| Hotline: 0983.970.780

Thủ phủ cá tầm Tây Nguyên chuyển dịch theo chuỗi công nghệ cao

Thứ Sáu 11/03/2022 , 10:29 (GMT+7)

Với lợi thế về khí hậu, nguồn nước, mỗi năm các vùng nuôi cá nước lạnh của tỉnh Lâm Đồng sản xuất 1.200 - 1.400 tấn cá tầm thương phẩm.

Mô hình nuôi cá nước lạnh tại Lâm Đồng trong những năm qua mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Minh Hậu.

Mô hình nuôi cá nước lạnh tại Lâm Đồng trong những năm qua mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Minh Hậu.

Lâm Đồng có độ cao trung bình từ 600 - 1.500 mét so với mặt nước nước biển, nhiệt độ trung bình từ 18 - 240C. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển các giống cá nước lạnh, đặc biệt là cá tầm.

Đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 50ha với 25 trang trại, 35 hộ nuôi cá tầm và tập trung tại các huyện Lạc Dương, Đam Rông, Di Linh và Đà Lạt. Hình thức nuôi phổ biến là xây bể xi măng, sử dụng bể composite hoặc đào ao lót bạt cùng khoảng 200 lồng bè ở Hồ KaLa (huyện Di linh).

Ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Lâm Đồng cho biết, nghề nuôi cá nước lạnh ở Lâm Đồng bắt đầu từ năm 2006 và đến nay tỉnh đã có quy hoạch phát triển tổng thể. Sản phẩm cá nước lạnh của địa phương đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Cá nước lạnh Đà Lạt.

Tại Lâm Đồng, các doanh nghiệp nuôi cá nước lạnh quy mô lớn như Hợp tác xã cá tầm Việt Đức (huyện Đam Rông), Công ty Cổ phần Cá tầm Việt Nam, Công ty TNHH Phi Huỳnh (TP. Đà lạt), Công ty Ngọc Mai Trang… đã chủ động đầu tư trang thiết bị sản xuất giống, nhập khẩu trứng giống về nuôi ấp nở, ương dưỡng giống cá bột và cơ bản đáp ứng nhu cầu về con giống phục vụ cho sản xuất cá thương phẩm của tỉnh.

Mỗi năm, các cơ sở này sản xuất khoảng 1,5 - 2 triệu con giống. Sản lượng cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng hiện ước đạt từ 1.200 - 1.400 tấn/năm và chủ yếu tiêu thụ tại thị trường TP. HCM và nội tỉnh.

Mỗi năm, toàn tỉnh Lâm Đồng sản xuất từ 1.200 - 1.400 tấn cá tầm thương phẩm. Ảnh: Minh Hậu.

Mỗi năm, toàn tỉnh Lâm Đồng sản xuất từ 1.200 - 1.400 tấn cá tầm thương phẩm. Ảnh: Minh Hậu.

Ngoài sản xuất cá tầm thương phẩm, một số doanh nghiệp như Công ty Cá tầm Việt Nam, Công ty TNHH Cá suối Đại Dương, Công ty TNHH Phi Huỳnh cũng tập trung phát triển giống cá tầm chuyên dụng để chế biến dòng sản phẩm cao cấp có hiệu quả kinh tế lớn là trứng cá đen (caviar). Hiện sản lượng trứng cá đen ước khoảng 1,5 tấn/năm, công nghệ chế biến trứng cá đen đóng hộp ngày càng hoàn thiện, đáp ứng được sự đòi hỏi ngày càng cao của thị trường tiêu thụ.

Theo ông Phạm Phi Long, đến nay, các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cá nước lạnh Lâm Đồng hoạt động khá hiệu quả. Địa phương đã hình thành chuỗi từ sản xuất giống, nuôi thương phẩm, cung ứng thức ăn và tổ chức thị trường tiêu thụ.

"Các đơn vị tham gia chuỗi kiên kết có kế hoạch phát triển sản lượng ổn định theo kế hoạch hàng năm, sản lượng được xuất bán và thu mua tại trang trại nuôi theo chu kỳ và kế hoạch sản xuất, được thu mua với giá ổn định. Chủ trì liên kết như Công ty TNHH MTV Thủy sản Trường Toàn - TP.HCM vừa phát triển trang trại nuôi thương phẩm, vừa chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm cho các trang trại và đã hình thành hệ thống cung ứng ổn định", ông Phạm Phi Long chia sẻ.

Tỉnh Lâm Đồng hướng đến phát triển các mô hình nuôi cá nước lạnh công nghệ cao. Ảnh: Minh Hậu.

Tỉnh Lâm Đồng hướng đến phát triển các mô hình nuôi cá nước lạnh công nghệ cao. Ảnh: Minh Hậu.

Trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục duy trì các vùng nuôi nuôi công nghệ cao. Đồng thời đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất con giống có năng suất, chất lượng và thích ứng với điều kiện khí hậu, nguồn nước tại từng khu vực. Ngành nông nghiệp cũng tăng cường kiểm soát dịch bệnh và dự báo môi trường, phát triển mở rộng diện tích và lồng nuôi tại các hồ chứa, đập thủy lợi.

Tỉnh cũng xây dựng vùng phát triển nuôi cá nước lạnh phù hợp với điều kiện khí hậu, nguồn nước, giảm thiểu sự ảnh hưởng tác động xấu đến môi trường, đặc biệt là rừng tự nhiên. Cùng với đó là nghiên cứu, tạo con lai có khả năng thích nghi với điều kiện nước ở nhiệt độ cao để phát triển mở rộng diện tích nuôi cá nước lạnh tại các vùng lân cận Đà Lạt, Lạc Dương.

Đặc biệt là tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ ao nuôi đến thị trường tiêu thụ. Trong đó doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi.

Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Lâm Đồng, hiện nguồn trứng cá giống vẫn phải nhập từ nước ngoài vào nên giá con giống cao, ben cạnh đó, thức ăn cho cá cũng phải nhập từ các tỉnh, thành ở xa. Do đó, thời gian tới, các doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu nuôi cá bố mẹ để sản xuất trứng tại chỗ, đầu tư nhà máy thức ăn thủy sản nhằm giảm chi phí sản xuất con giống, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh tế đối với nghề nuôi cá nước lạnh trên địa bàn.

Xem thêm
Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.