| Hotline: 0983.970.780

Thu gần 800 triệu/ha từ ớt

Thứ Sáu 08/04/2011 , 10:24 (GMT+7)

Trong năm nay, người trồng ớt ở Bình Định đã đạt đến con số này một cách nhẹ nhàng vì từ đầu năm đến nay, giá ớt luôn dao động ở những con số gần 40.000đ/kg.

Đó là con số trong mơ của những người làm nông nghiệp. Thế nhưng trong năm nay, người trồng ớt ở Bình Định đã đạt đến con số này một cách nhẹ nhàng vì từ đầu năm đến nay, giá ớt luôn dao động ở những con số gần 40.000đ/kg.

Trên toàn địa bàn tỉnh Bình Định có gần 400 ha ớt thì ở huyện Phù Mỹ đã chiếm đến 290 ha. Bởi vậy, Phù Mỹ được xem là “thủ phủ” của cây ớt ở vùng đất duyên hải Nam Trung bộ này. Ông Phạm Văn Trà - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ nhớ lại: “Tôi xuất thân là con nhà nông nên được biết người dân Phù Mỹ trồng ớt đã lâu. Thế nhưng trước đây, ớt chỉ được trồng nhỏ lẻ để dùng trong gia đình, còn thừa mang đi chợ bán kiếm chút tiền mua mắm chứ không thành loại cây trồng hàng hóa như bây giờ”.

Địa phương có nhiều diện tích trồng ớt nhất ở Phù Mỹ là các xã: Mỹ Hiệp: 66 ha; Mỹ Chánh Tây: 45,5 ha; Mỹ Phong 29 ha; thị trấn Phù Mỹ 27 ha; xã Mỹ Hòa 25 ha; Mỹ Tài: 22 ha; Mỹ Đức: 18 ha; Mỹ Trinh 12 ha; Mỹ Thọ: 12 ha... Nông dân Đinh Văn Thành ở xã Mỹ Tài, người đang sở hữu 3 sào ớt nói như reo: “Chưa năm nào người trồng ớt chúng tôi trúng to đến thế này. Từ đầu năm đến nay, có thời điểm giá ớt lên cao đến 43.000đ/kg. Hiện nay ớt đang được các đầu nậu thu mua giá 36.000đ/kg. Bây giờ, ai có 2 sào ớt là sẽ có khoản thu nhập bằng trồng 1 ha rừng nguyên liệu giấy”.

Ông Ngô Đình Ba - Phó phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ khẳng định: “Đó là cái giá đỉnh cao mà cây ớt đạt được so từ trước đến nay. Với giá này, năm nay ai sở hữu 1,5 ha ớt là trở thành tỷ phú”. Rồi ông Ba tính toán: “Mỗi sào ớt (500m2) cho sản lượng 1 tấn, vị chi mỗi ha ớt thu được 20 tấn. Mỗi tấn ớt hiện bán được 36 triệu đồng, như vậy mỗi ha ớt nông dân thu được gần 800 triệu đồng”.

Theo nông dân Phù Mỹ, trồng ớt không khó. Đây là loại cây trồng có quy trình canh tác đơn giản. Chỉ cần làm đất, lên vồng rồi phủ bạt để giữ ẩm, giữ phân, làm tơi xốp đất và ngăn cỏ mọc là cây ớt phát triển mạnh mẽ. “Đặc biệt trong thời gian gần đây, người trồng ớt ở Phù Mỹ chuyên làm các giống ớt lai F1. Các loại giống này cho năng suất cao, phát huy ưu thế lai nên cây phát triển nhanh và cho trái lớn. Khi tiếp cận được giống cao sản, năm nào ớt ế lắm thu nhập của người trồng ớt cũng được cao gấp 4 lần so trồng lúa”, ông Ngô Đình Ba - Phó phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ cho hay.

Về Phù Mỹ trong những ngày này, chúng tôi nhận thấy khắp mọi nẻo đường đều tấp nập những hoạt động mua bán mặt hàng ớt. Hiện ở Phù Mỹ có khoảng trên 10 đầu nậu chuyên thu mua ớt để cung ứng sang thị trường Trung Quốc. Mỗi đầu nậu đều “tuyển” riêng một lực lượng chuyên đi dạo hoặc đứng ở các ngã đường, đến tận từng vùng trồng ớt để thu mua ớt tươi. Sau đó ớt được tập kết lại một nơi cố định, đóng vào sọt, cân cho thương lái rồi được xếp lên những container chờ sẵn.

Tại chợ Tân Dân thuộc xã Mỹ Hiệp, chúng tôi được no mắt nhìn những đống ớt tươi rói, trái rất to đang được nhân công xếp vào giỏ. Chị Nguyễn Thị Điệp, là đầu nậu của điểm thu mua Tân Dân cho biết: “Tôi tổ chức thu mua ớt từ đầu tháng Giêng đến nay, mỗi ngày thu được từ 60 đến 80 tấn ớt. Mỗi ngày, riêng điểm thu mua của tôi chở đi Trung Quốc 3 container ớt”.

Xem thêm
Vịt Xiêm lai Pháp thích hợp cho chăn nuôi nhỏ lẻ

ĐBSCL Tại ĐBSCL, mô hình nuôi vịt Xiêm lai Pháp được bà con nông dân đánh giá mang lại hiệu quả cao, thích hợp cho hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, truyền thống.

Vacxin Tembusu nhập khẩu chính ngạch đầu tiên về Việt Nam được đánh giá bài bản

Việc cho phép nhập khẩu vacxin Tembusu chính ngạch giúp người chăn nuôi thủy cầm có một công cụ quan trọng để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Một xã thu 135 tỷ đồng mỗi năm từ cây ổi

HẢI DƯƠNG Cây ổi chiếm 95% diện tích canh tác của xã Liên Mạc. Cây ổi dễ áp dụng VietGAP, nhanh cho khai thác kinh doanh, thu nhập cao, ổn định hơn nhiều so với trồng vải.

Quảng Ngãi xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Các đơn vị đã phối hợp tổ chức gieo sạ bằng máy sạ cụm 12 hàng trên diện tích 5.000m2 tại mô hình ở cánh đồng lúa xã Đức Chánh (Mộ Đức, Quảng Ngãi).