| Hotline: 0983.970.780

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khảo sát cá nước lạnh tại Sa Pa

Thứ Sáu 16/07/2021 , 22:41 (GMT+7)

Chiều 16/7, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thực địa, khảo sát cơ sở nuôi cá nước lạnh tại Sa Pa (Lào Cai).

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến kiểm tra chất lượng cá hồi nuôi tại Trung tâm Nghiên cứu thuỷ sản nước lạnh tại Sa Pa. Ảnh: H.Đ.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến kiểm tra chất lượng cá hồi nuôi tại Trung tâm Nghiên cứu thuỷ sản nước lạnh tại Sa Pa. Ảnh: H.Đ.

Sau khi đến Lào Cai, đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến dẫn đầu đã tới thăm và khảo sát tình hình phát triển con giống, nuôi cá nước lạnh tại Trung tâm Nghiên cứu thuỷ sản nước lạnh (thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 1). 

Ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thuỷ sản nước lạnh cho biết, từ khi thành lập vào năm 2005, Trung tâm đã triển khai thành công dự án công nghệ sản xuất cá hồi; nghiên cứu ứng dụng công nghệ nuôi cá hồi thương phẩm và cá tầm; nghiên cứu quy trình nuôi vỗ thành thục và kích thích sinh sản nhân tạo cá hồi... Tới nay, Trung tâm đã làm chủ được công nghệ ươm nuôi giống cá hồi, cá tầm trắng châu Âu.

"Với con giống cá hồi, việc chọn giống đã cung cấp được cho Sa Pa con giống chất lượng tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người nuôi. Hiện Trung tâm đang cung cấp trên 1 triệu con giống cho thị trường Lào Cai. Từ việc hợp tác với các chuyên gia Chính phủ Phần Lan trong chương trình chọn giống, đến nay Trung tâm đã làm chủ công nghệ và tự sản xuất con giống ngay tại Sa Pa để cung cấp cho người dân địa phương nuôi cá nước lạnh tại chỗ", ông Hải nói.

Sa Pa có điều kiện khí hậu tự nhiên phù hợp với cá nước lạnh đặc biệt là nhiệt độ nước. So với con giống Trung Quốc, cá do Trung tâm chọn giống phù hợp điều kiện tự nhiên tại Sa Pa, kiểm soát tốt dịch bệnh, tốc độ tăng trưởng của cá có sự khác biệt đáng kể.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khảo sát, động viên cơ sở chế biến cá nước lạnh tại Bản Khoang (Sa Pa). Ảnh: H.Đ.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khảo sát, động viên cơ sở chế biến cá nước lạnh tại Bản Khoang (Sa Pa). Ảnh: H.Đ.

Về việc phát triển cá nước lạnh tại Sa Pa, ông Vương Trinh Quốc, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa cho biết, từ khi Trung tâm Nghiên cứu thuỷ sản nước lạnh nghiên cứu thành công cá tầm, cá hồi tại Sa Pa, đến nay thị xã đã phát triển được 250 cơ sở nuôi với sản lượng mỗi năm 540 tấn, giá trị sản xuất mang lại 120 tỷ đồng/năm, tạo ra nhiều việc làm cho người dân địa phương.

Nhiều hộ gia đình, hợp tác xã làm ăn phát đạt nhờ nuôi cá nước lạnh. Từ khi có sản phẩm cá nước lạnh cũng tạo thêm một sản phẩm cho Khu du lịch Quốc gia Sa Pa, khi trước đây chỉ có trâu, gà, ngựa. Vì vậy, cá nước lạnh bổ sung dồi dào hơn nguồn thực phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch. Du khách rất thích khi được ăn cá hồi tươi và hiện nay giá cá hồi, cá tầm giảm do Covid-19, du khách không đến Sa Pa. Tuy nhiên, cá nước lạnh vẫn có hiệu quả cho bà con nông dân. 

Mặt khác, đối với việc kiểm soát quy mô, số lượng nuôi, ngành nông nghiệp và thị xã đã gắn chip truy xuất nguồn gốc cá tầm, cá hồi Sa Pa, không để hàng Trung Quốc trà trộn. Mặt khác, hiệp hội cá nước lạnh của tỉnh Lào Cai, cũng như của Sa Pa tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất từ khâu cung ứng thức ăn cho đến khâu chế biến. Khi liên kết chặt chẽ như vậy thì việc chăn nuôi cá nước lạnh đảm bảo an toàn thực phẩm và điều phối được trong khâu tiêu thụ sản phẩm. 

"Từ cuối 2020, UBND thị xã Sa Pa đã ký văn bản không phát triển thêm cá nước lạnh tại Sa Pa, do nguồn cung đã vượt quy hoạch và như vậy chỉ củng cố và nâng cao năng lực cho các cơ sở nuôi. Do khi nuôi cá nước lạnh liên quan từng lưu vực, nguồn sinh thuỷ, khe suối nếu cứ khai thác triệt để không còn nguồn nước nào khác. Trong khi đó việc nuôi không còn đảm bảo an toàn do chăn nuôi quá nhiều, khi nhiễm bệnh đầu nguồn thì tất cả đều nhiễm bệnh theo...", ông Quốc nói.

Được biết, có thời gian tại Lào Cai cá nước lạnh ở thị trường nước ngoài thẩm lậu vào nhưng chỉ ảnh hưởng tới cá tầm còn cá hồi chất lượng không thể đảm bảo nên không cạnh tranh được với cá hồi Sa Pa.

Ngoài ra, khi có Covid-19 việc kiểm soát đường biên chặt chẽ nên không còn việc thẩm lậu cá nước lạnh do đó cá tầm, cá hồi Sa Pa tiêu thụ tốt.

Hiện nay, một số hợp tác xã tại Sa Pa đã chế biến sâu sản phẩm cá hồi như xúc xích, giò, chả, cá phi lê, cá hun khói... để xuất bán vào thị trường lớn từ Bắc vào Nam.

Chủ trang trại cá nước lạnh Thức Mai cho biết, từ khi có Covid-19, trang trại đã mua máy móc về chế biến ruốc, xúc xích, cá hồi đóng gói để có thể đưa tới các thị trường xa hơn ngoài Sa Pa. Do đó, mặc dù ảnh hưởng Covid-19 nhưng nhờ thị trường phía Nam, miền Trung, cá của trang trại vẫn tiêu thụ tốt. Trung bình, mỗi ngày trang trại sản xuất 1 tấn cá hồi thành phẩm để xuất đi các tỉnh.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.