân đội và xác nhận quân Khmer Đỏ đã chiếm được căn cứ hải quân Chroy Changvar.

“Tôi lái xe về phía Cung điện Hoàng gia, rồi dọc theo bến tàu đến tòa nhà nổi Lotus d’Or”, Thủ tướng Boret kể. “Rồi đột nhiên, một số người đàn ông mặc đồ đen vây quanh xe của tôi. Họ tịch thu vũ khí của các cận vệ và của tôi. May là họ không biết tôi nên cuối cùng thả tôi đi”.

Những người có mặt hiểu ra điều quan trọng: quân Khmer Đỏ đã vượt sông và hiện có mặt tại thủ đô Phnom Penh.

Bộ trưởng Quốc phòng, tướng Sutsakhan, lúc đó là Chủ tịch Ủy ban tối cao Campuchia và Thủ tướng Boret đều có suy nghĩ “Điều gì đã xảy ra với thông điệp gửi đến Hoàng thân Sihanouk ở Bắc Kinh đề nghị được trực tiếp đầu hàng trước ngài?”

Vào thời điểm đó, Bộ trưởng Thông tin tạm quyền Thong Lim Huong bước vào phòng và đưa cho thủ tướng một bức điện tín. Khi đọc bức điện, môi ngài thủ tướng mím chặt. Ông ta không nói một lời, đưa nó cho tướng Sutsakhan.

“Hoàng thân Sihanouk đã từ chối đề nghị của chúng ta”, Boret nói. “Ông ta chỉ nói những ai còn lãnh đạo chính thể cộng hòa sẽ bị lên án đến chết”.

Có một tâm trạng tuyệt vọng sâu sắc lan tỏa trong căn phòng. Các thành viên của chính phủ không đón chờ phản ứng này từ hoàng thân Sihanouk. Từng người một, họ rời căn phòng, bỏ lại thủ tướng và bộ trưởng quốc phòng trong câm lặng.

Căn cứ hải quân thất thủ

Tại căn cứ hải quân Chroy Changvar, cuộc giao tranh đã chấm dứt. Cờ trắng giăng khắp nơi và mọi sự kháng cự bị đập tan. Quân Khmer Đỏ mặc đồ đen đổ vào doanh trại.

“Bỏ vũ khí xuống”, họ ra lệnh cho những người lính còn lại. Quân Khmer Đỏ đi lại thoải mái trong doanh trại, mở mọi căn phòng, khám xét đồ dùng cá nhân.

Quân Khmer Đỏ tiến đến một căn phòng nhỏ, không có gì đặc biệt nhưng đó là phòng của Tư lệnh hải quân Sarendy. Khi quân nổi dậy bước vào, vị tư lệnh đưa súng ngắn lên má phải, bóp cò…

Trong khi đó, hai trực thăng đang nổ máy đợi ở sân vận động Olympic, cách nhà thủ tướng khoảng 5 phút đi xe. Tướng Sutsakhan đề nghị thủ tướng gói một ít đồ và chuẩn bị lên đường.

Ông tướng cũng phái người đi đón vợ con và đưa họ tới chỗ máy bay trực thăng. Dân nông thôn tiếp tục chạy vào các thành phố, đặc biệt là Phnom Penh. Mọi con đường chính bị phong tỏa, kể cả dòng sông Mekong.

Tinh thần của binh lính cộng hòa rệu rã ngay từ khi người Mỹ rời đi năm ngày trước.

Vào 10h30 sáng 14/4/1975, một phi công ném 4 quả bom hai tạ vào trụ sở quân đội. Những trái bom rơi không trúng tòa nhà chính nơi có các thành viên chính phủ nên chỉ gây ra những thiệt hại nhỏ. Nhưng điều này chứng tỏ tinh thần binh sỹ của chính phủ đã rệu rã đến mức nào.

Cơ hội cuối cùng

Cánh quạt trực thăng quay phần phật càng khiến tướng Sutsakhan thêm mất kiên nhẫn. Ngài thủ tướng đang ở đâu? Hành khách đã lên kín khoang máy bay. Nhưng ghế lái phụ, vị trí dành cho Thủ tướng Boret, vẫn trống.

