| Hotline: 0983.970.780

Tìm hiểu cá tầm nhập từ Trung Quốc

Thứ Sáu 31/12/2021 , 07:37 (GMT+7)

Bài viết của ông Lê Thanh Lựu, Hội Nghề cá Việt Nam và ông Nguyễn Đình An, Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng.

Theo điều tra (năm 2004), Trung Quốc có 8 loài cá tầm hiện hữu ở các vực nước đều nằm trong danh sách cần được bảo vệ. Cụ thể, các loài có định danh khoa học và khu trú tại các lưu vực sông: Acipenser sinensis, A. dabryanusPsephurus gladius tại lưu vực sông Dương Tử; A. schrenckiiHuso dauricus tại lưu vực sông Amur; A. baeriiA. ruthenus tại lưu vực sông Irtish; A. nudiventris tại lưu vực sông ILi.

Kiểm tra cá tầm Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam. Ảnh: Hoàng Anh.

Kiểm tra cá tầm Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam. Ảnh: Hoàng Anh.

Do khai thác quá mức, với mục đích tái tạo nguồn lợi, Trung Quốc đã bắt đầu nghiên cứu sinh sản nhân tạo cá tầm từ khá lâu bằng cách bắt cá thành thục ở sông, kích thích cho đẻ thành công đối với loài A. schrenckii từ năm 1957, loài A. sinensis từ năm 1972 và loài A. dabryanus từ 1976 để thả xuống các vực nước tự nhiên. Nhưng những thành công ấy không mang lại hiệu quả trong sản xuất giống đại trà phục vụ cho nuôi trồng thủy sản trong nhiều năm tiếp theo.

Từ thập niên 90 của thế kỷ trước, nghề nuôi cá tầm bắt đầu phát triển, nên Trung Quốc đã nhập nội trứng của một số loài cá tầm từ các nước khác như Nga, Mỹ, Đức, Pháp, Ý… về ấp, ương và cung cấp giống cho các trại nuôi thương phẩm ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Sau này các tỉnh phía Nam cũng phát triển nhiều trang trại nuôi cá tầm thương phẩm trong các ao đất, lồng bè, trong các vực nước tự nhiên hoặc nhân tạo.

Đặc biệt Trung Quốc rất chú trọng con lai giữa các loài. Hiện nay nước này đang sử dụng tổng cộng 13 đối tượng, trong đó có một số loài và tạo nhiều dòng cá lai trong quá trình sản xuất giống để nuôi thương phẩm.

Một số dòng cá lai phổ biến ở Trung Quốc là: Con cái của loài Huso dauricus lai với con đực của loài A. Schrenckii; con cái của loài A. Schrenckii lai với con đực của loài Huso dauricus; con cái của loài A. baerii lai với con đực của A. Schrenckii;  con cái của loài Huso huso lai với con đực của loài A. ruthenus; và một số con lai từ các loài cá tầm khác.

Khả năng cao cá tầm giống và cá thịt nhập vào Việt Nam bằng các con đường khác nhau là con lai. Ảnh: Hoàng Anh.

Khả năng cao cá tầm giống và cá thịt nhập vào Việt Nam bằng các con đường khác nhau là con lai. Ảnh: Hoàng Anh.

Bản thân Trung Quốc trong những năm trước đây cũng đã thừa nhận không thể kiểm soát việc lai tạo các loài cá tầm, điều đó có thể dẫn tới ô nhiễm nguồn gen trong trường hợp cá nuôi bị thất thoát ra ngoài.

Sản lượng cá tầm nuôi của Trung Quốc năm 1998 đạt 100 tấn năm, năm 2000 đã tăng lên 2.000 tấn; năm 2003 là 10.871 tấn, năm 2004 là 11.269 tấn, năm 2005 là 15.407 tấn, năm 2006 là 17.424 tấn, năm 2007 là 19.875 tấn, năm 2008 là 20.152 tấn; năm 2009 là 21.000 tấn. Đến năm 2017, sản lượng cá tầm của nước này đạt hơn 90.000 tấn. Như vậy, sản lượng cá tầm Trung Quốc đã tăng hơn 5 lần chỉ trong vòng 10 năm, giai đoạn 2007 - 2017.

Những nghiên cứu cũng cho thấy, vai trò của con lai trong nuôi cá tầm thương phẩm ở Trung Quốc tăng lên không ngừng. Theo thống kê năm năm 2002, sản lượng cá tầm A. sinensis chiếm 42,1%, tiếp theo là cá tầm Siberia (A. baerii) chiếm 38%, các dòng cá lai chiếm 15,8% và sản lượng các loài cá tầm khác chỉ chiếm 4,1%.

Năm 2009, sản lượng cá tầm Siberia (A. baerii) chiếm 48%, sản lượng các dòng con lai chiếm 38%, sản lượng cá tầm A. Schrenckii chiếm 15% và sản lượng các loài cá tầm khác chỉ chiếm 5%. Đến năm 2017, lượng cá lai đã có vị trí đặc biệt, chiếm tới 80% sản lượng cá tầm nuôi ở Trung Quốc, 10% sản lượng là cá tầm Siberia (A. baerii) và 10% sản lượng còn lại là cá tầm A. Schrenckii.

Từ ngày 23/7/2020 đến 8/2/2021, các doanh nghiệp đã nhập khẩu chính ngạch số lượng cá tầm Trung Quốc lên đến 2.988 tấn. Ảnh: Hoàng Anh.

Từ ngày 23/7/2020 đến 8/2/2021, các doanh nghiệp đã nhập khẩu chính ngạch số lượng cá tầm Trung Quốc lên đến 2.988 tấn. Ảnh: Hoàng Anh.

Do thị trường cá tầm ở Trung Quốc có đặc tính chỉ tiêu thụ cá kích cỡ 1 - 2kg, giá cả cá thịt giảm mạnh (khả năng do sản lượng tăng nhanh) và ổn định ở mức 3,5 - 4,5 USD/kg (thậm chí có năm còn thấp hơn) nên các nhà nuôi cá tầm của Trung Quốc cố gắng tăng tốc độ sinh trưởng của cá nuôi bằng việc sử dụng ưu thế lai của các con lai và nguồn thức ăn. Bằng các biện pháp như vậy, khả năng cá chỉ nuôi trong vòng 10 - 12 tháng là sẽ đạt quy cỡ thương phẩm 1 - 2kg.

Tại Việt Nam, nhu cầu cá tầm khá cao trong mấy năm gần đây. Do vậy, việc nhập khẩu cá tầm giống Trung Quốc cũng như cá thịt cho thị trường trong nước là rất lớn. Lượng cá giống vào Việt Nam trong năm 2020 - 2021 gần như chiếm ưu thế nổi bật, khi nguồn trứng từ các nước Châu Âu không thể vào Việt Nam do dịch Covid-19. Lượng cá thịt cũng được nhập vào Việt Nam với khối lượng cao.

Theo thống kê của Cơ quan quản lý CITES Việt Nam (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT), trong thời gian từ ngày 23/7/2020 đến 8/2/2021, các doanh nghiệp đã nhập khẩu chính ngạch số lượng cá tầm Trung Quốc lên đến 2.988 tấn.

Thực tế thì nhập khẩu cá giống và cá thịt đều diễn ra rất mạnh, cả đường chính ngạch và tiểu ngạch, thậm chí là nhập lậu như truyền thông đã phản ánh nhiều. Khả năng cao là cá giống và cá thịt Trung Quốc nhập vào Việt Nam bằng các con đường khác nhau là những dòng cá lai.

Xem thêm
Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối nhiều ngày, ngư dân khốn đốn

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối khiến ngư dân như ngồi trên đống lửa. Nhiều chủ tàu cập cảng tại Quảng Trị rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.