Tướng Sutsakhan đã cố gắng lắm mới đến được sân vận động. Vị chỉ huy một thời đầy quyền uy, ngồi trong xe limousine có tài xế riêng, đã phải cố gắng lắm mới lách thoát những đám đông trên phố.

Mọi căn nhà, mọi văn phòng bị lục tung, đồ đạc bị vứt đầy ra đường. Lính vứt súng xuống vỉa hè, sinh viên hô “hòa bình”, “hòa bình”.

Lúc này là 8h30 sáng. Vị tướng đã ở trên trực thăng 12 phút, đợi Thủ tướng Boret. Đúng lúc đó, một chiếc Mercedes màu đen chạy đến. Đó là ông thủ tướng. Ông đi một mình, vẫn mặc bộ quân phục vải kaki, mũ phớt. Người ta đỡ ông lên ghế lái phụ.

09-47-13_long_boret
Thủ tướng Long Boret (wikipedia)

Vị thủ tướng trẻ tuổi đưa mắt như muốn xin lỗi về sự chậm trễ của mình. Mắt ông ta gặp ánh mắt của phu nhân Sutsakhan. Mặt ông bỗng nhợt nhạt: “Vợ tôi đâu rồi?". Vị tướng hỏi: “Ông bà không đi cùng nhau sao?”.

Cuối cùng, một chiếc xe hòm xuất hiện. Phu nhân Thủ tướng Long Boret kéo theo con cái và khoảng 10 thành viên gia đình và thân hữu, mang lỉnh kỉnh các loại đồ đạc.

“Tôi đã nói là chỉ một ít đồ dùng thôi, thưa ngài thủ tướng”, tướng Sutsakhan nói nhỏ. “Chúng ta không thể mang theo tất cả những người này cùng đồ đạc của họ”.

Phi công của chiếc trực thăng chiến đấu đi hộ tống đang bay theo ở phía trên liên tục thúc giục phi công dưới mặt đất cất cánh ngay. “Thôi được rồi, các anh cứ đi đi”, ông thủ tướng nói, ý rằng ông sẽ đáp máy bay khác cùng vợ con.

Đó là một quyết định sai lầm chết người. An ninh bị phá vỡ. Đám đông tìm cách vào được sân vận động và từ đằng xa, từng đội quân áo đen đang tiến đến.

Ngoài Thủ tướng Boret, em trai Tổng thống Lon Nol là Lon Non, hoàng thân Sisowath  đều bị Khmer Đỏ giết chết. Tổng thống Lon Nol trốn thoát và sống lưu vong ở Mỹ cho đến lúc qua đời năm 1985.

Phi công cho máy bay cất cánh. Chiếc máy bay mất dạng sau bức tường sân vận động. Trong ngày hôm đó, không có thêm máy bay hay trực thăng nào cất cánh khỏi Phnom Penh.

Cái chết

Thủ tướng Boret lái xe về Bộ Thông tin cùng với tháp tùng. Nhưng kiểu tháp tùng lần này hoàn toàn khác. Chiếc Mercedes theo sau một chiếc Land Rover.

Rồi một đội lính mặc đồ đen bao vây họ. Trong chiếc xe Land Rover là một người đàn ông tóc xám. Ông ta mặc đồ đen, quấn khăn rằn ở cổ.

Đó là Cheng Sayum Born, cựu đại tá của chính phủ cộng hòa đã vượt ngục năm 1970 khi đang chịu án về tội để mất căn cứ ở Kratie.

Ông ta gia nhập Khmer Đỏ và dần trở thành một trong những tư lệnh chủ chốt của Khmer Đỏ, chỉ huy cánh quân phía tây bắc.

Cũng trong ngày hôm đó, theo những nguồn tin đáng tin cậy nhất, quân Khmer Đỏ đưa Thủ tướng Boret lên xe chở rác đưa đi. Rồi một lính Khmer Đỏ bắn duy nhất một phát đạn vào vùng thận của ông thủ tướng và để ông chết từ từ, trong đau đớn.

Vợ và con ông bị bắn chết bằng súng máy cũng trong ngày hôm đó.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Xã viên sẽ hưởng lợi lớn khi canh tác lúa giảm phát thải

ĐBSCL Theo dự thảo chi trả kết quả giảm phát thải trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, nông dân trong các HTX, tổ hợp tác là đối tượng hưởng lợi cao nhất.